Có nên rửa mũi cho trẻ – Góc nhìn khoa học

Cảm lạnh rất phổ biến ở trẻ em. Điểm nổi bật của bệnh lý này là các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy mũi. Những lúc này hẳn bạn sẽ tự hỏi liệu có nên rửa mũi cho trẻ hay không, rửa như thế nào cho đúng và liệu phương pháp này có an toàn?

Rửa mũi là gì

Rửa mũi (nasal irrigation) là phương pháp làm sạch khoang mũi bằng nước, nhằm giảm nghẹt và chảy nước mũi. Bạn có thể thực hiện rửa mũi ngay tại nhà với nước/nước muối và dụng cụ phù hợp.

Bạn có thể áp dụng rửa mũi cho cả người lớn và trẻ em. Đây là một phương pháp giúp giảm triệu chứng ở mũi đơn giản, hiệu quả và an toàn.

Cách rửa mũi cho trẻ

Bạn có thể rửa mũi cho trẻ ngay tại nhà bằng các dụng cụ sẵn có:

Dụng cụ

Nước sôi để nguội (nên hơi ấm một chút) hoặc nước muối sinh lý NaCl 0.9%. Bạn cũng có thể dùng bình rửa mũi đã chứa sẵn nước muối sinh lý.

  • Bạn cần dùng nước sôi để nguội để rửa mũi cho trẻ. Chỉ dùng nước sạch là không đủ an toàn, đã có bệnh nhân bị viêm não amip do dùng nước từ vòi để rửa mũi.
  • Nồng độ nước muối phù hợp cũng rất quan trọng (từ 0.9 đến 3%). Nồng độ muối quá cao có thể gây kích ứng và tổn thương niêm mạc mũi.

Có nhiều loại dụng cụ khác nhau để rửa mũi cho trẻ như:

  • Bơm tiêm có đầu bịt để dễ đưa vào mũi của trẻ.
  • Bóp hút rửa bằng nhựa/cao su.
  • Tách nước nhỏ có vòi.

Tóm lại, dụng cụ cần sạch sẽ và có thể đưa vào mũi của trẻ dễ dàng mà không gây tổn thương.

Cách thực hiện

  1. Với trẻ nhỏ, đặt bé nằm nghiêng bên và lót miếng chống thấm bên dưới đầu. Với trẻ lớn, bạn nói con đặt đầu bên trên bồn nước và nghiêng đầu sang bên.
  2. Đưa đầu bơm tiêm vào lỗ mũi phía trên.
  3. Bơm nước vào phía mũi bên trên cho đến khi thấy nước chảy ra từ bên dưới.
  4. Lặp lại tương tự với bên mũi còn lại.
  5. Bạn có thể rửa mũi cho trẻ hàng ngày, một lần/ngày. Bạn sẽ nhận thấy hiệu quả sau 2 – 3 ngày thực hiện. Sau khi trẻ hết nghẹt mũi, bạn giảm tần suất rửa mũi còn 3 lần/tuần để triệu chứng không tái phát.
Có nên rửa mũi cho trẻ

Dụng cụ rửa nên có đầu để đưa vào mũi của trẻ dễ dàng mà không gây tổn thương

Có nên rửa mũi cho trẻ

Cơ chế của rửa mũi

Rửa mũi giúp giảm triệu chứng thông qua một số cơ chế sau:

  • Nước rửa trôi chất tiết, các chất gây kích ứng và hoá chất gây viêm ra khỏi khoang mũi.
  • Nước muối gây co mạch giúp niêm mạc mũi bớt phù nề (giảm nghẹt mũi).
  • Cải thiện hoạt động của lông chuyển – các lông nhỏ li ti trên bề mặt niêm mạc giúp di chuyển chất tiết trong khoang mũi.
Có nên rửa mũi cho trẻ

Có nên rửa mũi cho trẻ

Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu để đánh giá hiệu quả của rửa mũi. Họ kết luận phương pháp này giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi trong các bệnh lý:

  • Viêm mũi xoang mạn.
  • Viêm mũi dị ứng.
  • Nhiễm trùng hô hấp trên (cảm lạnh).

