Dị ứng sữa bò – Cha mẹ cần làm gì

Con bị dị ứng sữa bò và bạn không biết phải xử trí như thế nào. Liệu có cần tránh dùng sữa bò lâu dài hay không? Nếu không dùng sữa thì trẻ cần ăn những thực phẩm nào? Bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để chăm sóc trẻ dị ứng đạm sữa bò một cách tối ưu nhất.

Key takeaways

  • Hầu hết trẻ dị ứng đạm sữa bò sẽ thuyên giảm vào trước năm 3 tuổi.
  • Trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể bị sốc phản vệ khi tiếp xúc với sữa, đe doạ tính mạng chỉ trong vài phút.
  • Một chế độ ăn đa dạng thực phẩm sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho con khi không uống sữa.
  • Bạn nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia để đánh giá mức độ dị ứng và xác định xem trẻ có thể dùng sữa lại được chưa.

Dị ứng đạm sữa bò có kéo dài mãi mãi không

Tin tốt là hầu hết trẻ dị ứng sẽ dung nạp được sữa bò vào trước năm 3 tuổi. Dung nạp có nghĩa là trẻ dùng sữa và các sản phẩm khác từ sữa bò mà không bị ốm.

Dị ứng đạm sữa bò có thể thành 2 loại:

  • Biểu hiện triệu chứng ngay lập tức: Trẻ bị phản vệ ngay khi dùng sữa bò. Trẻ thuộc thể bệnh này sẽ mất nhiều thời gian hơn để dung nạp được đạm sữa bò.
  • Dị ứng trì hoãn: Trẻ bị rối loạn tiêu hoá nhiều giờ đến nhiều ngày sau khi dùng sữa bò. Trẻ thuộc thể bệnh này sẽ hết bệnh sớm hơn.
  • Tìm hiểu thêm về triệu chứng dị ứng đạm sữa bò.

Một số trẻ phải đến tuổi vị thành niên mới hết dị ứng. Và rất hiếm trường hợp dị ứng đạm sữa bò kéo dài.

Nếu trẻ dị ứng kéo dài, một số hậu quả có thể xảy ra như:

  • Trẻ dễ bị sốc phản vệ khi dùng sữa bò.
  • Trẻ nôn ói, tiêu chảy nhiều gây mất nước, ăn uống kém và chậm tăng cân.
  • Trong một số trường hợp, dị ứng đạm sữa có thể dẫn đến nhiều bệnh khác như chàm da, hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng.

Tránh dùng các sản phẩm có chứa sữa

Việc quan trọng và đầu tiên cần làm là tránh cho trẻ dùng các sản phẩm có chứa sữa bò. Đây là một việc đầy thách thức:

  • Sữa bò là nguồn cung cấp chất béo, protein, vitamin D và canxi quan trọng cho trẻ.
  • Sữa bò là thành phần chính của sữa công thức và đây là lựa chọn thay thế tốt nhất cho sữa mẹ. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng sữa công thức, các bác sĩ sẽ cho trẻ dùng sữa thuỷ phân để giảm dị ứng.
  • Sữa bò được dùng để chế biến nhiều món ăn như kem, pho mát, sữa chua, bánh kẹo, thức uống. Và trong nhiều trường hợp, bạn hoàn toàn không biết có sữa trong thức ăn.
  • Trẻ dị ứng đạm sữa bò vẫn có thể dị ứng với sữa từ các loài động vật khác như sữa dê, cừu, trâu.

Sau đây là một số cách phòng tránh:

  • Nếu bạn đang cho con bú mẹ, bạn cần tránh ăn thịt bò và dùng các sản phẩm làm từ sữa bò. Đạm từ bò có thể có trong sữa mẹ khiến con dị ứng.
  • Nếu bạn đang cho con dùng sữa công thức, hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn về việc dùng sữa thuỷ phân giảm dị ứng.
  • Hãy dạy trẻ cách nhận biết liệu thực phẩm có chứa sữa hay không và tránh xa.
  • Đọc kỹ nhãn thành phần trên bao bì để xác định nguyên liệu từ sữa bò.
  • Tránh các địa điểm phục vụ thức ăn chung (nhà hàng, cantin, quầy thức ăn). Tại đó, một thực phẩm an toàn có thể bị nhiễm chéo sữa bò và gây dị ứng.

Đừng xem thường việc tránh dùng sữa bò. Chỉ một lượng sữa nhỏ cũng có thể khiến trẻ dị ứng. Đặc biệt hơn, nếu trẻ bị phản vệ với sữa bò, tính mạng của con có thể bị đe doạ nếu không được xử trí sớm.

Chế độ ăn thay thế sữa

Bạn không cần phải lo lắng khi trẻ không uống được sữa. Các chất dinh dưỡng trong sữa vẫn có trong nhiều loại thực phẩm khác:

  • Protein: thịt, cá, trứng, các loại hạt, đậu phụ.
  • Chất béo: thịt, các loại hạt và dầu thực vật.
  • Canxi: bạn có thể chọn mua các thực phẩm có nhãn “được bổ sung canxi” như đậu phụ, nước trái cây hoặc sữa thực vật.
  • Vitamin D: dầu cá, cá béo, các loại bơ thực vật được bổ sung thêm vitamin D.
  • Vitamin A: gan, lòng đỏ trứng hoặc các loại củ có màu xanh đậm, màu cam.

Nếu trẻ không uống được sữa bò thì một chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho con.

Đọc thêm: Sữa thuỷ phân giảm dị ứng – Bạn cần biết những gì

Đọc thêm: Vitamin là gì và tại sao trẻ cần vitamin

Theo dõi và cho dùng sữa trở lại

Theo các nghiên cứu, hầu hết trẻ dị ứng đạm sữa bò sẽ thuyên giảm vào trước năm 3 tuổi. Do đó, trẻ vẫn có thể tiếp tục dùng sữa trong tương lai.

Những việc bạn cần làm là:

  • Theo dõi các phản ứng của con khi vô tình tiếp xúc với sữa bò. Nếu độ nặng của phản ứng ngày càng giảm thì cơ hội trẻ hoàn toàn khỏi bệnh là rất cao.
  • Trẻ không uống được sữa tươi nhưng có thể dùng thực phẩm từ sữa đã qua nấu chín. Nhiệt độ khiến protein sữa bò giảm tính dị ứng. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận khi cho con ăn những thực phẩm như vậy.
  • Nhận biết các dấu hiệu của phản vệ để xử trí và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
  • Đưa trẻ đến gặp chuyên gia dị ứng – miễn dịch trẻ em. Họ sẽ thực hiện thử thách thức ăn (food challenge). Trong bài kiểm tra này, trẻ được cho ăn thực phẩm làm từ sữa và theo dõi mức độ dị ứng. Việc thử ăn thực phẩm từ sữa cần được bác sĩ giám sát để đảm bảo an toàn. Nếu phản ứng nặng xảy ra, các bác sĩ sẽ xử trí kịp thời.
  • Đọc thêm: Trẻ cần uống bao nhiêu sữa một ngày.