Cấp cứu ngạt nước ở trẻ em

Ngạt nước là tai nạn cực kỳ nguy hiểm ở trẻ em, mỗi năm có ít nhất 500.000 trường hợp tử vong do ngạt nước. Do đó, cha mẹ cần trang bị cho mình kiến thức về cấp cứu ngạt nước và biện pháp phòng tránh.

Ngạt nước là gì

Ngạt nước là tình trạng tổn thương đường thở do chìm trong nước.

Khi chìm hoàn toàn trong nước, nạn nhân sẽ cố gắng nín thở (tối đa là 60 giây). Chỉ cần một lượng ít nước đi vào đường thở sẽ khiến thanh quản co thắt, nạn nhân không thể hít thở gây tăng CO2 và giảm O2 trong máu.

Giảm O2 máu khiến nạn nhân hôn mê, ngưng thở cuối cùng dẫn đến tử vong. Tình trạng tử vong do ngạt nước gọi là chết đuối.

Tại sao trẻ bị ngạt nước

Ngạt nước thường gặp và là nguyên nhân tử vong quan trọng ở trẻ em. Một số điều có thể bạn không biết:

  • Ngạt nước phổ biến ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi (chứ không phải ở trẻ lớn).
  • Các dụng cụ chứa nước trong nhà rất nguy hiểm (chứ không chỉ là sông, suối, biển).

Ngạt nước trong bồn tắm, lu, chậu thường gặp ở trẻ dưới 15 tháng.

Ngạt nước ở bồn tắm nước nóng, spa có đến 90% trẻ từ 10 đến 42 tháng.

  • Hầu hết các trường hợp trẻ không được cha mẹ giám sát cẩn thận hay được trông coi bởi anh chị còn nhỏ.
  • Trẻ có thể bị ngạt nước mà người nhà không biết, ngay cả khi họ ở gần đó. Ngạt nước rất âm thầm chứ không ấn tượng với cảnh nạn nhân la hét, vùng vẫy như trong phim.

Cấp cứu ngạt nước ở trẻ em

  1. Phát hiện trẻ bị ngạt nước

Hãy cẩn thận, các dấu hiệu nhỏ cho thấy trẻ đang gặp nguy hiểm nhưng bạn có thể bỏ qua:

  • Nổi úp mặt trên mặt nước và bất động.
  • Nhắm nghiền mắt, miệng và mũi ở dưới mặt nước.
  • Đầu nhấp nhô.
  • Có vẻ hoảng hốt, vùng vẫy.
  • Trông trẻ không thực sự bơi mà đang cố gắng “trèo” ra khỏi mặt nước.
  1. Đảm bảo an toàn cho bạn
  • Hãy quan sát môi trường nước xung quanh và biết khả năng của mình.
  • Không nên đặt bản thân vào tình trạng nguy hiểm khi cố cứu sống trẻ.
  • Hô to gọi giúp đỡ.
  1. Đưa trẻ ra khỏi mặt nước
  • Đưa trẻ đến nơi an toàn.
  • Nếu đủ khả năng, bạn có thể thực hiện thổi ngạt “miệng – mũi” hoặc “miệng – miệng” ngay khi trẻ còn ở trong nước.
  1. Đánh giá trẻ
  • Lay gọi xem trẻ còn tỉnh không.
  • Xem trẻ còn tự thở không: Kề sát mặt bạn vào mặt trẻ, đặt tay lên ngực. Cảm nhận hơi thở phả vào má, quan sát lồng ngực di động.
  1. Nếu trẻ không tự thở – Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức
  • Đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt cứng.
  • Điều đầu tiên và quan trọng nhất là nhanh chóng hà hơi thổi ngạt cho trẻ.
  • Đọc thêm: Hồi sức tim phổi cho trẻ sơ sinh để biết cách thực hiện đúng.
  1. Trẻ dưới 1 tuổi
  • Ngửa đầu, nâng cằm.
  • Che phủ mũi và miệng trẻ bằng miệng của bạn. Đảm bảo kín. Thổi hơi nhanh, đều, trong 1 giây vào miệng trẻ, quan sát xem lồng ngực có nhô cao khi thổi hơi không.
  • Thổi 2 hơi.
  • Nhồi tim bằng cách đặt 2 ngón tay trên xương ức, ấn sâu 4cm (1/3 bề dày lồng ngực), tần số 100 – 120 lần/phút. Ấn nhanh, mạnh. Để lồng ngực nâng lên hoàn toàn rồi mới ấn tiếp.
  • Ấn 30 lần – thổi hơi 2 lần và lặp lại chu kỳ như vậy.
  1. Trẻ trên 1 tuổi
  • Ngửa đầu, nâng cằm.
  • Che phủ miệng trẻ bằng miệng của bạn. Đảm bảo kín. Thổi hơi nhanh, đều, trong 1 giây vào miệng trẻ, quan sát xem lồng ngực có nhô cao khi thổi hơi không.
  • Thổi 2 hơi.
  • Nhồi tim bằng cách đặt 1 bàn tay trên xương ức, ấn sâu 5cm (1/3 bề dày lồng ngực), tần số 100 – 120 lần/phút. Ấn nhanh, mạnh. Để lồng ngực nâng lên hoàn toàn rồi mới ấn tiếp.
  • Ấn 30 lần – thổi hơi 2 lần và lặp lại chu kỳ như vậy.
  1. Quan sát đáp ứng
  • Giữa các lần nhồi tim và thổi hơi, bạn kiểm tra xem trẻ có tự thở lại không.
  • CPR đến khi trẻ tự thở lại hoặc đội cấp cứu đến.
  • CPR PHẢI LIÊN TỤC NGAY CẢ KHI VẬN CHUYỂN TRẺ, KHÔNG ĐƯỢC NGỪNG LẠI.

Theo dõi sau hồi sức

Tất cả các trường hợp ngạt nước cần được đưa đến cơ sở y tế. Ngay cả khi trẻ còn tỉnh, không khó thở, bạn vẫn cần đưa trẻ đến bệnh viện để theo dõi suy hô hấp có thể xảy ra trong vòng 24 giờ đầu.

Phòng tránh ngạt nước

Để phòng tránh ngạt nước ở trẻ em, hãy làm những điều đơn giản sau:

  • Lắp đặt hàng rào ở nơi có ao hồ, ngay cả khi nó rất nông (trẻ nhỏ ngã chúi đầu xuống nước không đủ khả năng để tự đưa mình ra ngoài).
  • Che kín các lu chậu trong nhà, ngay cả một xô nước nhỏ vẫn có thể làm trẻ nhỏ ngạt nước.
  • Đóng cổng các bể bơi, ao hồ khi không có người theo dõi – cứu hộ.
  • Dạy trẻ bơi.
  • Quan sát trẻ kỹ lưỡng khi ở trong môi trường nước.
  • Bạn cần học cách hồi sức tim phổi (CPR).
  • Hãy đảm bảo môi trường nước phù hợp với khả năng bơi (độ sâu, độ rộng, sóng dữ).
  • Mang áo phao nếu không biết bơi.