Bé bú sữa công thức bị táo bón – Nguyên nhân và xử trí
Bạn biết rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng có thể nuôi con bằng sữa mẹ. Bạn phải chuyển sang dùng sữa công thức nhưng bé bú sữa công thức bị táo bón. Vậy bạn phải làm thế nào? Bài viết sẽ gợi ý cho bạn cách giải quyết nhé.
Key takeaways
- Thành phần đạm trong sữa công thức có kích thước lớn hơn sữa mẹ nên khó tiêu và dễ gây táo bón.
- Lượng sắt có trong sữa công thức là không đủ để gây nên tình trạng táo bón cho trẻ.
- Bạn cần pha sữa đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Việc bạn pha sữa đặc hơn sẽ làm trẻ dễ bị táo bón hơn.
- Bạn cần cân nhắc đổi loại sữa công thức nếu tình trạng táo bón kéo dài và trẻ không tăng cân đủ.
Trẻ bú sữa mẹ rất ít khi bị táo bón vì trong thành phần sữa mẹ có chất nhuận tràng tự nhiên. Khi chuyển sang sữa công thức bạn có thể nhận thấy các thay đổi trong phân của trẻ. Phân có khuôn hơn trước, thay đổi màu sắc nhưng vẫn dễ đi. Đây là những hiện tượng hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, thành phần đạm trong sữa công thức có kích thước lớn nên khó tiêu. Một số thành phần đường, béo cũng có thể góp phần gây nên tình trạng táo bón cho trẻ. Điều này không có nghĩa tất cả trẻ chuyển sang sữa công thức đều sẽ bị táo bón. Ngoài ra, trẻ có thể bị táo bón khi chuyển đổi giữa các loại sữa công thức.
Vai trò của sắt trong sữa công thức
Một số người mẹ nghĩ rằng thành phần sắt trong sữa công thức là nguyên nhân khiến trẻ táo bón. Tuy nhiên, trên thực tế lượng sắt là không đủ để gây nên tình trạng này. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), nếu không bú sữa mẹ trẻ cần dùng sữa công thức có bổ sung sắt từ lúc sinh cho đến 1 tuổi. Sắt giúp giảm nguy cơ thiếu máu và hỗ trợ phát triển trí não.
Làm gì nếu bé bú sữa công thức bị táo bón?
Bạn cần đảm bảo pha chế đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Việc pha sữa đặc hơn, nhiều bột sữa hơn so với lượng nước có thể khiến trẻ táo bón.
Không có bằng chứng khoa học cho thấy có thể giảm táo bón bằng cách bổ sung nước cho trẻ đã đủ nước. Bạn có thể tính lượng nước cần cho trẻ như sau:
Trẻ từ 1 – 10kg: 100ml/kg cân nặng.
11 – 20kg: 1.000ml/10kg đầu + 50ml/kg/1kg cân nặng tăng thêm.
Từ 21kg trở lên: 1.500ml/20kg đầu + 20ml/1kg cân nặng tăng thêm.
Ví dụ trẻ 13kg cần lượng nước = 10kg x 100ml + 3kg x 50ml = 1150ml/ngày
Xem thêm: Nhu cầu nước hằng ngày ở trẻ em.
- Nếu trẻ thiếu nước, bạn nên bổ sung nước cho trẻ riêng.
- Bạn không nên pha thêm nước vào sữa vì nó có thể làm loãng nồng độ các chất dinh dưỡng.
- Khi bắt đầu cho trẻ dùng 1 loại sữa công thức mới, bạn nên cho trẻ sử dụng trong vòng một vài tuần thay vì đổi sữa ngay sau 1 – 2 ngày thấy trẻ bị táo bón. Trẻ cần thời gian làm quen với loại sữa mới.
- Bạn có thể cân nhắc đổi sữa nếu tình trạng táo bón kéo dài và trẻ không tăng cân.
Cách pha sữa đúng công thức
Bạn cần pha sữa đúng công thức nhằm đảm bảo dinh dưỡng, năng lượng mà sữa mang lại.
- Bạn phải sử dụng đúng muỗng được cung cấp trong sản phẩm. Các thương hiệu các nhau có kích thước muỗng khác nhau.
- Khi lấy sữa vào muỗng, bạn không nên ép chặt muỗng mà chỉ nên gạt đi phần dư thừa.
- Bạn cần cho nước vào bình trước khi cho sữa vào để đảm bảo đúng lượng nước cần thiết.
Khi nào bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Táo bón là tình trạng phổ biến ở trẻ, táo bón do dùng sữa công thức chỉ là một nguyên nhân nhỏ. Bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ có các biểu hiện như:
- Đi tiêu phân có máu.
- Bụng chương, nhìn thấy khối ở bụng.
- Trẻ không chịu bú, ăn.
- Không tăng cân, sụt cân.
- Táo bón kéo dài.
- https://pediatrics.aappublications.org/content/104/1/119
- https://www.pregnancybirthbaby.org.au/constipation-in-babies
- https://www.babycentre.co.uk/a79/constipation-in-babies#:~:text=Formula%2Dfed%20babies%20tend%20to,time%20as%20her%20system%20adjusts%20.
- https://nutritionj.biomedcentral.com/articles/10.1186/1475-2891-6-8
- https://pediatrics.aappublications.org/content/103/1/e7.short