Tại sao vắt sữa mẹ bằng tay hữu ích

Hiện nay đã có máy hút sữa tiện lợi, tuy nhiên kỹ năng vắt sữa mẹ bằng tay vẫn rất có ích trong một số trường hợp:

  • Mất điện, hết pin hoặc máy hút sữa bị hỏng.
  • Bầu vú của bạn căng đau ngay trước khi cho con bú, vì vậy bạn có thể vắt sữa bằng tay để bầu vú bớt căng và mềm hơn. Điều này giúp con ngậm bắt vú dễ dàng.
  • Bầu vú căng đau khi bạn không ở gần con và không có máy hút sữa.
  • Bạn muốn tích trữ sữa đầu (colostrum) cho trẻ sơ sinh hoặc sinh non.

Vắt sữa mẹ bằng tay đúng cách

Vắt sữa mẹ bằng tay là một kỹ năng nên bạn sẽ mất thời gian để tập luyện. Sau đây là 10 bước giúp bạn vắt sữa mẹ an toàn và hiệu quả. Hãy đảm bảo chuẩn bị vật dụng chứa sữa trước khi vắt nhé.

  1. Rửa tay sạch với nước và xà phòng

    Tốt nhất bạn nên thực hành rửa tay 6 bước, với thời gian rửa tay tối thiểu là 30 giây.

  2. Thư giãn và massage bầu vú

    Chọn một tư thế thoải mái và thư giãn. Bạn có thể dùng một chiếc khăn ấm để chườm và massage bầu vú vài phút trước khi bắt đầu vắt.

  3. Tạo kích thích gợi nhớ về con

    Dòng sữa được tiết ra theo phản xạ khi có con ở bên. Do đó, để vắt sữa thuận lợi bạn có thể tạo các kích thích để gợi nhớ về con. Có nhiều cách: để con ở bên, nghe âm thanh hoặc dùng một chiếc mền có mùi của con.

  4. Giữ bầu vú bằng tay theo hình chữ C

    Bạn giữ bầu vú với ngón tay cái ở trên, các ngón còn lại ở dưới tạo thành chữ C. Đầu các ngón tay nên cách núm vú từ 3 – 5cm.

  5. Giữ bình sữa

    Giữ bình sữa bằng tay còn lại, đặt ngay dưới bầu vú của bạn.

  6. Đẩy bầu vú về phía sau và ép bầu vú giữa 2 ngón tay
    Ép bầu vú về phía sau (phía thành ngực).
    Sau đó vừa ép bầu vú bằng 2 ngón tay, vừa chuyển động bầu vú theo hướng trước sau. Điều này giúp đẩy sữa từ các ống tuyến ra ngoài. Ép nhẹ nhàng vì mô vú rất nhạy cảm và dễ bị bầm tím.
    KHÔNG siết chặt hoặc “vắt” bầu vú.
  7. Nghiêng người đến trước một chút

    Bạn có thể nghiêng người đến trước để hỗ trợ dòng sữa chảy ra ngoài. Hãy cẩn thận tránh để sữa chạm vào ngón tay.

  8. Lặp lại đều đặn và nhịp nhàng các bước
    Đẩy bầu vú về phía sau – ép bằng các ngón tay – di chuyển theo chiều trước sau – nghĩ.
    Lặp lại đều đặn và nhịp nhàng các bước trên cho đến khi không còn sữa chảy ra ngoài hoặc khi bạn cảm thấy bầu vú bớt căng đau.
    Bạn có thể để tay ở nhiều vị trí khác nhau (chữ C, U, U ngược) để vắt sữa ở các khu vực khác nhau của bầu vú.
  9. Vắt sữa lần lượt ở cả hai bầu vú

    Vắt sữa hết một bên vú và chuyển sang bên còn lại để đảm bảo không có bên vú nào còn ứ sữa và căng đau.

  10. Kết thúc vắt sữa
    Bạn massage vú một lần nữa và bắt đầu cho con bú (hoặc cất trữ sữa cho lần bú sau).
    Nếu làm bằng tay, bạn sẽ mất khoảng 20 – 30 phút để vắt cạn hai bầu vú.

Ưu và khuyết điểm của vắt sữa bằng tay

Ưu điểm

  • Tự nhiên và không tốn chi phí.
  • Luôn sẵn có và không gây tiếng ồn như máy hút.
  • Không cần trang thiết bị đặc biệt.
  • Giúp bạn gia tăng chú ý và nhận thức về vú, nhận biết sớm các điểm bất thường ở bầu bú.

Khuyết điểm

  • Vắt sữa mẹ bằng tay đúng cách cần thời gian để luyện tập.
  • Có thể không phù hợp với tất cả mọi người.