Bổ sung sắt cho trẻ theo từng lứa tuổi như thế nào

Sắt là chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đảm bảo con nhận đủ sắt trong buổi ăn không phải việc dễ dàng. Vậy có bạn cần bổ sung sắt cho trẻ hay không, bằng cách nào, trong thời gian bao lâu và cần lưu ý những gì. Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Đọc thêm: Trẻ thiếu sắt – Con của tôi có nguy cơ thiếu sắt không?

Key takeaways

  • Thiếu sắt rất thường gặp ở trẻ em, ở mọi độ tuổi. Bổ sung sắt cho trẻ bằng thức ăn hoặc thuốc là việc cần thiết.
  • Trẻ sinh non và trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm là những đối tượng cần được quan tâm bổ sung chất dinh dưỡng này.
  • Bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được đánh giá toàn diện về chế độ dinh dưỡng, hướng dẫn liều lượng và cách dùng thuốc bổ sung sắt nhé.

Hiểu rõ những nguồn cung cấp sắt cho con

Trẻ em có thể nhận sắt từ những nguồn dinh dưỡng sau.

  • Sữa mẹ.
  • Sữa công thức.
  • Thức ăn dặm giàu sắt.
  • Các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung sắt.

Tuy nhiên, mỗi nguồn cung cấp trên đều có những khuyết điểm riêng.

Sữa mẹ và sữa công thức thông thường có thể bổ sung đầy đủ sắt cho con trong 4 – 6 tháng đầu đời. Nhưng từ tháng thứ 6 trở đi, lượng sắt từ hai nguồn này không còn đáp ứng đủ nhu cầu sắt của trẻ nhỏ (1).

Sữa công thức được tăng cường sắt (*) đáp ứng đủ nhu cầu sắt trong khoảng thời gian lâu hơn. Nhưng có một số quan ngại về giá cả và rối loạn tiêu hoá khi sử dụng loại sữa này (2).

Từ 6 tháng tuổi, trẻ cần ăn dặm để bổ sung sắt bên cạnh uống sữa. Tuy nhiên, hầu hết thức ăn dặm ban đầu là bột, ngũ cốc hoặc cháo có nguồn gốc từ thực vật. Thực vật chứa ít sắt hơn động vật. Trong khi đó, thức ăn từ động vật dù giàu sắt nhưng khó chế biến và bé cũng khó ăn được nhiều loại thực phẩm này (3).

Thuốc và các thực phẩm chức năng bổ sung sắt có lẽ là cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Tuy nhiên nếu bạn cho con dùng quá nhiều có thể gây tích tụ sắt trong cơ thể. Sắt lắng đọng ở não, gan, tim gây sẽ suy yếu các cơ quan này.

Nhìn vào đâu để biết có cần bổ sung sắt cho trẻ hay không

Thiếu sắt rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng làm sao cha mẹ biết có cần bổ sung sắt cho trẻ hay không. Cùng trả lời những câu hỏi sau và tiến đến mục bên dưới nhé.

  • Bé có sinh non hoặc nhẹ cân không? Bé sinh non nếu chào đời trước 37 tuần tuổi thai, nhẹ cân nếu cân nặng lúc sinh dưới 2500g.
  • Hiện tại bé bao nhiêu tuổi? 0 – 6 tháng, 6 – 12 tháng, 1 – 3 tuổi.
  • Bé đang dùng loại sữa gì? Sữa mẹ, sữa công thức thông thường hay sữa công thức đặc biệt.
  • Thực đơn ăn dặm của bé như thế nào? Ăn dặm chủ yếu là bột, bạn có bổ sung thịt cá vào buổi ăn hay vẫn chỉ dùng sữa dù trẻ lớn hơn 6 tháng.

Hầu hết các loại bột ăn dặm từ thực vật không chứa nhiều sắt. Con của bạn có thể không nhận đủ sắt từ buổi ăn dặm. Do đó, bổ sung sắt cho trẻ là việc cần thiết.

Lúc nào cần bổ sung sắt cho trẻ

Vậy là bạn đã có những thông tin cần thiết, cùng đi vào vấn đề chính nhé!