Đây là 3 chỉ định của rửa mũi đã được xác định thông qua các nghiên cứu khoa học – Bạn chỉ nên rửa mũi khi chắc chắn trẻ bị một trong số các bệnh lý trên.

Một nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên (RCT) được thực hiện trên 390 trẻ em bị cảm lạnh. Các nhà khoa học chia trẻ thành hai nhóm. Nhóm 1: trẻ được rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Nhóm 2: trẻ chỉ chăm sóc cơ bản mà không rửa mũi. Kết quả cho thấy trẻ ở nhóm 1 ít chảy mũi và nghẹt mũi hơn, ít phải dùng thêm thuốc bên ngoài. [1]

Năm 2015, một nghiên cứu đã tổng hợp kết quả từ nhiều thử nghiệm khác nhau về tính hiệu quả của rửa mũi trong bệnh lý nhiễm trùng hô hấp trên. Cỡ mẫu là 544 trẻ em và 205 người lớn. Nghiên cứu kết luận rửa mũi giúp cải thiện nghẹt mũi, giảm tái phát triệu chứng, giảm vắng học và giảm dùng thuốc. [2]

Bạn nên áp dụng rửa mũi đầu tiên

Đây là một biện pháp đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả và đặc biệt an toàn. Ngược lại, các thuốc không kê đơn để giảm triệu chứng ở mũi không thực sự hiệu quả. Hơn nữa, những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng cho trẻ.

Ví dụ, nếu trẻ dùng các thuốc gây co mạch dạng xịt để giảm nghẹt mũi quá 3 ngày, trẻ có thể bị hiệu ứng dội.Đây là hiện tượng sau khi dùng thuốc, niêm mạc mũi còn xung huyết và phù nề nhiều hơn so với trước khi dùng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ sơ sinh do ở độ tuổi này trẻ chưa biết thở bằng miệng.

Bạn chỉ nên dùng thuốc không kê đơn để giảm triệu chứng mũi cho trẻ lớn hơn 12 tuổi và triệu chứng không cải thiện với rửa mũi.

Đọc thêm: Trẻ bị cảm lạnh nên làm gì – Hướng dẫn đầy đủ cho cha mẹ

Tác dụng phụ và chống chỉ định

Biện pháp này khá an toàn, không có biến chứng nghiêm trọng nào được báo cáo ở trẻ em. Các tác dụng phụ thường gặp là lo lắng, hoảng sợ trong những lần rửa mũi đầu tiên. Rát mũi, ù tai và chảy máu mũi hiếm khi xảy ra.

Nếu trẻ bị các vấn đề trên, bạn không nên ngừng rửa mũi. Việc cần làm là điều chỉnh lại cách thực hiện và nồng độ nước muối.

Chống chỉ định của rửa mũi gồm:

  • Chấn thương, biến dạng, dị tật bẩm sinh ở vùng đầu mặt cổ.
  • Trẻ lơ mơ, hôn mê, có nguy cơ hít sặc.
  • Trẻ gặp các bệnh lý thần kinh cơ.
  1. Slapak I, Skoupá J, Strnad P, Horník P. Efficacy of isotonic nasal wash (seawater) in the treatment and prevention of rhinitis in children. Arch Otolaryngol Head Neck Surg. 2008;134(1):67–74
  2. Saline nasal irrigation for acute upper respiratory tract infections.King D, Mitchell B, Williams CP, Spurling GK Cochrane Database Syst Rev. 2015
  3. https://www.uptodate.com/contents/the-common-cold-in-children-management-and-prevention?source=history_widget
  4. https://www.aafp.org/afp/2009/1115/p1117.html#sec-1
  5. https://www.webmd.com/allergies/ss/slideshow-allergies-severe-symptoms