8 loại bớt bẩm sinh phổ biến ở trẻ nhỏ
Bạn đang lo lắng khi con có những vùng da với màu bất thường. Bạn băn khoăn không biết chúng có nguy hiểm không và bao giờ cần đến gặp bác sĩ. Hãy tham khảo bài viết để hiểu rõ về những loại bớt bẩm sinh phổ biến ở trẻ em nhé!
Bớt da bẩm sinh là gì
Đó là khi bạn nhìn ngắm con và nhận ra một số vùng trên da trẻ có màu sắc khác biệt so với phần còn lại. Có hai loại bớt da chính ở trẻ em: bớt sắc tố và bớt mạch máu.
Bớt sắc tố là vùng da chứa sắc tố khác thường, có màu nâu hoặc xám, đậm hoặc nhạt. Bớt mạch máu là vùng da chứa các mạch máu bất thường, có màu đỏ, hồng hoặc xanh dương.
Nhìn chung, cả hai loại này thường lành tính và sẽ thuyên giảm khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, bạn hãy đưa con đến gặp bác sĩ ngay nếu có bất kỳ lo lắng nào nhé.
Đọc thêm: Những điểm đặc biệt về làn da em bé.
Các loại bớt bẩm sinh mạch máu ở trẻ em
Chúng có bản chất là các mạch máu “dư thừa” nằm không đúng chỗ. Loại này thường có màu đỏ, hồng hoặc xanh; khi sờ vào thấy ấm.
Bớt cá hồi (salmon patch)
Bớt cá hồi là những vùng da có màu đỏ – hồng, không nổi gồ. Chúng thường xuất hiện ở mí mắt, trán, lưng và cổ. Bản chất của bớt cá hồi là sự tập hợp của những mạch máu nhỏ dưới da.
Phần lớn bớt cá hồi là lành tính và thường tự biến mất khi trẻ đến tuổi đi học. Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu bớt tăng kích thước nhanh chóng, thay đổi màu sắc đáng kể hoặc xuất hiện ở những vị trí không được liệt kê ở trên.
Bớt rượu vang (port wine stains)
Loại này cũng khá giống với bớt cá hồi: phẳng, có màu hồng đỏ và chứa nhiều mạch máu nhỏ. Tuy nhiên, chúng có kích thước lớn hơn và xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Đặc biệt, bớt rượu vang không tự biến mất mà tăng kích thước khi trẻ lớn lên. Theo thời gian, chúng ngày càng dày lên và sẫm màu hơn.
Trong phần lớn trường hợp, bớt rượu vang là lành tính. Tuy nhiên, chúng gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Dùng laser có thể làm bớt nhạt màu nhưng khó xoá bỏ hẳn.
Bướu máu nhũ nhi
Khác với hai loại bớt trên, bướu máu thường nổi gồ. Chúng xuất hiện trong vài tuần tuổi đầu tiên và tăng nhanh kích thước. Theo thời gian, chúng sẽ co nhỏ và nhạt màu dần.
Trong phần lớn trường hợp, bướu máu là lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Hiện nay đã có phương pháp điều trị bướu máu tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao, trẻ cần bắt đầu điều trị trong 1 năm tuổi đầu tiên.
Bướu máu bẩm sinh
Khác với bướu máu sơ sinh, loại này thường lớn hơn, tròn hơn, có màu xanh tím. Chúng không tăng kích thước khi trẻ lớn lên.
Bướu máu bẩm sinh thường tự biến mất theo thời gian, nhưng cũng có một số bướu không như vậy. Phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ loại bướu này.
Bất thường tĩnh mạch
Đây là dạng tập hợp các tĩnh mạch dưới da có cấu trúc bị lỗi. Chúng thường có màu xanh tím. Một số mảng tĩnh mạch bất thường có thể khiến trẻ đau và giảm cử động.
Bất thường tĩnh mạch có thể thấy ngoài da, trong cơ – xương hoặc nội tạng. Bác sĩ có thể khuyến cáo trẻ tầm soát những vị trí khác và đề xuất cách điều trị nếu cần thiết.
Các loại bớt bẩm sinh sắc tố ở trẻ em
Bớt sắc tố bẩm sinh (congenital melanocytic nevi)
Loại bớt này khá giống nốt ruồi, phần lớn có màu nâu – đen hoặc hồng – đỏ. Bớt gây ra do sự hội tụ bất thường melanin của các tế bào sắc tố dưới da. Chúng sẽ không mất đi mà ngày càng tăng kích thước khi trẻ lớn lên.
Phần lớn bớt sắc tố bẩm sinh là lành tính, tuy nhiên có một số điểm bạn cần lưu ý:
- Bớt có kích thước rất lớn có thể diễn tiến thành ung thư da.
- Trẻ có nhiều bớt gợi ý bệnh ở não hoặc tuỷ sống.
Nếu con có loại bớt này, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Họ sẽ khám và đánh giá toàn diện cơ thể trẻ, đồng thời hướng dẫn bạn cách theo dõi bớt.
Bớt cà phê (café-au-lait)
Loại bớt bẩm sinh này có màu nâu nhạt như màu cà phê sữa, phẳng, có hình tròn hoặc bầu dục, bờ đều rõ. Những đặc điểm này giúp phân biệt bớt cà phê với bớt sắc tố bẩm sinh (có màu hồng, không rõ hình dạng, bờ không đều).
Hầu hết bớt cà phê là vô hại nhưng cũng có một số điểm bạn cần lưu ý:
- Một bớt cà phê lớn có bờ không đều có thể là dấu hiệu của hội chứng McCune – Albright.
- Trẻ xuất hiện nhiều bớt cà phê có thể là dấu hiệu của bệnh u nguyên bào thần kinh
Do đó, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu con có một bớt cà phê lớn hoặc có nhiều hơn 5 bớt.
Bớt Mông Cổ (dermal melanocytosis)
Đây là loại bớt bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ em (85% trẻ châu Á có loại bớt này). Chúng thường xuất hiện ở vùng lưng dưới gần mông, tuy nhiên cũng có ở những vị trí khác. Màu sắc của bớt là sự phối hợp của các màu nâu, xám, xanh dương.
Hầu hết bớt Mông Cổ là lành tính và sẽ biến mất khi trẻ đến tuổi đi học. Trong một số hiếm trường hợp, bớt là dấu hiệu của một số bệnh di truyền. Do đó, nếu con có nhiều bớt hoặc đang bị một bệnh đặc biệt khác, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Bao giờ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ
- Bất kỳ lúc nào bạn lo lắng.
- Bớt bẩm sinh xuất hiện ở gần mắt, mũi, miệng; đây là những vị trí ảnh hưởng đến thẩm mỹ lâu dài.
- Bớt bẩm sinh khiến trẻ đau và hạn chế vận động.
- Con có bớt da rất lớn hoặc tăng nhanh kích thước theo thời gian.
- Con có nhiều hơn 5 bớt cà phê