4 lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà

Chăm sóc trẻ sinh non tại nhà là việc cực kỳ quan trọng, quyết định sự phát triển về lâu dài của con. 4 lưu ý thực tế sau đây là những việc đơn giản bạn có thể làm để đảm bảo tương lai tốt nhất cho bé yêu.

Key takeaway

  • Chăm sóc trẻ sinh non tại nhà khác với trẻ đủ tháng.
  • Hãy đo cân nặng và chiều dài của con, theo dõi các chỉ số này giúp bạn biết trẻ có nhận đủ dinh dưỡng hay không.
  • Tái khám định kỳ rất quan trọng (dù trẻ không bị ốm).
  • Khi tái khám, bác sĩ sẽ đánh giá phát triển thể chất và vận động của trẻ, khám thị lực – thính lực, và tư vấn bổ sung thêm chất dinh dưỡng cần thiết.

Nếu bạn chưa biết sinh non nghĩa là gì, hai bài viết sau sẽ rất hữu ích:

Chăm sóc trẻ sinh non – hỏi đáp ngắn, biết đầy đủ.

Mách cha mẹ cách tính tuổi của trẻ sinh non.

Bạn có biết cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà

Mỗi năm có 10 – 12% em bé chào đời sớm hơn dự kiến. Phần lớn vào thời điểm 32 – 36 tuần tuổi thai. Y học phát triển làm tăng khả năng sống sót của những thiên thần đặc biệt này (ước tính lên đến 98%) (1).

Nhưng chỉ sống sót là không đủ, chúng ta còn mong muốn con phát triển khoẻ mạnh. Thực tế trẻ sinh non hoàn toàn có khả năng này nếu được chăm sóc hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn chưa rõ cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà. Ví dụ, bạn có biết?

  • Trong một số trường hợp, trẻ sinh non cần được nuôi dưỡng bằng sữa giàu năng lượng.
  • Con cần được tái khám định kỳ để theo dõi các bệnh về não, mắt, tim,…
  • Con có nguy cơ bị ngưng thở và cần được theo dõi kỹ lưỡng.

Phần sau của bài viết là những điểm cần lưu tâm khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà, cùng tìm hiểu nhé!

Trẻ sinh non không giống với trẻ sinh đủ tháng. Bé có những vấn đề cần được quan tâm đặc biệt để giúp con phát triển tốt trong tương lai.

Nuôi dưỡng trẻ sinh non cần lưu ý gì

Trẻ sinh non có nguy cơ bị thiếu dinh dưỡng vì:

  • Nguồn dưỡng chất dự trữ từ mẹ không đủ do trẻ chào đời sớm.
  • Mắc bệnh thường xuyên khiến con bú kém, làm tiêu hao năng lượng.
  • Con cần nhiều dinh dưỡng để tăng tốc độ phát triển.

Do đó, thức ăn dành cho trẻ khá đặc biệt. Trong một số trường hợp, bé cần dùng sữa công thức giàu năng lượng. Sữa công thức hoặc sữa mẹ thông thường có thể không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ.

Hãy hỏi bác sĩ khi còn ở bệnh viện hoặc ngay sau khi xuất viện để được tư vấn về loại sữa và lượng sữa cho mỗi lần bú nhé (Đọc thêm: Trẻ sinh non có nuôi dưỡng bằng sữa mẹ được không).

Một số lưu ý nhỏ khi cho con bú là:

  • Trẻ cần bú mỗi 2 – 3 giờ (tức 8 – 12 cữ/ngày), nếu trẻ ngủ hãy đánh thức con dậy để cho bú, không nên để con đói quá 4 giờ.
  • Trẻ đi tè 6 – 8 tã ướt mỗi ngày là dấu hiệu cho biết trẻ bú đủ sữa.
  • Trẻ có thể ọc ói sau bú, chuyện này diễn ra thường xuyên sẽ làm bé thiếu dinh dưỡng. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn cách giải quyết nhé (Đọc thêm: Mách bạn cách giảm nôn trớ cho trẻ chuẩn khoa học).

