Xương chắc khoẻ nghĩa là gì?

Làm cha mẹ chắc chắn bạn đã từng nghe về câu “…giúp xương chắc khoẻ”. Nhưng cụ thể nó có nghĩa là gì, những yếu tố nào đảm bảo sức khoẻ của hệ xương, đặc biệt là ở trẻ em. Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Key takeaways

  • Sự lắng đọng các khoáng chất vào xương diễn ra mạnh nhất khi trẻ còn nhỏ và giảm dần khi trưởng thành.
  • Do đó, giai đoạn trẻ em là cửa sổ vàng để chăm sóc cho hệ xương của con.
  • Bạn có thể đảm bảo hệ xương của con khoẻ mạnh bằng một chế dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động và một lối sống lành mạnh.

Xương chắc khoẻ do đâu?

Xương rất quan trọng với cơ thể con người, nếu không có xương, chúng ta có lẽ giống một…”cục thạch”. Xương giúp neo giữ cơ bắp, nội tạng; bảo vệ những cơ quan trọng yếu. Xa hơn thế, tất cả các vận động như đi, đứng, nằm, ngồi về bản chất là cử động của xương khớp (1).

Ở trẻ em, một hệ xương chắc khoẻ lại càng quan trọng. Đây là nền tảng cho trẻ phát triển về mặt vận động, vui chơi và xây dựng các mối quan hệ xã hội.

Xương là một cơ quan đặc biệt

Bạn có thể nghĩ về xương như các trụ bê tông – cốt thép vậy. Xương có chứa “cốt thép” là một mạng lưới dày đặc các sợi collagen đảm bảo tính dẻo dai. Và các lớp bê tông khoáng chất tạo nên sự vững chắc (2).

Các khoáng chất bao gồm canxi, natri, magie, kali… trong đó canxi là thành phần chính.

Xương của bé phát triển như thế nào

Xương phát triển về hai mặt: kích thước và tính cứng chắc. Ở đây chúng ta tập trung vào tính cứng chắc.

Trong thực tế, xương hình thành giống như quá trình đổ bê tông vậy. Ban đầu khung collagen có trước và sau đó lớp bê tông canxi sẽ tích tụ dần dần vào xương theo thời gian (Bone mineral deposition – lắng đọng khoáng chất vào xương). Vitamin D đóng vai trò kích thích hấp thu canxi ở ruột, làm tăng nồng độ canxi trong máu.

Có một số điều thú vị sẽ có ích cho bạn về quá trình “đổ bê tông” này.

  • Sự lắng đọng canxi vào xương không diễn ra suốt cuộc đời. Nó bắt đầu từ lúc mang thai, tăng nhanh trong giai đoạn trẻ em và đạt đỉnh vào những năm 20 tuổi (3).
  • Sau đó, sự lắng đọng sẽ giảm dần khi chúng ta ngày càng trưởng thành.

Bạn có nhận ra không? Giai đoạn trẻ em chính là khoảng thời gian quan trọng nhất để xây dựng một hệ xương chắc khoẻ. Bất kỳ tác động xấu trong khoảng thời gian này đều có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ hệ xương của con.

Yếu tố nào đảm bảo xương chắc khoẻ

Đến đây bạn đã hiểu giai đoạn trẻ em là cửa sổ vàng để xương phát triển. Nhưng bạn cần đảm bảo cho con những khía cạnh nào trong khoảng thời gian này. Các nghiên cứu đã chỉ ra, xương phát triển khoẻ mạnh nhờ các yếu tố sau (4).

Các yếu tố bạn không thể thay đổi được:

  • Di truyền.
  • Giới tính.
  • Chủng tộc.

Các yếu tố bạn có thể cải thiện được:

  • Dinh dưỡng: canxi, vitamin D, natri, protein.
  • Tập luyện và lối sống.
  • Kiểm soát cân nặng.

Lời kết

Mục tiêu của bài viết là giúp bạn hiểu được xương không phát triển kéo dài liên tục mà có một khoảng thời gian vàng trong 20 năm đầu đời. Đây sẽ là bước đầu tiên cực kỳ hữu ích cho bạn trong quá trình chăm sóc con.

  1. Kids and Their Bones: A Guide for Parents – https://www.bones.nih.gov/health-info/bone/bone-health/juvenile
  2. Mechanism of Bone Mineralization – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6280711/
  3. Acquisition of optimal bone mass in childhood and adolescence – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11137037/
  4. Optimizing Bone Health in Children and Adolescents – https://publications.aap.org/pediatrics/article/134/4/e1229/32964/Optimizing-Bone-Health-in-Children-and-Adolescents