Bạn cần biết gì khi chăm sóc cấp cứu trẻ sinh non

Tình huống sau rất thường gặp với cha mẹ có con sinh non. Ngay sau sinh, bé nhanh chóng được chuyển đến một nơi khác để được chăm sóc đặc biệt, thường không có người thân theo kèm. Cha mẹ rất hoang man không biết điều gì sẽ xảy ra với con, các bác sĩ sẽ làm gì và vô vàn câu hỏi khác. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp phần nào những thắc mắc trên, cùng tìm hiểu nhé!

Con đường của trẻ sinh non

Hành trình của trẻ sinh non có thể được chia thành hai phần: ngắn hạn và dài hạn. Mỗi giai đoạn có một mục tiêu khác nhau.

  • Ngắn hạn – thường là trong 1 tháng đầu tiên: bé cần sống được, vì có rất nhiều bệnh đe dọa tính mạng của con.
  • Dài hạn – hơn 1 tháng: bé cần phát triển tốt, vì trẻ sinh non thường bị chậm phát triển về thể chất và vận động.

Đọc thêm: Mách cha mẹ cách tính tuổi của trẻ sinh non.

Bé sẽ được chuyển đến đâu để chăm sóc?

Trẻ sinh non là một đối tượng đặc biệt nên cần được chăm sóc ở một nơi đặc biệt, gọi là NICU.

NICU (neonatal intensive care unit), tức đơn vị chăm sóc tích cực trẻ sơ sinh. Đây là nơi có đầy đủ trang thiết bị và các chuyên gia để giữ cho trẻ sơ sinh sống.

NICU đặc biệt như thế nào:

  • Nơi đây có các điều dưỡng và bác sĩ chuyên chăm sóc trẻ sơ sinh, từ ăn bú, vệ sinh, đến điều trị.
  • Có các thiết bị đặc biệt, ví dụ như máy sưởi ấm, đèn chiếu và nhiều thiết bị chuyên sâu khác như máy thở.
  • Môi trường đảm bảo sạch sẽ để giảm tối đa nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh.

Trẻ sơ sinh nào cần được chăm sóc tại NICU?

Bạn cũng biết không phải tất cả trẻ sơ sinh cần được chăm sóc tại NICU, ngược lại phần lớn sẽ được về nhà với gia đình.

Những trẻ sơ sinh sau cần được chăm sóc tại NICU:

  • Trẻ sinh non, thường là những bé sinh ra sớm hơn ngày dự sinh 3 tuần hoặc hơn.
  • Gặp vấn đề nguy hiểm ngay sau sinh, ví dụ nhiễm trùng, suy hô hấp.
  • Sau sinh vài ngày bé bị vàng da hoặc các bệnh liên quan đến tim, não, đường ruột,…

Ai sẽ là người chăm sóc bé?

Trong khoa sơ sinh có rất nhiều người chăm sóc bé:

  • Bác sĩ sơ sinh: những người có kinh nghiệm chuyên sâu điều trị các bệnh ở trẻ sơ sinh.
  • Điều dưỡng: người hỗ trợ bác sĩ chăm sóc trực tiếp cho bé. Điều dưỡng sẽ cho bé ăn, tắm rửa, vệ sinh, truyền thuốc và theo dõi sát tình trạng của con.
  • Bác sĩ ở những chuyên khoa khác: ví dụ dinh dưỡng (đảm bảo bé ăn đủ chất dinh dưỡng), hô hấp (giúp bé thở)…

Và cuối cùng, trong một số trường hợp cha hoặc mẹ sẽ được chăm sóc trẻ.

Đọc thêm: 7 nhóm bệnh thường gặp ở trẻ sinh non.

Các bác sĩ sẽ làm gì cho con?

Có rất nhiều việc cần làm để đảm bảo sức khỏe cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, sau đây là một số việc thường gặp:

  • Sưởi ấm: bé nằm trong một chiếc giường đặc biệt với bóng đèn sưởi ấm bên trên.
  • Theo dõi: tất cả các thông số quan trọng với sự sống sẽ được theo dõi: nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ,…
  • Làm xét nghiệm và chụp Xquang: để biết bé bị bệnh gì và cần điều trị như thế nào.
  • Sử dụng thuốc cho trẻ. Bác sĩ sẽ lưu một chiếc kim nhỏ trên tay để truyền thuốc cho con.

Và tất nhiên, việc cho bú, vệ sinh, thay tã cũng sẽ được đảm bảo.

Tôi có được vào thăm con không?

Tại sao bác sĩ không cho tôi gặp con? Bác sĩ biết trẻ nhỏ cần cha mẹ, nhưng việc này cần hạn chế để giảm nguy cơ trẻ bị nhiễm vi trùng từ người thân.

Vậy khi nào tôi được gặp con? Mỗi khoa NICU sẽ có quy định cụ thể và khi bác sĩ nghĩ trẻ cần gặp cha mẹ:

Tôi cần lưu ý gì khi tiếp xúc với con?

Bạn không thể bồng bế trẻ sinh non hoặc trẻ bị bệnh một cách tự nhiên như với trẻ bình thường:

  • Một số bé bệnh quá nặng nên không thể bồng bế được.
  • Bạn cần hết sức cẩn thận để không lây bệnh cho con bằng cách: rửa tay, mang khẩu trang và mang áo khoác chuyên dụng.

Trẻ được cho ăn như thế nào?

Bác sĩ, điều dưỡng hoặc chính bạn sẽ là người cho trẻ ăn. Có nhiều cách để cho trẻ sơ sinh bú sữa:

  • Bú mẹ trực tiếp.
  • Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức bằng bình.
  • Trong một số trường hợp đặc biệt, bé sẽ được cho ăn bằng một chiếc ống. Ống dài được đưa qua mũi, xuống thực quản, đến dạ dày. Sữa mẹ hoặc sữa công thức được bơm trực tiếp vào dạ dày qua ống này.
  • Cuối cùng, khi cần thiết, con có thể được nuôi bằng dung dịch dinh dưỡng truyền trực tiếp vào mạch máu.
  1. Outpatient Care of the Premature Infant – https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2007/1015/p1159.html
  2. Patient education: When a baby is born premature (The Basics)- https://www.uptodate.com/contents/when-a-baby-is-born-premature-the-basics
  3. Common questions about outpatient care of premature infants – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25250998/
  4. Primary care issues for the healthy premature infant – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16962433/