10 câu hỏi thường gặp về sử dụng kháng sinh ở trẻ em
Câu hỏi 1
Con của tôi bị cảm lạnh rất nặng, tại sao bác sĩ không kê kháng sinh cho bé?
Cảm lạnh là bệnh do virus (siêu vi) gây nên. Trong khi đó, kháng sinh chỉ điều trị các bệnh do vi khuẩn. Do đó, không thể điều trị cảm lạnh bằng kháng sinh.
Bạn có biết cảm lạnh rất phổ biến ở trẻ em. Một trẻ có thể bị 6 – 8 đợt cảm lạnh trong một năm. Tuy nhiên, phần lớn các triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi và ho sẽ tự thuyên giảm sau khoảng 10 ngày mà không cần điều trị bằng thuốc.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra những loại thuốc mua được ở tiệm thuốc như thuốc ho, thuốc giảm nghẹt mũi và kháng sinh không thực sự có hiệu quả.
Kháng sinh chỉ điều trị các bệnh lý do vi khuẩn gây ra, không điều trị các bệnh lý do virus
Đọc thêm: Trẻ bị cảm lạnh nên làm gì – Hướng dẫn đầy đủ cho cha mẹ
Câu hỏi 2
Cảm lạnh có khiến trẻ dễ bị nhiễm vi khuẩn (nhiễm trùng) không? Có nên sử dụng kháng sinh để phòng ngừa việc này?
Trong phần lớn trường hợp, nhiễm virus không gây nhiễm trùng sau đó. Sử dụng kháng sinh dự phòng trong trường hợp này:
- Không giúp ích gì (vì nguy cơ nhiễm trùng rất thấp).
- Khiến trẻ gặp tác dụng phụ.
- Tạo điều kiện để những chủng vi khuẩn kháng thuốc phát triển trong cơ thể của trẻ.
Câu hỏi 3
Trẻ chảy mũi vàng xanh có phải là dấu hiệu của nhiễm trùng?
Chảy mũi vàng xanh không nhất thiết là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhìn chung sẽ có hai trường hợp chính.
Khi bị cảm lạnh (do virus) trẻ có thể chảy mũi vàng xanh. Màu sắc đặc trưng này có nguyên nhân từ sự thay đổi về độ đặc và thành phần bạch cầu trong nước mũi. Triệu chứng bệnh sẽ hết trong vòng 10 ngày.
Một số trường hợp khác, trẻ chảy mũi vàng xanh do viêm xoang gây nên bởi vi khuẩn. Trong bệnh lý này, lớp niêm mạc lót bên trong các xoang ở vùng đầu mặt bị tổn thương do vi khuẩn. Các dấu hiệu để nhận biết là:
- Trẻ sốt cao (lớn hơn hoặc bằng 39 độ), kéo dài 3 – 4 ngày.
- Trẻ chảy mũi vàng xanh kéo dài lớn hơn 10 ngày, tình trạng không thuyên giảm mà còn nặng thêm.
Bạn cũng cần biết viêm xoang không chỉ do vi khuẩn gây ra. Hai nguyên nhân phổ biến khác là nhiễm virus và viêm mũi dị ứng.
Câu hỏi 4
Kháng sinh có dùng để điều trị viêm tai không?
Viêm tai là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, phần lớn trường hợp do virus gây ra và không cần điều trị kháng sinh. Nếu bác sĩ nghĩ con bị viêm tai do virus, họ sẽ tư vấn cho bạn cách giảm đau cho bé và đợi bệnh tự thuyên giảm. Gần một nửa trường hợp viêm tai tự hết mà không cần điều trị kháng sinh.
Khi bị viêm tai, đau tai là triệu chứng khiến trẻ khó chịu nhất. Bạn có thể mua acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau cho con tại các tiệm thuốc. Hãy đảm bảo bạn tính đúng liều khi cho trẻ sử dụng. Trong hầu hết trường hợp, sốt và đau tai sẽ cải thiện sau 1 – 2 ngày.
Nếu trẻ bị viêm tai do vi khuẩn, bác sĩ mới bắt đầu kê kháng sinh cho bé. Hai dấu hiệu gợi ý chính là tình trạng sốt và đau tai nặng dần không cải thiện.
Câu hỏi 5
Trẻ đau họng chắc chắn cần dùng kháng sinh?
Không, hơn 80% trường hợp đau họng gây nên bởi virus. Nếu con bạn có các triệu chứng đau họng, chảy nước mũi và ho khan, đây có thể do virus gây ra. Do đó không cần điều trị kháng sinh.
Kháng sinh chỉ dùng để điều trị đau họng (viêm họng) gây nên bởi vi khuẩn streptococcus nhóm A.
Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hiếm khi bị viêm họng do chủng vi khuẩn này. Nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng nếu con được gửi trẻ hoặc trong nhà có anh chị em mắc bệnh.
Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ bị viêm họng do streptococcus nhóm A, họ sẽ làm các xét nghiệm để khẳng định và bắt điều trị kháng sinh.
Câu hỏi 6
Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng kháng sinh là gì?
Các tác dụng phụ bao gồm phát ban, phản ứng dị ứng, buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày. Do đó, rất quan trọng để ghi nhớ và báo cho bác sĩ nếu con bạn từng bị dị ứng với kháng sinh.
Câu hỏi 7
Cần bao lâu để kháng sinh phát huy hiệu quả?
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng cải thiện trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh.
Nếu các triệu chứng của trẻ không tốt hơn hoặc xấu đi sau 72 giờ, hãy đến gặp bác sĩ.
Nếu trẻ ngừng dùng thuốc kháng sinh quá sớm, nhiễm trùng có thể không được điều trị dứt điểm và các triệu chứng sẽ tái phát.
Câu hỏi 8
Sử dụng kháng sinh có dẫn đến tình trạng kháng thuốc?
Sử dụng nhiều lần và lạm dụng kháng sinh có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc. Những loại vi khuẩn này không thể bị tiêu diệt bởi các loại kháng sinh thường được sử dụng. Ngoài ra, chúng có thể lây lan cho trẻ em và người lớn khác.
Điều quan trọng là trẻ cần được dùng loại kháng sinh đặc hiệu nhất cho bệnh nhiễm trùng con đang mắc phải. Thay vì loại kháng sinh phổ rộng điều trị nhiều chủng vi khuẩn khác nhau.
Câu hỏi 9
Thuốc kháng virus là gì?
Thuốc kháng virus có thể được kê cho trẻ có nguy cơ bệnh nặng nếu bị cúm. Loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng cho hầu hết các loại virus khác gây triệu chứng ho và cảm lạnh.
Câu hỏi 10
Tôi nên làm gì để sử dụng kháng sinh an toàn?
- Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ và dược sĩ.
- Không sử dụng kháng sinh của một đứa trẻ này cho một đứa trẻ khác; bạn có thể cho thuốc sai và gây hại.
- Giữ thuốc kháng sinh và các thuốc kê theo toa ở một nơi an toàn. Đếm và theo dõi số lượng thuốc bạn có. Yêu cầu bạn bè, thành viên gia đình và người trông trẻ làm điều tương tự.
- Vứt bỏ thuốc kháng sinh còn sót lại, không để thuốc trong túi. Trẻ nhỏ có thể nhầm đó là kẹo hoặc đồ chơi gây ngộ độc.
- https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/at-home/medication-safety/Pages/Antibiotic-Prescriptions-for-Children.aspx
- https://www.cdc.gov/antibiotic-use/clinicians/pediatric-treatment-rec.html
- https://www.choosingwisely.org/patient-resources/antibiotics-for-respiratory-illness-in-children/