- Chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón, bổ sung vitamin và giảm nguy cơ ung thư trong tương lai.
- Lấy số tuổi của trẻ cộng thêm 5 sẽ được số gram chất xơ con cần ăn trong một ngày.
- Hoặc cho trẻ ăn 5 khẩu phần rau – trái cây một ngày để ngăn ngừa táo bón.
Tại sao chất xơ quan trọng
Chất xơ giúp làm tăng thể tích phân, tạo thuận lợi để đẩy chúng đi trong đường ruột và thải ra ngoài. Do đó, chế độ ăn đủ chất xơ rất quan trọng để phòng ngừa táo bón.
Ngoài ra, những thực phẩm giàu xơ còn là nguồn cung cấp vitamin và muối khoáng cần thiết.
Cuối cùng, chế độ ăn đầy đủ chất xơ giúp ngăn ngừa nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và ung thư. Do đó, tập cho trẻ thói quen ăn rau và trái cây sẽ giúp bảo vệ sức khoẻ của con trong tương lai.
Đọc thêm: Trẻ bị táo bón phải làm sao – Hiểu đúng về cách điều trị
Ăn gì để giảm táo bón
Chất xơ thường có nhiều trong các loại thực phẩm:
- Rau xanh.
- Trái cây.
- Các loại hạt.
- Và đặc biệt nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên cám.
Tuy nhiên, hàm lượng chất xơ còn phụ thuộc vào loại rau – trái cây (theo dõi bảng ở dưới) và cách chế biến. Ví dụ, việc gọt vỏ trái cây và xây xát ngũ cốc sẽ làm giảm lượng chất xơ.
Do đó, hãy ăn trái cây nguyên vỏ khi có thể và ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ ngũ cốc nguyên cám. (Đọc thêm: Chọn bột ngũ cốc cho con)
Ăn bao nhiêu là đủ
Khi con bị táo bón, bạn thường được bác sĩ khuyên nên cho trẻ ăn nhiều chất xơ hơn. Nhưng cụ thể là bao nhiêu? Ăn bao nhiêu là đủ để phòng ngừa táo bón?
Bạn có thể dùng một trong hai cách sau để ước tính lượng chất xơ cần thiết cho con:
- 5 phần: nghĩa là một ngày trẻ cần ăn 5 khẩu phần rau xanh hoặc trái cây là đủ. Không cần đếm bao nhiêu gram chất xơ.
- Cộng 5: nghĩa là bạn lấy tuổi của bé công thêm 5 sẽ ra số gram chất xơ cần thiết trong một ngày. Ví dụ, con của bạn 5 tuổi, sẽ cần 5 + 5 = 10 gram chất xơ một ngày.
Nhưng khoan đã, làm sao tôi biết một khẩu phần rau xanh – trái cây là bao nhiêu? Hoặc làm sao ước tính được số gram chất xơ?
Cách tính lượng chất xơ cần thiết
Đầu tiên hãy làm quen với các khái niệm thể tích:
- 1 cốc chuẩn (1 cup) sẽ bằng khoảng 240 ml. Lượng thức ăn thường được tính theo số cup.
- Một cách đơn giản, 1 khẩu phần rau – trái cây sẽ bằng một nắm tay của con bạn.
Ăn 5 khẩu phần một ngày
Bạn có thể lên thực đơn sao cho con ăn đủ 5 khẩu phần rau xanh và trái cây một ngày. Mỗi khẩu phần bằng một nắm tay của con. Có thể chia 5 khẩu phần này thành:
- 3 khẩu phần rau: rau nằm trong các món canh, xào hoặc salad.
- 2 khẩu phần trái cây: trái cây tươi hoặc nước ép trái cây nguyên chất ít đường (không phải loại nước trái cây mua được ở ngoài hàng quán).
Số gram rau – trái cây theo tuổi
Cách này phức tạp và mất thời gian hơn nhưng đảm bảo chính xác hơn.
Lấy tuổi của trẻ cộng thêm 5 sẽ được số gram rau và trái cây con cần ăn trong một ngày. Số gram cho mỗi loại thực phẩm ước tính như sau:
Ví dụ con của bạn 5 tuổi, vậy số gram rau – trái cây một ngày cần là 10 gram, có thể chia thành:
- 1 quả lê (4 gram).
- 1 cốc nước ép táo (3 gram).
- 1 món xào có đậu hà lan (3 gram).
- Hoặc 1 món canh rau chân vịt (2 gram).
Một số mẹo ăn uống
- Bạn nên phân bố thực phẩm giàu chất xơ đều vào các buổi ăn trong ngày hơn là dồn vào ăn trong một lần.
- Nếu ăn bánh mì, hãy chọn loại có nguồn gốc từ ngũ cốc nguyên cám.
- Khi có thể, hãy cho con ăn trái cây không gọt vỏ.
- Nếu trẻ táo bón nhưng lười ăn, bạn có thể làm nước ép táo hoặc lê cho con uống. Loại nước ép này chứa sorbitol giúp nhuận tràng.
- Các loại đậu chỉ nên dành cho trẻ lớn hơn 3 tuổi để hạn chế nguy cơ mắc nghẹn.
- Ngoài ăn nhiều chất xơ, hãy đảm bảo con uống đủ nước (Đọc thêm: Nhu cầu nước hàng ngày ở trẻ em).
Có thể bạn quan tâm: Thuốc nhuận tràng cho bé – Sử dụng sao cho đúng cách
- https://www.healthychildren.org/English/healthy-living/nutrition/Pages/Kids-Need-Fiber-Heres-Why-and-How.aspx
- https://www.verywellfamily.com/diet-and-constipation-2633928
- Williams CL, Bollella M, Wynder EL. A new recommendation for dietary fiber in childhood. Pediatrics 1995; 96:985.
- Dietary Guidelines for Americans 2020-2025. United States Department of Health and Human Services. Available at:https://www.dietaryguidelines.gov/