Bắt đầu ăn dặm như thế nào là phù hợp

Bắt đầu ăn dặm như thế nào luôn là một câu hỏi khó đối với nhiều bậc cha mẹ. Việc ăn dặm cần phù hợp với lứa tuổi, cung cấp đủ chất dinh dưỡng và tạo cơ hội để trẻ khám phá thức ăn. Bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu những gì cơ bản nhất khi bắt đầu cho con ăn dặm.

Key takeaways

  • Thời điểm bắt đầu ăn dặm là vào khoảng tháng thứ 6, không sớm hơn tháng thứ thứ 4.
  • Bắt đầu ăn dặm có thể bừa bộn, nhưng hãy cho phép con được cầm muỗng và chạm vào thức ăn, đây là cơ hội để con khám phá.
  • Ăn dặm phát triển qua các giai đoạn: trẻ ăn được thực phẩm mềm như bột, rồi dạng cục cứng. Cuối cùng, trẻ dùng được món ăn như những thành viên khác trong gia đình.

Hiểu biết cơ bản

Ăn dặm là gì

Ăn dặm là cách cha mẹ cho con ăn thực phẩm đặc song hành với bú mẹ (hoặc sữa công thức). Từ tháng thứ 6, sữa mẹ không còn cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ. Do đó, trẻ cần bù đắp lượng còn thiếu thông qua ăn dặm.

Mục đích của cho trẻ ăn dặm là:

  • Bổ sung năng lượng và các chất dinh dưỡng cho quá trình phát triển của trẻ.
  • Tạo cơ hội để trẻ khám phá về thức ăn (màu sắc, mùi vị, kết cấu).
  • Giúp trẻ học cách tự ăn.
  • Tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ.
  • Thắt chặt mối quan hệ của bạn và con.

Thời điểm tối ưu để bắt đầu cho ăn dặm

Thời điểm để bắt đầu ăn dặm và cai sữa luôn là câu hỏi khó. Hiện nay, WHO khuyến cáo thời gian bắt đầu ăn dặm là khoảng 6 tháng tuổi. Không nên cho trẻ ăn dặm sớm hơn 4 tháng vì có nguy cơ béo phì (theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ – AAP).

Hiện vẫn chưa có thống nhất về thời gian cai sữa mẹ, nhưng WHO khuyến cáo trẻ nên được tiếp tục bú sữa mẹ đến năm 2 tuổi.

Đọc thêm: Trẻ mấy tháng ăn dặm là phù hợp? – Hiểu đúng bắt đầu đúng

Dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm

AAP khuyên bạn theo dõi những dấu hiệu sau:

  • Trẻ đã đủ lớn, thường là nặng gấp 2 lần so với lúc sinh.
  • Trẻ có thể ngẩng đầu và giữ đầu ổn định ở tư thế thẳng. Thông thường từ tháng thứ 4 trở đi, sức cơ ở cổ và thân mình mới đủ mạnh để làm việc này.
  • Bạn nhận thấy trẻ mở miệng khi có thức ăn ở gần. Ví dụ trẻ mở miệng khi thấy bạn ăn kem hoặc trái cây ngay cạnh con.
  • Trẻ với lấy thức ăn và háo hức muốn được cho ăn.
  • Trẻ có thể nuốt được thức ăn đặc xuống cổ họng.

Bắt đầu ăn dặm rất bừa bộn

Ăn dặm không chỉ là chuyện cung cấp dinh dưỡng mà còn là cơ hội để trẻ khám phá thực phẩm và học cách tự ăn. Do đó, bạn nên cho phép trẻ chạm vào và chơi đùa với muỗng, chén, cũng như thức ăn. Khi trẻ thể hiện sự thích thú với thức ăn, bạn hãy khuyến khích trẻ tự ăn bằng muỗng của mình.

Bắt đầu ăn dặm như thế nào

Chuẩn bị dụng cụ

Sau đây là một số dụng cụ bạn có thể tham khảo.

  • Ghế ngồi cho ăn: giúp trẻ có tư thế tốt khi ăn. Bạn nhớ vệ sinh bề mặt ghế và bàn cho ăn nhé.
  • Muỗng: nướu của trẻ rất nhạy cảm, nên hãy chọn chất liệu bằng nhựa. Bắt đầu với muỗng nhỏ, nông sau đó tăng lên loại to, sâu.
  • Tô, chén: chọn loại nhỏ, chịu nhiệt để có thể dùng trong lò vi sóng.
  • Ly: để khuyến khích trẻ tập uống (cầm ly, hớp nước, kiểm soát nước).
  • Máy tiệt trùng: bạn có thể tiệt trùng các dụng cụ cho trẻ ăn bằng những loại máy này.
  • Các dụng cụ chế biến thức ăn cho trẻ: dụng cụ nghiền, trộn, sàng lọc…

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Bệnh tiêu chảy phổ biến ở trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi, do đây là thời điểm ăn dặm. Hãy thực hành một số biện pháp như:

