Sự thật về ăn dặm BLW – Góc nhìn khoa học
Trong vòng 10 – 15 năm qua, khái niệm ăn dặm BLW (Baby-led weaning) hay còn gọi là ăn dặm bé tự chỉ huy đã trở nên ngày càng phổ biến. Ngày nay tại Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ cũng quan tâm đến BLW. Nếu bạn dự định cho con ăn dặm theo cách này, hãy thử xem qua các bằng chứng khoa học về BLW nhé.
Góc nhìn khoa học
Quan tâm như một nhà khoa học
Nhìn nhận vấn đề một cách khoa học mang lại nhiều lợi ích:
- Đảm bảo sự khách quan. Ngoài kia có nhiều người nói về BLW nhưng phần lớn là điều tích cực. Mọi người khuyên bạn nên thực hành BLW, nhưng mặt tiêu cực của phương pháp này là gì?
- Nhìn nhận vấn đề toàn diện. Bạn có thể biết về lợi ích và cách thực hiện BLW. Nhưng còn những tác động thực tế đến dinh dưỡng, năng lượng, thói quen ăn uống trẻ thì sao?
- Gợi ý cải thiện. Mọi phương pháp đều có thiếu sót, các nghiên cứu chỉ ra những hạn chế và bạn có thể dựa vào đó để tự cải thiện.
- Không chạy theo số đông. Hiểu rõ về phương pháp giúp bạn chắc chắn về những gì mình đang làm và tự tin hơn.
Quá trình phát triển của BLW
Khái niệm này được giới thiệu đầu tiên bởi Gill Rapley vào năm 2005. BLW khuyến khích trẻ tự ăn từ 6 tháng tuổi, thay vì được cha mẹ đút bằng thìa. Mặc dù BLW không được WHO chính thức đề cập đến, nhưng nó đang ngày càng phổ biến.
Đọc thêm: BLW một cái nhìn tổng quan.
Các đặc điểm chính của BLW
- Trẻ tham gia vào giờ ăn của gia đình.
- Cha mẹ để trẻ tự ăn ngay từ khi bắt đầu ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi).
- Cha mẹ đưa thức ăn nhưng trẻ sẽ kiểm soát việc ăn gì, bao nhiêu và ăn nhanh như thế nào.
Những vấn đề đáng lo
Tuy nhiên, cách ăn dặm này cũng gây ra những vấn đề khiến bác sĩ nhi khoa và cha mẹ lo ngại. Ví dụ, nguồn cung cấp sắt, thiếu năng lượng và nguy cơ nghẹt thở.
Hiệp hội Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Châu Âu (ESPGHAN 2017) đã tuyên bố rằng không có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận về phương pháp BLW. Nghĩa là không có đủ bằng chứng để khuyến khích cha mẹ áp dụng BLW khi cho con khi ăn dặm.
Các nhà khoa học tìm hiểu gì
Các khía cạnh về BLW ít được đề cập
Họ đặt ra các câu hỏi và tìm câu trả lời, đây cũng là những khía cạnh mà các bài viết hoặc sách về BLW có thể bỏ sót:
- BLW có khiến trẻ dễ mắc nghẹn và nghẹt thở?
- Liệu BLW có cung cấp đủ năng lượng cho sự phát triển của trẻ?
- Phương pháp này có khiến trẻ bị thiếu sắt không? (thiếu sắt là vấn đề thường gặp khi ăn dặm)
- Liệu cha mẹ có cảm thấy vui vẻ, tích cực hơn khi áp dụng BLW?
Nhà khoa học diễn giải như thế nào
(Từ đoạn này trở về sau cần bạn thật kiên nhẫn để biết thêm những điều hữu ích nhé)
Rất tiếc, họ không nói bạn nên hay không áp dụng BLW cho con. Các câu trả lời khá chung chung như: chưa có đủ bằng chứng, không đủ dữ kiện. Bạn sẽ thấy bực bội vì cuối cùng không có gì rõ ràng và dễ áp dụng hết.
Đọc thêm: Nên chọn ăn dặm truyền thống hay BLW cho con
Sự thật về BLW
Vấn đề mắc nghẹt – nghẹt thở
Nghẹt thở dễ xảy ra khi trẻ tập ăn. Khi được 6 tháng, trẻ chưa phát triển các vận động miệng cần thiết để tiêu thụ thức ăn một cách an toàn (như nhai và nuốt). Không phải tất cả trẻ 6 tháng tuổi đều sẵn sàng để bắt đầu cho ăn thức ăn đặc.
Kết quả nghiên cứu:
- Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy không có sự khác biệt về nguy cơ mắc nghẹn giữa trẻ ăn dặm theo BLW và ăn dặm truyền thống.