Bé sinh non hoặc nhẹ cân

Chào đời sớm hơn dự kiến khiến con không nhận đủ sắt từ mẹ trong quá trình mang thai. Một số điều cha mẹ cần biết là:

  • Con chắc chắn cần bổ sung sắt.
  • Dùng thuốc sắt hoặc sữa công thức đặc biệt được tăng cường sắt, con của bạn có đang dùng những sản phẩm này?
  • Thời gian bổ sung sắt cho trẻ thường kéo dài từ 2 tuần tuổi đến 12 tháng tuổi.
  • Hãy đưa con đến gặp bác sĩ dinh dưỡng hoặc chuyên khoa sơ sinh. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách cho bé uống sắt, liều lượng và xem xét những vấn đề dinh dưỡng phát triển khác.
  • Hãy cố gắng đưa con đi tái khám định kỳ nhé, đây là chìa khoá để con phát triển thật tốt trong tương lai.

Đọc thêm: Chăm sóc trẻ sinh non – hỏi đáp ngắn, biết đầy đủ

Bé sinh đủ tháng trong giai đoạn từ 0 – 6 tháng tuổi

Nếu con bạn khoẻ mạnh, bú mẹ hoặc sữa công thức tốt, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề thiếu sắt. Sữa mẹ và sữa công thức đáp ứng đủ nhu cầu sắt của trẻ trong lứa tuổi này.

Một số vấn đề quan trọng bạn cần biết là:

Bé sinh đủ tháng trong giai đoạn từ 6 tháng đến 1 tuổi

Bạn không nên tiếp tục chỉ nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức khi con lớn hơn 6 tháng, làm vậy khiến trẻ có nguy cơ thiếu sắt.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo (4)

Trẻ em từ 4 tháng tuổi, được nuôi bằng sữa mẹ hoặc công thức thông thường nên được bổ sung sắt bằng thuốc hoặc thực phẩm chức năng cho đến khi trẻ có thể ăn dặm các thức ăn giàu sắt với số lượng thích hợp.

Trẻ đang dùng sữa công thức được tăng cường sắt không cần bổ sung thêm sắt bằng thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách bổ sung sắt cho con trong lứa tuổi này bạn nhé.

Tại sao AAP có khuyến cáo trên?

  • Như đã đề cập ở trên, từ tháng thứ 6, sữa mẹ và sữa công thức không còn đáp ứng đủ nhu cầu sắt của trẻ. Con cần bổ sung sắt từ nguồn thức ăn dặm.
  • Tuy nhiên, thực đơn ăn dặm (dù có bổ sung thức ăn từ động vật) vẫn không chắc chắn cung cấp đủ sắt cho trẻ (3).
  • Trong khi đó, thiếu sắt có thể khiến trẻ chậm phát triển thể chất, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ.
  • Do đó, bổ sung sắt bằng thuốc với liều lượng thích hợp là một cách khả dĩ dù còn cần thêm thông tin từ các nghiên cứu khoa học.

Bé từ 1 đến 3 tuổi

Ở độ tuổi này, con nên được bổ sung sắt bằng cách ăn những thức ăn giàu chất chất dinh dưỡng này, hơn là dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng (4).

Các thực phẩm giàu sắt có thể kế đến là:

  • Nguồn gốc động vật: thịt bò, heo, gà, trứng, gan.
  • Nguồn gốc thực vật: các loại đậu, bơ đậu phộng, gạo lức, các loại bánh mì nguyên cám, nho khô hoặc nước ép nho, các loại rau có màu xanh đậm.

Có hai đều bạn cần lưu ý trong giai đoạn này là:

  • Bổ sung sắt bằng thuốc chỉ nên áp dụng cho trẻ quá kén ăn hoặc không có điều kiện ăn các loại thực ăn giàu sắt.
  • Uống sữa bò tươi trước năm 1 tuổi hoặc uống quá nhiều sữa bò có thể khiến con bị thiếu máu.

(*) Sữa công thức thông thường chứa ít hơn 6.7mg/L sắt. Sữa công thức được tăng cường sắt chứa ít nhất 10mg/L sắt (2) (4)

  1. Infant and Young Child Feeding: Model Chapter for Textbooks for Medical Students and Allied Health Professionals. – https://apps.who.int/iris/handle/10665/44117
  2. Prevention of Iron Deficiency in Infants and Toddlers – https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2002/1001/p1217.html
  3. Complementary foods for infant feeding in developing countries: their nutrient adequacy and improvement – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9805226/
  4. Diagnosis and Prevention of Iron Deficiency and Iron-Deficiency Anemia in Infants and Young Children (0–3 Years of Age) – https://publications.aap.org/pediatrics/article/126/5/1040/65343/Diagnosis-and-Prevention-of-Iron-Deficiency-and