Chăm sóc trẻ sốt như thế nào cho đúng

Khi mắc bệnh trẻ thường sốt, quấy khóc, chán ăn, mệt mỏi. Tất cả những điều này khiến bạn lo lắng và không biết nên xử trí như thế nào là tốt nhất cho con. Bài viết sẽ giúp bạn có một cái nhìn chung nhất về chăm sóc trẻ sốt.

Key takeaways

  • Bạn cần đo thân nhiệt đúng và chắc chắn trẻ sốt.
  • Có nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ: nhiễm virus, vi khuẩn, mặc quần áo quá nhiều, chủng ngừa, mọc răng.
  • Hạ sốt bằng acetaminophen hoặc ibuprofen, không được dùng aspirin.
  • Sốt ở trẻ sơ sinh cần đi khám bác sĩ ngay.

Các nguyên nhân khiến trẻ sốt

Sốt không phải là bệnh mà là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn bên dưới. Trong hầu hết các trường hợp, sốt thường do nhiễm trùng. Những nguyên nhân gây sốt phổ biến ở trẻ em là:

  • Nhiễm virus: nhiễm trùng đường ruột, cảm lạnh, cúm là những bệnh thường gặp.
  • Nhiễm vi khuẩn: sốt do vi khuẩn gây bệnh nghiêm trọng hơn. Các bệnh thường gặp là viêm tai, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, viêm màng não. Chúng cần dùng kháng sinh để điều trị.
  • Mặc quần áo quá nhiều: trẻ nhỏ không thể tự điều chỉnh thân nhiệt, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Chúng có thể sốt nếu mặc quá nhiều quần áo hoặc ở trong môi trường nhiệt độ cao. (Đọc thêm: Cách quấn khăn cho trẻ)
  • Chủng ngừa: nếu con bạn được chủng ngừa trong 24 giờ qua, trẻ có thể bị sốt nhẹ. Điều này không có gì đáng lo ngại, bạn có thể sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt. Tuy nhiên, nếu sốt kéo dài quá 48 giờ, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
  • Mọc răng: trẻ sơ sinh có thể hơi tăng nhiệt độ do răng mới mọc. Nếu trẻ sốt khi mọc răng kéo dài hơn 2 ngày, hãy tìm lời khuyên của bác sĩ.

Đo thân nhiệt đúng

Muốn chăm sóc trẻ sốt thì cần phải biết chính xác trẻ có sốt thật hay không, bao nhiêu độ. Do đó, kỹ thuật đo thân nhiệt cho trẻ đúng cách là cực kỳ quan trọng.

Bất kể độ tuổi của trẻ, bạn nên dùng nhiệt kế điện tử để đo thân nhiệt cho con. Dùng nhiệt kế thuỷ ngân dễ vỡ, gây giải phóng thuỷ ngân bay hơi độc hại. Nhiệt kế điện tử rẻ tiền, dễ mua và cho kết quả đáng tin cậy.

Đo nhiệt độ ở hậu môn cho kết quả chính xác nhất, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Ở trẻ lớn hơn bạn có thể đo ở nách, miệng, tai. Bạn nên đo thân nhiệt ở tai với trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi, đo ở nách với trẻ lớn hơn 4 tuổi.

Đọc thêm: Cách chọn nhiệt kế cho trẻ em.

Hạ sốt cho trẻ tại nhà

Lưu ý về chỉ số thân nhiệt

Chỉ số nhiệt độ cao không có nghĩa trẻ bị bệnh nặng. Nếu con vẫn hoạt động bình thường, vẫn thích chơi và tỉnh táo thì có thể bệnh không nghiêm trọng. Ngoài ra, đừng quá lo lắng nếu trẻ kém ăn. Miễn là con bạn uống và đi tiểu bình thường, thì việc trẻ ăn kém hơn không quá đáng lo.

