Bao giờ trẻ bắt đầu nói

Những tiếng nói đầu tiên của con luôn là điều được cha mẹ mong chờ nhất. Nhưng càng mong đợi nhiều, chúng ta càng dễ lo lắng khi trẻ không nói. Vậy chính xác bao giờ trẻ bắt đầu nói, con sẽ nói những từ nào đầu tiên và dấu hiệu chậm nói là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Key takeaways

Các dấu hiệu nhận biết sớm trẻ chậm nói:

  • Trẻ 12 tháng mà không biết nói bi bô.
  • Đạt 12 tháng mà không biết cách chỉ tay yêu cầu món đồ con muốn.
  • Trẻ 16 tháng không thể nói từ đơn.
  • Trẻ 24 tháng không thể nói cụm hai từ.

Trẻ biết giao tiếp từ rất sớm

Sự thật là con đã biết giao tiếp với bạn từ rất sớm, trước khi có thể nói được. Khóc là cách đầu tiên trẻ dùng để thu hút sự chú ý của cha mẹ.

Ngoài ra, trẻ còn biết mỉm cười. Trẻ sơ sinh có thể nở nụ cười một cách vô thức nhưng đến năm 2 tuổi, bé đã biết cười để giao tiếp với bạn. Trẻ thực sự cười để đáp ứng với các kích thích từ môi trường bên ngoài. Theo thời gian, con sẽ cười nhiều hơn khi nhận ra nụ cười của chúng dẫn đến nụ cười của cha mẹ.

Trẻ 3 tháng mà không biết mỉm cười có thể là dấu hiệu của chậm phát triển tâm thần – vận động.

Càng lớn lên, trẻ càng có những bước tiến vượt bậc trong phát triển ngôn ngữ:

  • 2 tháng tuổi: Trẻ biết quay đầu về phía có âm thanh, biết hóng chuyện khi bạn đang nói. Con cũng bắt đầu thỏ thẻ những âm thanh sơ khởi ban đầu.
  • 4 tháng tuổi: Trẻ bập bẹ, thậm chí có thể bắt chước ngữ điệu của cha mẹ.
  • 6 tháng tuổi: Trẻ biết phản ứng lại khi nghe gọi tên mình. Con bập bẹ các từ đơn giản bắt đầu với âm “m” hoặc “b”.

Những từ đầu tiên

Hầu hết trẻ nhỏ bắt đầu nói những từ đơn đầu tiên lúc 9 đến 12 tháng tuổi. Những từ này thường bắt đầu với âm “m” hoặc “b”, giống với “mama” “baba” mà bé thường nói. Một số trẻ thậm chí có thể nói được nhiều từ đơn hơn.

Khả năng nghe hiểu ngôn ngữ của trẻ cũng phát triển. Thực tế, khả năng nghe hiểu phát triển trước khả năng nói. Nếu con của bạn có thể hiểu những yêu cầu đơn giản (“đưa mẹ chiếc áo”) hoặc xoay đầu nhìn khi nghe gọi tên, thì đó là những tín hiệu cho thấy trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường.

Khi được 1 tuổi, trẻ còn có thể phối hợp lời nói và hành động. Ví dụ, con biết lắc đầu và nói không hoặc biết vẫy tay đồng thời nói bye bye.

Đọc thêm: Tập nói cho bé – Cha mẹ cần làm gì

Trẻ 12 tháng tuổi mà không bập bẹ bất kỳ âm thanh nào, hoặc không biết chỉ tay vào đồ vật có thể là dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ.

Bao giờ trẻ bắt đầu nói câu đầu tiên

Sau khi nói được những từ đơn, trẻ bước vào giai đoạn bùng nổ ngôn ngữ từ 18 tháng đến 2 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ học được thêm nhiều từ mới, trung bình 1 từ mới mỗi tuần. Trẻ cũng bắt đầu nói được các cụm hai từ như ba ơi, má đâu,… Khi vốn từ vựng đã đủ, trẻ sẽ biết cách xâu chuỗi các từ thành câu.

Hầu hết trẻ 2 tuổi có thể ghép các từ thành một câu ngắn đơn giản. Trẻ còn biết chỉ tay vào hình ảnh, mặt người, đồ vật và đọc tên của chúng. Tốc độ phát triển của mỗi trẻ có thể khác nhau, một số trẻ nói được câu có 3 từ trong khi một số khác đã nói được một đoạn hội thoại ngắn.

Bạn cần hiểu rằng khả năng ngôn ngữ của mỗi trẻ là không giống nhau. Tuy nhiên, sẽ là bất thường nếu trẻ 16 tháng tuổi mà không nói được từ đơn, 24 tháng tuổi mà không nói được cụm hai từ.

Phát triển ngôn ngữ ở trẻ lớn

Vào năm 3 tuổi hầu hết trẻ có thể nói được một câu hoàn chỉnh. Đến năm 4 tuổi, con nói được một chuỗi câu, biết đàm thoại theo lượt với cha mẹ. Năm 5 tuổi, con biết nói các câu có ngữ pháp phức tạp, biết dùng bổ nghĩa, đại từ, giới từ.

Đọc thêm: Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi – Hiểu đúng phát hiện sớm.

Bạn cần theo dõi những gì

Một cách đơn giản, phát triển ngôn ngữ (giao tiếp) ở trẻ em có 3 khía cạnh chính:

  • Nói: trẻ nói được gì và phát âm như thế nào (các dấu hiệu chậm phát triển về lời nói đã trình bày ở trên)
  • Nghe hiểu: trẻ có thể nghe hiểu những gì. Từ 6 tháng tuổi trẻ có thể đáp ứng khi nghe gọi tên. Trẻ 18 tháng có thể hiểu được yêu cầu một bước (lấy mẹ chiếc áo). Trẻ 2 tuổi có thể hiểu được yêu cầu gồm nhiều bước (cầm chiếc xe bỏ vào giỏ).
  • Giao tiếp xã hội: trẻ có biết để ý đến những người xung quanh hay không. Con có thấy buồn khi phải ở một mình, có thích chơi với bạn bè hay không.

Bất thường trong 3 khía cạnh trên đều có thể là dấu hiệu cảnh báo cho thấy đang có vấn đề trong phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Nếu lo lắng, bạn hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được đánh giá và có can thiệp phù hợp.

Đọc thêm: Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ chậm nói.

Đọc thêm: Trẻ chậm nói bao giờ cần can thiệp

  1. Sự phát triển tâm thần – vận động ở trẻ em – Giáo trình nhi khoa – Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  2. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/toddler/Pages/language-delay.aspx
  3. https://www.verywellfamily.com/when-do-babies-start-talking-5091993