- Tuy nhiên, các nghiên cứu không đủ hoàn chỉnh để kết luận chắc chắn về vấn đề này.
Cung cấp năng lượng cho trẻ
Bạn có thể lo lắng khi thấy trẻ ăn dặm BLW có vẻ chỉ chơi với thực phẩm chứ không thực sự ăn. Thêm vào đó, trẻ bú mẹ ngày càng ít.
Kết quả nghiên cứu:
- Một số nghiên cứu cho thấy nhiều trẻ dùng BLW được phân loại nhẹ cân. Ngoài ra, các bà mẹ còn nhận thấy trẻ bú mẹ nhiều hơn và ăn ít thức ăn đặc hơn cách truyền thống.
- Nhưng cũng có những nghiên cứu khác lại chỉ ra không có sự khác biệt về mức năng lượng nhận được giữa nhóm trẻ BLW và trẻ ăn dặm truyền thống.
- Đáng chú ý là, những nghiên cứu đầu tiên thu thập cân nặng do các bà mẹ báo cáo. Các nghiên cứu sau thu thập cân nặng bằng cách trực tiếp cân trẻ.
BLW có khiến trẻ bị thiếu sắt không
Từ 6 tháng trở đi, sữa mẹ không cung cấp đủ chất sắt cần thiết cho trẻ. Do đó, cần tăng lượng sắt từ thức ăn dặm. Trẻ dùng BLW có nguy cơ không đủ sắt vì các loại thực phẩm giàu sắt khiến trẻ khó tự ăn (thịt, gan). Hơn nữa, các loại thực phẩm dễ cầm nắm như trái cây và rau nấu chín thường có hàm lượng sắt thấp.
Kết quả nghiên cứu:
- Hiện chỉ có một nghiên cứu của Cameron và cộng sự đề cập về vấn đề này. Họ thấy nếu các trẻ dùng BLW nhưng được khuyến khích ăn thêm thực phẩm giàu sắt sẽ nhận được nhiều sắt hơn là dùng BLW thông thường.
- Đặc biệt, trong nghiên cứu này không có trẻ nào nhận đủ sắt theo khuyến cáo của WHO.
Thông tin trên giúp ích được gì
Một cái nhìn khách quan
Bài viết mong muốn giúp bạn có một thái độ khách quan hơn về BLW. Nhờ đó, bạn có thể đưa ra các quyết định cho con ăn dặm đúng đắn, hiệu quả và tự tin. Các thông tin trên cũng “giải toả” được phần nào những thắc mắc quan trọng về BLW mà bạn không biết tìm câu trả lời ở đâu.
Gợi ý thực hành
- Không nên cho trẻ ăn dặm BLW quá sớm. Trẻ trên 6 tháng có thể tự ăn; tuy nhiên, kỹ năng nhai ở trẻ có thể không phát triển đầy đủ cho đến 9 tháng.
- Hãy quan tâm chú ý đến phát triển vận động của trẻ. Trẻ đã có đủ dấu hiệu sẵn sàng cho căn dặm? Trẻ nuốt được chưa? Trẻ có nhai không?
- Đặc biệt lưu tâm đến nguy cơ mắc nghẹn. Hãy chọn và chế biến thực phẩm sao cho giảm thiểu nguy cơ mắc nghẹn.
- Tránh thức ăn cứng, đặc biệt là các loại hạt nhỏ và hình tròn như quả hạch và nho vì nguy cơ mắc nghẹn.
- Chú ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu sắt trong chế độ ăn của trẻ như thịt đỏ và gan.
- Phối hợp nhiều loại thức ăn khác nhau, đa dạng về màu sắc, hình dạng, kết cấu. Đa dạng thực phẩm giúp giảm nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng khi trẻ ăn dặm.
Lưu ý của người dịch
Bài viết được lược dịch từ bài báo tổng hợp các nghiên cứu khoa học. Người dịch đã cố gắng dịch và viết lại sao cho phần đông độc giả hiểu được. Do đó, các phát biểu có tính khoa học có thể không sát như bài báo. Nếu bạn quan tâm đến tính chính xác của thông tin, xin hãy tham khảo trực tiếp bài báo trong mục nguồn tài liệu. Nếu bạn nhận thấy sai sót về mặt thông tin, xin hãy phản hồi lại cho chúng tôi.
- The Baby-Led Weaning Family Cookbook – Gill Rapley, PhD, and Tracey Murkett.
- Baby-led weaning – Gill Rapley, PhD, and Tracey Murkett.
- Baby-led weaning: what a systematic review of the literature adds on – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5934812/
- Baby-Led Weaning: The Evidence to Date – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5438437/