Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em

Con được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và bạn đang lo lắng không biết bệnh sẽ được điều trị như thế nào. Đặc biệt hơn, bác sĩ còn cho biết bệnh gây ra do rối loạn ở não bộ. Hãy tham khảo bài viết này để có một cái nhìn đúng về cách điều trị ADHD nhé.

Thuật ngữ: Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder) – ADHD

Những ai sẽ giúp bé điều trị ADHD

Đọc thêm: Rối loạn tăng động giảm chú ý – dễ hiểu cho cha mẹ.

Trước hết, bạn cần hiểu ADHD là một rối loạn tâm thần; do đó, cách điều trị sẽ khá khác so với những bệnh thường gặp:

  • Bệnh được điều trị với sự phối hợp của nhiều chuyên ngành.
  • Phương pháp thay đổi hành vi (không dùng thuốc) là cách điều trị cơ bản.
  • Con không nhất thiết phải dùng thuốc để trị bệnh.
  • Quá trình điều trị sẽ kéo dài và cần nhiều kiên nhẫn.

Con của bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của:

  • Gia đình và những người xung quanh.
  • Giáo viên, bạn bè ở trường.
  • Chuyên gia về phát triển hành vi trẻ em.
  • Bác sĩ thần kinh nhi.
  • Bác sĩ tâm thần.

ADHD khiến trẻ cư xử khác thường (và con hoàn toàn không muốn như vậy). Do đó, sự thấu hiểu và chấp nhận của gia đình – cộng đồng là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị bệnh cho con.

Mục tiêu điều trị là gì

Có mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn biết con cần đạt được những gì trong chặng đường sắp đến:

  • Cải thiện mối quan hệ của trẻ với gia đình, giáo viên và bạn bè (ví dụ: chơi mà không gây hấn, biết nghe lời cha mẹ).
  • Cải thiện kết quả học tập.
  • Cải thiện khả năng tuân thủ các quy định xã hội (ví dụ: không cãi lại giáo viên, không tự ý làm điều mình muốn).

Ngoài ra, có đến 1/3 trẻ ADHD mắc thêm các bệnh khác như: rối loạn học tập chuyên biệt, rối loạn giấc ngủ, lo âu hoặc rối loạn cảm xúc. Và điều trị những bệnh kèm theo này sẽ giúp cải thiện triệu chứng ADHD.

Đọc thêm: Tăng động ở trẻ em có phải là một bệnh.

Bệnh có cần dùng thuốc hay không

Tuỳ vào đặc điểm bệnh ADHD của từng trẻ mà bác sĩ sẽ xem xét có dùng thuốc hay không.

Ví dụ, nếu trẻ chưa đi học (dưới 6 tuổi), bác sĩ sẽ cho trẻ dùng phương pháp thay đổi hành vi. Nếu con lớn hơn 6 tuổi, bác sĩ sẽ xem xét phối hợp thêm thuốc.

Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng:

  • Phương pháp thay đổi hành vi là quan trọng nhất, luôn cần thiết dù con có dùng thuốc hay không.
  • Không có một loại thuốc nào chỉ cần uống vào là trẻ khỏi bệnh.
  • Phần lớn thuốc sẽ ảnh hưởng lên hoạt động của trí não, khiến trẻ có nguy cơ bị tác dụng phụ.

Phương pháp thay đổi hành vi là gì

Một cách đơn giản, phương pháp thay đổi hành vi (Behavioral intervention) là các bài tập nhằm uốn nắn hành vi của trẻ.

Bác sĩ, cha mẹ sẽ quan sát và tìm hiểu căn nguyên các hành vi của con. Từ đó thiết kế các bài tập nhằm thay đổi căn nguyên và hành vi. Để áp dụng phương pháp thành công cần có các yếu tố như:

  • Cha mẹ hiểu về bản chất của phương pháp thay đổi hành vi.
  • Quá trình thực hiện được hướng dẫn bởi chuyên gia nhi khoa.
  • Phương pháp được áp dụng đều đặn, cố định trong thời gian dài (thường là 7 – 12 tuần).

Tôi có thể hỗ trợ cho trẻ tại nhà như thế nào

Sau đây là một số gợi ý để cha mẹ và giáo viên có thể áp dụng để hỗ trợ cho con:

  • Duy trì lịch sinh hoạt hàng ngày của trẻ một cách điều độ.
  • Giảm thiểu các yếu tố gây xao nhãng, mất tập trung.
  • Tạo cho con thói quen giữ đồ chơi, quần áo, dụng cụ học tập đúng nơi đúng chỗ.
  • Chia nhỏ yêu cầu thành các bước dễ hiểu, dễ thực hiện.
  • Hãy thưởng cho trẻ khi con có hành vi tốt.
  • Tập cho trẻ dùng bảng và checklist để giúp con biết mình đã hoàn thành công việc hay chưa.
  • Yêu cầu con viết ra những việc cần làm.
  • Giới hạn các lựa chọn của trẻ, quá nhiều lựa chọn dễ làm con mất tập trung.

Lời kết

Hy vọng bài viết có thể giúp bạn biết mình cần phải làm gì trong chặng đường sắp đến. Một tầm nhìn rõ ràng về tương lai của con và gia đình sẽ giúp bạn vững bước. Hãy luôn nhớ rằng, thấu hiểu và động viên là nền tảng của toàn bộ quá trình.