Sử dụng thuốc ho ở trẻ em – Khuyến cáo từ WHO

Cảm lạnh là một bệnh lý rất phổ biến ở trẻ em. Bệnh thường tự khỏi, do đó điều trị cảm lạnh chủ yếu là theo dõi và chờ đợi. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn dành nhiều tiền cho các thuốc điều trị ho, sốt và chảy mũi. Vậy bạn đã hiểu rõ về các loại thuốc điều trị cảm lạnh? Hãy cùng tìm hiểu xem WHO nói gì về vấn đề này nhé!

Những sự thật về bệnh cảm lạnh

Triệu chứng

  • Đây là một bệnh lý cực kỳ phổ biến. Mỗi trẻ có thể mắc 6 – 8 đợt cảm lạnh mỗi năm.
  • Cúm và cảm lạnh (common cold) là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau.
  • Cảm lạnh sẽ tự thuyên giảm mà không cần điều trị gì. Thời gian mắc bệnh trung bình là 7 – 10 ngày ở trẻ em.
  • Chìa khoá để nhận biết bệnh cảm lạnh là triệu chứng ở mũi rất nổi bật. Trẻ thường sốt nhẹ, sổ mũi, nghẹt mũi. Các triệu chứng khác là ho đàm, mệt mỏi, biếng ăn.

Điều trị

  • Bệnh cảm lạnh không có thuốc điều trị – Nghe thật lạ phải không! Các bệnh do vi khuẩn như viêm phổi, viêm tai giữa có thể điều trị bằng kháng sinh. Ngược lại, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh cảm lạnh.
  • Chờ đợi cảm lạnh qua đi cũng là một phần của quá trình điều trị.
  • Các thuốc chúng ta sử dụng khi bị cảm chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng: giảm ho, hạ sốt, giảm đau, giảm nghẹt mũi.
  • Phần lớn các thuốc giảm triệu chứng không thực sự hiệu quả và có nguy cơ gây tác dụng phụ cho trẻ.

…While it is clear that we are unable to cure the common cold, it is unclear how much we can really relieve the symptoms without risking toxicity… (WHO)

Các thuốc điều trị cảm lạnh

Các thuốc giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh rất đa dạng, bao gồm các nhóm thuốc sau:

  1. Giảm ho.
  2. Long đàm.
  3. Giảm triệu chứng mũi (nghẹt mũi, sổ mũi).
  4. Hạ sốt.

Vậy một thuốc điều trị cảm lạnh tốt cần có đặc điểm gì? Thuốc giúp giảm triệu chứng hiệu quả mà không gây tác dụng phụ đáng kể cho trẻ nhỏ. Đặc biệt, thuốc không làm che mờ triệu chứng dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Thuốc giảm ho

Bài viết bạn có thể quan tâm: Thuốc ho cho trẻ em – nên hay không nên

Ho là một phản xạ sinh lý bình thường của cơ thể. Ho giúp tống xuất các chất gây hại ra ngoài, giữ cho đường dẫn khí được sạch sẽ và thông suốt. Do đó, nhân viên y tế và cha mẹ không nên có thái độ tiêu cực với ho.

Bạn cần biết rất hiếm khi trẻ kiệt sức, nôn ói nhiều hoặc mất ngủ do ho. Thuốc giảm ho chỉ nên dùng nếu ho gây biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt ban ngày và giấc ngủ của trẻ.

Codein

Cơ chế tác dụng

Đây là một dược chất giảm ho phổ biến. Codein có cấu trúc hoá học giống morphine – một chất gây nghiện. Sau khi vào cơ thể, codein tác động lên trung khu ho ở hành não gây giảm phản xạ ho. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng giảm đau, an thần.

Tác dụng phụ

Thuốc chuyển hoá tại gan nhưng chức năng gan của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện. Do đó, trẻ có thể bị ngộ độc thuốc. Ngộ độc liều cao gây mất ngủ, rối loạn vận động và phù da niêm. Biến chứng nặng nề nhất là suy hô hấp. Sử dụng codein kéo dài có thể dẫn đến nghiện thuốc.

Hiệu quả

Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học đủ thuyết phục chứng minh hiệu quả của codein trong giảm ho ở trẻ em.