  • Rửa tay: cho cả trẻ và bạn, vệ sinh kỹ lưỡng bề mặt ghế và bàn ăn.
  • Chế biến thức ăn: nấu chín, tách riêng thực phẩm chín và sống.
  • Đông lạnh: trữ đông ngay khi thực phẩm còn lạnh, không cấp đông lại sau khi rã đông, ghi ngày cấp đông cụ thể.
  • Rã đông: để tự nhiên, không rã đông bằng lò vi sóng.
  • Hâm nóng lại thức ăn: hâm cho đến khi thấy khói bay ra, khoảng 82 độ C. Không hâm lại thức ăn lần thứ hai.
  • Đọc thêm: Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm mà bạn nên biết

Các giai đoạn cho ăn dặm

Các giai đoạn

Bạn cần có một tầm nhìn về những gì trẻ có thể ăn từ 6 tháng cho đến 2 tuổi:

  • Lúc bắt đầu: thức ăn mềm như bột, xay nhuyễn, nghiền nát.
  • Chuyển tiếp: thức ăn cứng hơn một chút, dạng cục, trộn trong các loại nước. Khi trẻ bắt đầu nhai được tốt, bạn có thể cho trẻ dùng thức ăn cầm được trên tay (Finger food).
  • Cuối cùng: tập cho trẻ ăn thức ăn cứng, giúp trẻ làm quen với các thực phẩm ăn hàng ngày trong gia đình.
  • Trong suốt quá trình, hãy tiếp tục cho trẻ bú mẹ, đặc biệt là khi trẻ ốm.
  • Đọc thêm: Ngũ cốc ăn dặm – Chọn bột ngũ cốc phù hợp cho con.

Thái độ đúng là rất cần thiết

  • Mỗi ngày hãy chọn một thời điểm cố định để cho ăn. Đó là lúc trẻ tỉnh táo, vui vẻ, không quá đói và bạn có thời gian.
  • Đừng vội vàng và cáu gắt, trẻ có thể cảm thấy điều đó từ bạn.
  • Khi trẻ phun, nhễu thức ăn ra ngoài bạn đừng quá lo lắng; trẻ cần thời gian để làm quen.
  • Hãy để trẻ quyết định, tìm hiểu các dấu hiệu đói – no của trẻ và đáp ứng nhu cầu.
  • Cuối cùng, hãy cho con ăn với sự yêu thương, tương tác bằng lời nói và nụ cười.

Chế biến thực phẩm

Chế biến rau củ

Có 3 cách gồm luộc, nấu bằng lò vi sóng, hấp, trong đó hấp là cách giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng nhất. Bạn nấu cho đến khi đạt được độ mềm cần thiết và nghiền nát ra. Ban đầu cho trẻ ăn từng loại một, sau đó phối hợp nhiều loại rau với nhau. Hãy ưu tiên chọn các loại rau có màu xanh đậm và vàng để tăng cung cấp vitamin A.

Chế biến trái cây

Bạn nên chọn quả ngọt chín để nghiền như lê, chuối hoặc xoài, vì vậy không cần thêm đường. Tuy nhiên, cần chú ý đến nguy cơ mắc nghẹn, bạn có thể nghiền nhỏ hoặc thái sợi dài thay vì để các mảng to, tròn.

Chuyển sang thức ăn gia đình

Khi trẻ đã quen với một số loại thức ăn, hãy khuyến khích trẻ ăn cùng loại thực phẩm như các thành viên khác trong gia đình. Bên cạnh rau, trái cây, bột yến mạch, đã đến lúc thêm các thực phẩm từ động vật và sữa.

Bạn càng cho trẻ trải nghiệm đa dạng thực phẩm (về màu sắc, mùi vị, kết cấu); trẻ càng nhanh chóng làm quen với buổi ăn gia đình. Hãy cố gắng biến đổi các món trong gia đình sao cho trẻ có thể ăn được.

Dù trẻ ăn dặm, bạn vẫn nên cho trẻ bú sữa mẹ (khoảng 500ml/ngày) để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, axit béo và canxi cho trẻ.

Đọc thêm: Ngũ cốc ăn dặm – Chọn bột ngũ cốc phù hợp cho con.

Thức ăn cầm tay (Finger food)

Đây là những loại thực phẩm được chế biến sao cho trẻ có thể cầm trong tay và đưa lên miệng. Trẻ có thể ăn được theo cách này vào tháng thứ 7, khi trẻ có đã ngồi thẳng và giữ đầu tốt. Bạn có thể áp dụng thức ăn cầm tay vào buổi ăn nhẹ hoặc cả buổi ăn chính.

Thức ăn cầm tay giúp ích gì:

  • Giúp trẻ học kỹ năng phối hợp tay, mắt, miệng.
  • Trẻ tập cắn và nhai thức ăn (thực phẩm lúc này sẽ cứng hơn).
  • Tạo cơ hội để trẻ khám phá về thực phẩm (màu sắc, mùi vị, hình dạng).
  • Khuyến khích trẻ tự ăn (bằng tay hoặc bằng thìa).

Các mẹo nhỏ:

  • Bắt đầu với thức ăn mềm như rau hầm nhừ hoặc quả mềm.
  • Chế biến sao cho thức ăn đủ lớn để trẻ cầm trong tay.
  • Loại bỏ vỏ, hạt, xương.
  • Để phòng ngừa mắc nghẹn, không bao giờ để trẻ ăn một mình