Chọn kem chống nắng cho bé sao cho an toàn
Da của bé rất dễ bị kích ứng và bong tróc dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Do đó, bảo vệ làn da của con khi tham gia các hoạt động bên ngoài là rất quan trọng. Bạn có đang băn khoăn về cách chọn kem chống nắng cho bé không, hãy tham khảo bài viết để có câu trả lời nhé.
Key takeaways
- Kem chống nắng không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 6 tháng.
- Khi đưa trẻ ra ngoài, bạn nên che chắn cho con thật tốt khỏi ánh nắng mặt trời.
- Hãy chọn kem chống nắng dạng kem, có chứa kẽm oxide hoặc titanium dioxide để tránh khiến da của con bị kích ứng.
Bao giờ cần dùng kem chống nắng cho bé
Da của trẻ rất dễ bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời, do đó bảo vệ trẻ là rất cần thiết. Theo khuyến cáo từ Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD):
- Tất cả trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi cần dùng kem chống nắng khi ở ngoài trời, bất kể màu sắc da.
- Kem chống nắng cho bé dưới 6 tháng không được khuyên dùng, bạn nên giữ con tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Khi đi ra ngoài, hãy mặc cho con quần áo nhẹ, mang nón rộng vành và vớ.
- Nếu không thể che chắn cho con hoàn toàn, bạn có thể dùng một lượng nhỏ kem chống nắng cho mặt và bàn tay của trẻ.
- Bạn cần lưu ý về độ dày của lớp che phủ. Quần áo, nón và khăn che cần dày đủ để bạn không thể nhìn xuyên qua được.
- Với tất cả trẻ nhỏ, hãy tránh đưa con ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, đây là lúc ánh nắng chứa nhiều tia cực tím nhất.
Đọc thêm: Những điểm đặc biệt về làn da em bé bạn cần biết.
Cần quan tâm những yếu tố nào
Khi chọn kem chống nắng cho bé, bạn nên chọn sản phẩm có những đặc điểm sau:
- Sản phẩm có chỉ số SPF ít nhất là 30. SPF – sun protection factor tức yếu tố chống nắng.
- Sản phẩm chống lại được cả tia UVA và UVB, hay còn gọi là sản phẩm phổ rộng.
- Sản phẩm có thể chống thấm nước để bảo vệ con khi tham gia các hoạt động ở dưới nước.
Kem chống nắng cho bé có những loại nào
Trên thị trường hiện nay có 2 nhóm sản phẩm chính:
Kem chống nắng khoáng chất (mineral sunscreen), hay còn gọi là kem chống nắng vật lý.
- Những sản phẩm này chứa kẽm hoặc titanium, tạo một lớp che phủ trên bề mặt da để chống lại ánh nắng.
- Kem tạo lớp phủ khiến da có màu hơi trắng.
- Kem có hiệu quả ngay khi bôi lên da, tuy nhiên dễ bị nước và mồ hôi rửa trôi.
Kem chống nắng hoá học (chemical sunscreen), hay còn gọi là kem chống nắng hữu cơ .
- Sản phẩm chứa các chất hoá học giúp kem thấm vào lớp ngoài của da. Tại đây, kem hấp thu ánh nắng và chuyển hoá thành nhiệt lượng để thải ra ngoài.
- Kem không khiến da có màu trắng và không dễ bị nước rửa trôi.
- Kem mất 15 – 30 phút sau bôi mới có hiệu quả.
AAD khuyên bạn nên chọn loại kem chống nắng khoáng chất để giảm kích ứng da cho trẻ.
Kem chống nắng có dạng kem, dạng gel hoặc dạng xịt. Dạng gel phù hợp ở vùng có lông tóc. Dạng xịt dễ dùng nhưng trẻ có thể hít phải gây độc. Do đó, dạng kem là tốt nhất, đặc biệt nếu trẻ có vùng da bị khô.
Sử dụng kem chống nắng cho bé như thế nào
- Điều đầu tiên và quan trọng nhất – bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi chọn kem chống nắng cho con nhé.
- Dùng kem chống nắng cho bé bất kỳ lúc nào con tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không được che chắn.
- Tốt nhất bạn nên bôi kem cho con 15 – 30 phút trước khi ra ngoài.
- Đừng quên bôi các vùng tai, bàn tay, bàn chân, vai và phía sau cổ.
- Hãy bôi kem chống nắng một cách “hào phóng”. Để dễ nhớ, bạn có thể dùng quy tắc muỗng cà phê. Dùng lượng kem chống nắng bằng: 1 muỗng cà phê cho mặt và cổ, 1 muỗng cà phê cho mặt trước hoặc mặt sau thân mình, 1 muỗng cà phê cho mỗi cánh tay và 2 muỗng cà phê cho mỗi chân.
- Bôi kem lại cho con sau mỗi 2 giờ, sau mỗi lần con tắm hoặc vã mồ hôi nhiều.
- Nếu con tham gia các hoạt động dưới nước, hãy dùng loại kem chống nước. Nước làm tăng ảnh hưởng của ánh nắng lên da, do đó bôi kem chống nắng rất quan trọng.
Một số lưu ý nhỏ khác
Ngoài những điều nêu trên, một số lưu ý nhỏ sau sẽ giúp bạn bảo vệ con tốt hơn:
- Bạn không nên dùng sản phẩm có chứa PABA (para-aminobenzoic acid), chất này khiến da bị kích ứng. Ngoài ra cũng cần tránh thành phần oxybenzone, một chất có hoạt tính như hóc môn.
- Nếu da của con dễ bị dị ứng, hãy chọn kem chống nắng có chứa kẽm oxide hoặc titanium dioxide.
- Một số sản phẩm dưỡng da được quảng cáo có chứa chất chống nắng, tuy nhiên hiệu quả thực sự không cao.
- Đối với bé gái đã lớn, hãy khuyên trẻ dùng kem chống nắng trước khi trang điểm nhé.
Da của trẻ không tiết mồ hôi để làm mát cơ thể hiệu quả như người lớn, do đó:
- Các dấu hiệu của cháy nắng và mất nước là trẻ trông đừ, da đỏ ửng hoặc quấy khóc liên tục.
- Hãy kiểm tra nhiệt độ bề mặt da của con. Nếu quá nóng, hãy đưa vào nơi có bóng mát và nới lỏng quần áo.
- Cùng với đó, hãy bù dịch cho con bằng sữa hoặc nước mát
- Đọc thêm: Xử trí say nắng ở trẻ em đúng cách.