Các biện pháp giúp trẻ dễ chịu

  • Chườm lạnh – Đặt một chiếc khăn ướt và mát lên đầu có thể làm dịu cơn sốt và giúp con bạn nghỉ ngơi.
  • Bổ sung nước – Để ngăn ngừa mất nước và giúp cơ thể tự làm mát, hãy cho trẻ uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, súp trong, sữa chua. Nếu con bạn dưới 6 tháng, sữa mẹ sẽ cung cấp đủ nước cho trẻ và giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
  • Nơi mát mẻ – Sử dụng máy lạnh hoặc quạt để giữ nhiệt độ phòng ở mức dễ chịu.
  • Quần áo nhẹ – Cởi bỏ lớp quần áo thừa để trẻ có thể thoát nhiệt qua da dễ dàng hơn, điều này càng quan trọng đối với trẻ sơ sinh.
  • Bạn không nên sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ. Loại thuốc này có thể gây ra hội chứng Reye, một bệnh lý nặng đe dọa tử vong.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ sốt

  • Đừng trì hoãn khám bác sĩ khi trẻ sơ sinh bị sốt. (Đọc thêm: Trẻ sơ sinh sốt – Những điều cần quan tâm)
  • Không uống chung acetaminophen và ibuprofen.
  • Cần kiểm tra thân nhiệt trước khi cho trẻ uống thuốc.
  • Không cho trẻ uống thuốc của người lớn.
  • Đừng mặc quần áo quá nhiều cho trẻ sơ sinh.
  • Không dùng nước đá hoặc cồn để hạ nhiệt độ cho trẻ.

Bao giờ cần khám bác sĩ ngay

Đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng, nhiệt độ trực tràng từ 38 độ C trở lên cần được xử lý càng sớm càng tốt. Sốt ở trẻ sơ sinh là khẩn cấp vì biểu hiện bệnh không rõ ràng và cần có các xét nghiệm (xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang ngực, chọc dò thắt lưng) để bắt đầu điều trị.

Các dấu hiệu đáng lo cần gặp bác sĩ

  • Trẻ quá mệt, không uống nước đầy đủ hoặc từ chối uống.
  • Có bất kỳ dấu hiệu mất nước nào (khô miệng, khóc không có nước mắt, không đi tiểu nhiều như bình thường).
  • Tiêu chảy hoặc nôn mửa nhiều lần.
  • Phát ban.
  • Đau họng hoặc đau tai.
  • Khó chịu khi đi tiểu.
  • Có tình trạng bệnh lý phức tạp như các vấn đề về tim, thiếu máu hồng cầu hình liềm, ung thư, xơ nang hoặc tiểu đường.

Cần đưa trẻ khám cấp cứu ngay

  • Cực kỳ quấy khóc hoặc cáu kỉnh.
  • Khóc không thể dỗ và làm trẻ bình tĩnh lại.
  • Hôn mê hoặc không thể đánh thức dễ dàng.
  • Thở mệt.
  • Trẻ tím tái ở lưỡi, môi, đầu ngón tay.
  • Trẻ có vẻ lú lẫn.
  • Không thể đi lại, khập khiễng hoặc không chịu di chuyển.
  • Trẻ ngồi cuối người về phía trước và chảy nước dãi.
  • Dấu hiệu viêm màng não: cứng cổ, đau đầu dữ dội, nôn ói nhiều.
  • Trẻ đau bụng.

Trẻ bị say nắng

Trong một số trường hợp, sốt có thể bị nhầm lẫn với say nắng. Nếu trẻ ở một nơi quá nóng hoặc mặc quần áo quá nhiều trong thời tiết nóng và ẩm ướt, say nắng có thể xảy ra.

Nhiệt độ của trẻ có thể tăng lên mức cao nguy hiểm trên 40 độ C và phải nhanh chóng hạ nhiệt cho trẻ. Các phương pháp khẩn cấp bao gồm:

  • Di chuyển trẻ đến nơi mát mẻ.
  • Cho trẻ uống nước mát.
  • Quạt cho trẻ.
  • Say nắng được coi là một trường hợp cấp cứu, vì vậy ngay sau khi hạ nhiệt phải đưa trẻ đi khám.
  • Đọc thêm: Xử trí say nắng ở trẻ em.