Ngoài ra, trẻ cũng cần được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác ngoài sữa:

  • Nếu con dùng sữa công thức giàu năng lượng, trẻ không cần bổ sung thêm các nhóm chất dinh dưỡng khác.
  • Nếu con dùng sữa công thức thông thường hoặc sữa mẹ, trẻ cần được bổ sung sắt, vitamin và canxi. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn thêm nhé.
chăm sóc trẻ sinh non tại nhà

Trẻ sinh non cần được ngủ trên một mặt phẳng, trong tư thế ngửa

An toàn trong giấc ngủ của con

Trẻ sinh non cần được ngủ trên một mặt phẳng chắc chắn, trong tư thế nằm ngửa. Các tư thế nghiêng, xấp hoặc thêm gối vào trong nôi có thể làm tăng nguy cơ đột tử cho con.

Ngoài ra, con cũng thường có những khoảng ngưng thở. Trẻ sinh non thường bị ngưng thở nhiều hơn so với trẻ sinh đủ tháng.

  • Cơn ngưng thở kéo dài lâu hơn 20 giây hoặc bất kỳ cơn ngưng thở nào làm bé tím tái được tính là bất thường.
  • Hãy để tâm đến nhịp thở của con, ngưng thở là dấu hiệu của một số bệnh như thiếu máu hoặc bất thường não. Đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn là cách tốt nhất.

Bạn muốn biết nhiều hơn về cách đảm bảo an toàn cho giấc ngủ của trẻ? Bài viết sau sẽ rất hữu ích cho bạn.

Phát triển thể chất và vận động của bé

Sau khi xuất viện, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ để đo cân nặng và chiều cao (chiều dài). Đây sẽ là điểm mốc để theo dõi phát triển thể chất của bé. Hoặc nếu bạn không có điều kiện, hãy tự mình làm việc này.

Tại sao các chỉ số này quan trọng?

  • Mức độ tăng cân theo thời gian giúp bạn biết con có nhận đủ năng lượng và dinh dưỡng hay không.
  • Nếu trẻ không tăng cân đủ, bạn cần đưa con đến gặp bác sĩ để xem nguyên nhân là gì và tư vấn cách cho con bú.
  • Đạt đủ cân nặng và chiều cao là nền tảng để phát triển các vận động khác như lật, bò, ngồi, đi, đứng.

Các đợt tái khám định kỳ là rất quan trọng, bác sĩ sẽ giúp bạn:

  • Đo cân nặng và chiều cao của bé, đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng dành cho trẻ sinh non để biết con có đủ cân hay không.
  • Bác sĩ sẽ đánh giá các cột mốc phát triển, phát hiện sớm trẻ chậm vận động và có cách can thiệp kịp thời.

Bệnh về mắt và thính giác

Có hai vấn đề chính về mắt bạn cần biết: lệch trục mắt và bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP – retinopathy of prematurity).

Trẻ sinh non thường bị lệch trục mắt (lé) hơn trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ cải thiện khi bé được 3 tháng tuổi. Nếu sau thời điểm này mắt vẫn lệch trục, hãy đưa con đến gặp bác sĩ nhé.

Trẻ sinh non cũng có nguy cơ cao bị tổn thương võng mạc. Võng mạc là nơi tiếp nhận ánh sáng giúp mắt nhìn thấy được. Nếu không điều trị, bé có thể bị mù vĩnh viễn. Bạn cần đưa con đi khám mắt định kỳ, các bác sĩ sẽ soi mắt cho con và điều trị nếu cần thiết.

Bên cạnh các bệnh về mắt, trẻ cũng có thể bị suy giảm thính lực. Hãy chú ý đến việc nghe của con dù bé còn rất nhỏ. Trẻ có thể bắt đầu nghe và xoay đầu về phía có âm thanh khi được 2 – 4 tháng. Hãy đưa con đi khám nếu bạn thấy con không đáp ứng với âm thanh lớn.

Đọc thêm: 7 nhóm bệnh thường gặp ở trẻ sinh non.

Đọc thêm: Trẻ 4 tháng tuổi – Một cái nhìn tổng quan.

  1. Primary Care Issues for the Healthy Premature Infant – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16962433/
  2. The Basics of Prematurity – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16831631/
  3. Caring for Your Premature Baby – https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/1998/0515/p2400.html
  4. Office Care of the Premature Infant: Part II. Common Medical and Surgical Proble – https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/1998/0515/p2383.html
  5. Outpatient Care of the Premature Infant – https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2007/1015/p1159.html