Cho trẻ ăn dặm như thế nào

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp và lời khuyên về ăn dặm. Vậy làm sao cha mẹ biết được nên cho trẻ ăn dặm như thế nào là đúng. Hãy cùng tham khảo những nguyên tắc cơ bản từ WHO nhé!

Key takeaways

  • Trẻ nên bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ 6, không sớm hơn tháng thứ 4.
  • Bạn nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ sau 1 tuổi để tận dụng nhiều lợi ích từ sữa mẹ.
  • Cho trẻ ăn dựa vào các tín hiệu muốn ăn hoặc đã no của trẻ. Điều này giúp con hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.
  • Bạn nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm

Theo các nghiên cứu khoa học, thời điểm thích hợp để bắt đầu cho trẻ ăn dặm là từ tháng thứ 6. Bạn có thể cho trẻ ăn dặm sớm hơn nhưng không nên trước tháng thứ 4. Ngoài ra bạn cũng cần theo dõi các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn thức ăn đặc như:

  • Trẻ đã đủ lớn, thường là nặng gấp 2 lần so với lúc sinh.
  • Trẻ có thể ngẩng đầu và giữ đầu ổn định ở tư thế thẳng. Thông thường từ tháng thứ 4 trở đi, sức cơ ở cổ và thân mình mới đủ mạnh để làm việc này.
  • Bạn nhận thấy trẻ mở miệng khi có thức ăn ở gần. Ví dụ trẻ mở miệng khi thấy bạn ăn kem hoặc trái cây ngay cạnh con.
  • Trẻ với lấy thức ăn và háo hức muốn được cho ăn.
  • Trẻ có thể nuốt được thức ăn đặc xuống cổ họng.
  • Đọc thêm: Trẻ mấy tháng ăn dặm là phù hợp.

Phối hợp ăn dặm và bú mẹ

Từ tháng thứ 6, nguồn năng lượng và dinh dưỡng trong sữa mẹ là không đủ để trẻ phát triển. Tuy nhiên, bạn không nên ngừng cho con bú. WHO khuyến cáo tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức đến năm 2 tuổi hoặc lâu hơn.

Tại sao WHO đề xuất thời gian nuôi con bằng sữa mẹ lâu đến như vậy?

  • Ở trẻ 12 – 24 tháng, sữa mẹ vẫn có thể cung cấp 35 – 40% tổng năng lượng cần thiết cho một ngày. Nếu bạn giảm việc bú sữa, bạn đang cắt bớt một nguồn năng lượng dồi dào cho con.
  • Sữa mẹ có hàm lượng cao các axit béo thiết yếu, hơn hẳn phần lớn các loại thức ăn dặm. Axit béo rất cần thiết sự phát triển, đặc biệt là trí não và thị giác.
  • Thời gian bú mẹ kéo dài có liên quan với việc giảm tỷ lệ mắc các bệnh lý mạn tính, béo phì, đái tháo đường típ 2 khi trẻ lớn lên.
  • Cuối cùng, bú mẹ giúp ngăn ngừa mất nước và cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để hồi phục khi trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng.

Cho trẻ ăn dặm như thế nào

Bạn đã nghe đến nuôi ăn phản hồi (responsive feeding) bao giờ chưa? Nuôi ăn phản hồi là việc bạn cho trẻ ăn dựa trên những tín hiệu và phản hồi từ trẻ.

  • Bạn cho trẻ ăn dựa vào các tín hiệu đói và no của trẻ. Bạn cần nhạy cảm và học cách nhận ra các tín hiệu của con.
  • Ăn chậm và kiên nhẫn khuyến khích trẻ ăn, không ép buộc trẻ.
  • Giảm thiểu sự xao nhãng trong bữa ăn.
  • Nhớ rằng cho ăn là thời gian học hỏi và yêu thương – nói chuyện với trẻ trong khi cho ăn, giao tiếp bằng mắt với trẻ.

Tại sao WHO lại quan tâm đến vấn đề này? Cha mẹ thường muốn con ăn nhiều và đều đặn vào giờ cố định. Tuy nhiên, nếu bạn ép con ăn quá nhiều, bạn có thể hình thành thói quen ăn uống xấu ở con. Điều này khiến trẻ chống đối thức ăn hoặc ăn quá nhiều, gia tăng béo phì khi trẻ lớn.

Mô hình “cho ăn phản hồi” giúp hình thành một thói quen ăn uống lành mạnh từ những tháng đầu đời. Trẻ sẽ học cách ăn khi cần và ăn một lượng vừa đủ. Ngoài ra cách này còn giúp thắt chặt mối quan hệ giữa bạn và trẻ.