Khuyến cáo

FDA và WHO đều khuyến cáo không được sử dụng codein (hoặc thuốc ho có chứa codein) cho trẻ dưới 12 tuổi.

trẻ bị cảm lạnh nên làm gì

Codein đơn chất

Điều trị cảm lạnh

Codein phối hợp với paracetamol, do đó bạn nên đọc kỹ thành phần để tránh trùng lắp dược chất

Dextromethorphan

Cơ chế tác dụng

Thuốc hoạt động tương tự như codein nhưng không gây giảm đau và an thần. Bên cạnh đó, dextromethorphan cũng an toàn hơn so với codein.

Tác dụng phụ

Nhìn chung khả năng gây độc của dextromethorphan khá thấp. Các tác dụng phụ thường gặp là rối loạn tiêu hoá và chóng mặt. Ngộ độc ở liều cao trẻ có thể rối loạn vận động, lơ mơ, suy hô hấp.

Hiệu quả

3 nghiên cứu ở trẻ em cho kết luận trái ngược nhau. Một nghiên cứu với dextromethorphan đơn chất khẳng định thuốc không có hiệu quả giảm ho. Hai nghiên cứu khác sử dụng dextromethorphan phối hợp với các chất khác cho thấy thuốc có hiệu quả.

Khuyến cáo

Dextromethorphan ít gây các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, các nghiên cứu không thể khẳng định chắc chắn về hiệu quả của thuốc. WHO khuyến cáo thuốc có thể sử dụng trong những trường hợp ho kéo dài, nặng nề, ảnh hưởng đến ăn uống và giấc ngủ của trẻ.

Thuốc kháng histamine

Cơ chế tác dụng

Thuốc ức chế thụ thể histamine; giúp giảm tiết chất nhầy đường hô hấp, giảm dị ứng, giảm nôn ói và an thần. Loại dược chất này thường được thêm vào các thuốc điều trị ho và cảm lạnh nhằm giúp giảm chảy mũi và nghẹt mũi.

Tuy nhiên, bạn cần biết thuốc kháng histamine không có tác động trực tiếp giúp giảm ho.

Tác dụng phụ

Thuốc làm khô chất tiết đường hô hấp. Khi chất tiết khô lại, đàm trở nên đặc hơn và khó tống xuất ra ngoài. Do đó, kháng histamine không nên dùng cho trẻ bị ho do hen hoặc viêm tiểu phế quản.

Ngoài ra, kháng histamine còn gây tác dụng phụ ở hệ thần kinh trung ương như: bứt rứt, quấy khóc, mất ngủ, co giật. Promethazine là một loại kháng histamine khiến trẻ ngưng thở khi ngủ, gây gia tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Khuyến cáo

Kháng histamine không trực tiếp giảm ho, không có bằng chứng khoa học ủng hộ và gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, loại thuốc này không nên dùng để điều trị ho ở trẻ em.

Siro ho

Cơ chế tác dụng

Thuốc bao phủ và làm dịu niêm mạc hầu họng đang bị kích thích do đó giúp giảm ho. Các siro ho chứa rất nhiều đường, vị ngọt của đường kích thích tiết nước bọt làm dịu các thụ thể ho.

Tác dụng phụ

Nhìn chung siro ho rẻ tiền và khá an toàn. Một số loại siro có chứa đến 40% cồn – tương tự độ cồn của rượu mạnh. Bệnh cạnh đó, siro cũng chứa hàm lượng đường cao. Trẻ dùng nhiều siro ho sẽ chán ăn hoặc không muốn bú mẹ.

Hiệu quả

Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu đối chứng nào đánh giá hiệu quả của các loại siro ho.

Khuyến cáo

Siro ho phổ biến, rẻ tiền và an toàn. Bạn nên đọc kĩ thành phần và chỉ dùng các loại không chứa cồn. Bạn không nên dùng siro ho cho trẻ còn bú mẹ, nồng độ đường cao khiến trẻ giảm bú mẹ.

thuốc ho cho trẻ

Siro ho pospan có chiết xuất từ lá thường xuân

Điều trị cảm lạnh

Ho astex sản xuất tại Việt Nam, có nguồn gốc từ lá tần dày, núc nác, cineol

World Health Organization. (‎2001)‎. Cough and cold remedies for the treatment of acute respiratory infections in young children. World Health Organization.

https://apps.who.int/iris/handle/10665/66856