Trẻ thiếu sắt – Con của bạn có nguy cơ thiếu sắt không?
Làm thế nào để nhận biết trẻ thiếu sắt, bé ăn dặm có nhận đủ sắt không là những câu hỏi rất được cha mẹ quan tâm. Bạn cố gắng tìm câu trả lời nhưng cảm thấy không phù hợp. Vậy bài viết này là dành cho bạn, cùng tìm hiểu xem con của bạn có nguy cơ thiếu sắt không nhé!
Key takeaways
- Con của bạn mạnh khoẻ, cao lớn, thông minh hay không có liên quan rất nhiều đến việc bổ sung sắt cho con.
- Trẻ thiếu sắt rất phổ biến.
- Trẻ sinh non – nhẹ cân, ăn dặm không đa dạng các loại thực phẩm, kén ăn rất dễ bị thiếu sắt.
- Thực đơn ăn dặm của con hiện tại có thể không cung cấp đủ sắt cho bé.
Tại sao trẻ em cần sắt
Sắt là một trong những khoáng chất cần thiết cho sức khoẻ của trẻ nhỏ:
- Sắt là thành phần của huyết sắc tố, giúp vận chuyển oxy trong máu. Nó cũng có trong myoglobin, một loại protein giúp vận chuyển oxy đến cơ bắp.
- Sắt có trong nhiều enzyme tham gia vào các quá trình chuyển hoá sinh năng lượng.
Thiếu sắt có nguy hiểm không? Câu trả lời là có.
Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu. Con có da niêm xanh xao, nhợt nhạt. Khi bệnh nặng hơn, bé hay quấy khóc, vật vã, chóng mệt, sinh hoạt chậm chạp (1).
Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh thiếu sắt khiến trẻ bị chậm phát triển. Trẻ chậm nói, kém giao tiếp xã hội, chậm đi đứng, thành tích học tập kém có thể do thiếu sắt (2).
Đọc thêm: Trẻ chậm phát triển, dễ hiểu cho cha mẹ.
Con của bạn có nguy cơ thiếu sắt không
Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), thiếu sắt là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ (3) (4). Tại sao trẻ thiếu sắt lại phổ biến đến vậy?
Trước hết hãy cùng tìm hiểu xem con nhận sắt bằng cách nào:
- Ở trẻ sơ sinh, có hai nguồn cung cấp chính: sắt từ mẹ truyền cho con trong quá trình mang thai và sắt từ sữa mẹ.
- Đối với trẻ lớn hơn 6 tháng, sắt chủ yếu nhận từ thức ăn dặm và một phần từ sữa (sữa mẹ và sữa công thức).
Như vậy, con của bạn có thể bị thiếu sắt trong những trường hợp sau:
- Trẻ sinh non, việc chào đời quá sớm khiến con không thể nhận đủ sắt từ mẹ để xây dựng kho dự trữ sắt. Trẻ sinh đủ tháng nhìn chung có đủ sắt dự trữ trong cơ thể đến 6 tháng tuổi.
- Trẻ sinh nhẹ cân.
- Trẻ bú mẹ không đầy đủ, hoặc mẹ ăn uống không đảm bảo trong giai đoạn cho con bú.
- Trẻ ăn dặm với một thực đơn không có các thực phẩm giàu sắt, bé kén ăn.
- Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như: con mắc bệnh kéo dài hoặc uống quá nhiều sữa bò.
Trẻ thiếu sắt trong quá trình ăn dặm
Trong 6 tháng đầu, sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt cho trẻ nhỏ. Nhưng sau 6 tháng, lượng sắt trong sữa không còn đáp ứng đủ nhu cầu của con, phần thiết hụt cần được bổ sung từ thức ăn dặm.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra ngay cả thức ăn dặm cũng không chắc chắn cung cấp đủ sắt cho trẻ (5) (6) (7). Nguyên nhân của việc này có thể do:
- Phần lớn thức ăn dặm là bột, cháo có nguồn gốc từ thực vật; mà thực vật chứa ít sắt. Cơ thể hấp thu sắt có nguồn gốc thực vật kém hơn từ các nguồn động vật.
- Cha mẹ không chú trọng bổ sung các thực phẩm giàu sắt trong buổi ăn của con. Hơn nữa, các thực phẩm giàu sắt như thịt khó chế biến thành thức ăn dặm cho trẻ nhỏ.
- Lượng thịt, cá mà trẻ nhỏ có thể ăn được trong một buổi ăn thường không đáp ứng đủ nhu cầu sắt của con.
- Trẻ kén ăn khiến việc nuôi con cực kỳ khó khăn. Lượng thức ăn dặm trong một ngày không đáp ứng đủ nhu cầu của bé.
- Các đợt bệnh làm trẻ ăn kém, trong khi đó trẻ không còn dùng sữa mẹ hoặc sữa công thức nhiều như trước.
- Cha mẹ cho con uống sữa bò quá sớm. Uống sữa bò sớm trước 1 tuổi có thể khiến trẻ thiếu sắt gây thiếu máu.
Bạn muốn tìm hiểu thêm?
Chúng tôi biết đến đây một số cha mẹ sẽ tự hỏi: vậy cần cho con ăn gì để bổ sung sắt? Có cần cho con uống sắt mỗi ngày hay không? Uống thực phẩm chức năng bổ sung sắt như thế nào cho đúng cách?
Bạn có thể tìm thấy câu trả lời nhanh chóng ở bài viết sau: Bổ sung sắt cho trẻ theo từng lứa tuổi như thế nào.
- Thiếu máu do thiếu sắt – Giáo trình Nhi khoa tập 1 trang 340 – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
- Behavioral and developmental effects of preventing iron-deficiency anemia in healthy full-term infants – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/14523176/
- https://www.healthychildren.org/English/healthy-living/nutrition/Pages/Nutrition-and-Supplement-Use.aspx
- Guiding principles for complementary feeding of the breastfed child – WHO – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK143680/
- Complementary foods for infant feeding in developing countries: their nutrient adequacy and improvement – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9805226/
- Diagnosis and Prevention of Iron Deficiency and Iron-Deficiency Anemia in Infants and Young Children (0–3 Years of Age) – https://publications.aap.org/pediatrics/article/126/5/1040/65343/Diagnosis-and-Prevention-of-Iron-Deficiency-and
- Update on technical issues concerning complementary feeding of young children in developing countries and implications for intervention programs – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12664525/