Đảm bảo năng lượng cho trẻ

Bạn cần cho trẻ ăn bao nhiêu thức ăn dặm, đặc biệt là khi trẻ lớn dần lên và cần nhiều năng lượng hơn?

Nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi

Trẻ 6 tháng ăn được những gì

Từ tháng thứ 6, sữa mẹ bắt đầu không cung cấp đủ năng lượng

Bạn có thể thấy:

  • Trước tháng thứ 6, sữa mẹ có thể cung cấp đầy đủ năng lượng cho trẻ.
  • Từ tháng thứ 6 trở đi, nhu cầu năng lượng của trẻ tăng lên và sữa mẹ không còn đáp ứng đủ. Do đó, trẻ cần bổ sung phần năng lượng bị thiếu từ ăn dặm.
  • Mức năng lượng cần bổ sung thêm từ ăn dặm như sau:
    • Trẻ 6 – 8 tháng: 200Kcal/ngày.
    • 9 – 11 tháng: 300Kcal/ngày.
    • 12 – 23 tháng: 550Kcal/ngày.

Mức năng lượng trong các loại thức ăn

Lượng thức ăn dặm cần thiết phụ thuộc vào mức năng lượng có trong từng loại. Thức ăn càng đậm đặc và nhiều dầu càng nhiều năng lượng:

  • Sữa mẹ: 0.7Kcal/ml.
  • Thức ăn dặm nhìn chung: 0.6 – 1.0Kcal/gram.
  • Thức ăn dặm pha loãng: 0.3Kcal/gram.
  • Bạn cần biết, thức ăn dặm cần chứa mức năng lượng cao hơn sữa mẹ, ít nhất là 0.8Kcal/gram.

Tăng dần lượng thức ăn

Tăng độ đặc của thức ăn

Bắt đầu từ 6 tháng, trẻ nhỏ có thể ăn thức ăn xay nhuyễn, nghiền nhỏ. Trước 8 tháng, trẻ ăn thức ăn đặc hơn (trẻ có thể cầm nắm được). Trước 12 tháng, hầu hết trẻ có thể ăn cùng một loại thực phẩm như các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, cần tránh các loại thực phẩm có thể gây nghẹt thở.

Thức ăn không nên quá loãng để dễ cho ăn (không chảy ra ngoài), đảm bảo đủ năng lượng và phù hợp với khả năng nuốt của trẻ.

Tăng tần suất ăn

Số bữa ăn của trẻ nhỏ trong một ngày phụ thuộc vào:

  • Trẻ cần thêm bao nhiêu năng lượng ngoài nguồn năng lượng từ sữa mẹ (đã đề cập ở trên).
  • Lượng thức ăn trẻ có thể ăn trong 1 lần. Điều này phụ thuộc vào sức chứa dạ dày của trẻ, thường là 30 ml cho mỗi kg. Ví dụ, trẻ nặng 8 kg sẽ có dung tích dạ dày 240 ml (khoảng một cốc lớn), trẻ không thể ăn nhiều hơn lượng này trong một buổi ăn.
  • Mức độ năng lượng chứa trong mỗi loại thức ăn (đã đề cập ở trên).
  • Loại thực phẩm có mức năng lượng càng thấp, càng cần ăn lượng nhiều hơn và nhiều bữa hơn.

Phối hợp đa dạng các loại thực phẩm

Những loại thực phẩm mà trẻ có thể ăn:

  • Thịt hoặc cá là nguồn cung cấp protein, sắt và kẽm. Gan cung cấp vitamin A và folate.
  • Lòng đỏ trứng cung cấp protein và vitamin A, nhưng không có sắt.
  • Các sản phẩm từ sữa như sữa, pho mát và sữa chua cung cấp canxi, protein, năng lượng và Vitamin B.
  • Đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu phộng và đậu nành là nguồn protein tốt.
  • Chất béo và dầu là nguồn năng lượng dồi dào và axit béo thiết yếu.
  • Trái cây cung cấp vitamin C (cà chua, cam quýt và các loại trái cây khác).

Chất béo (kể cả dầu) rất quan trọng để tăng mức năng lượng của thực phẩm và giúp hấp thụ các vitamin tan trong lipid. Chất béo nên chiếm 30-45% tổng năng lượng cần thiết trong một ngày.

Lời kết

Đây là bài viết trình bày những nguyên tắc cơ bản nhất mà bạn cần lưu ý khi cho trẻ ăn dặm. Hy vọng sau bài viết bạn có được một cái nhìn tổng quan và cơ sở khoa học để tiếp tục tìm ra cách ăn dặm phù hợp nhất cho con của mình.