Điều trị trào ngược cho trẻ – Hỏi đáp ngắn
Trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân cho nhiều lo lắng của cha mẹ như con thường ọc ói sau bú, chậm tăng cân, ngủ không ngon giấc hoặc thậm chí co giật. Bạn đưa con đi khám và nghe về trào ngược dạ dày thực quản. Vậy điều trị trào ngược cho trẻ như thế nào và chăm sóc con sao cho đúng cách. Cùng tìm hiểu trong chuyên mục hỏi đáp sau nhé!
Key takeaways
- Trào ngược dạ dày thực quản rất thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng thường không gây hại.
- Trào ngược sẽ giảm dần sau 6 tháng và chấm dứt khi bé được 12 – 18 tháng tuổi.
- Thay đổi lối sống và cách chăm sóc trẻ nên được áp dụng đầu tiên trước khi dùng thuốc.
- Không phải trường hợp trào ngược dạ dày thực quản nào cũng cần uống thuốc ức chế tiết axit dạ dày.
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Đây là tình trạng dịch dạ dày đi ngược lên thực quản thay vì tiếp tục xuống ruột non. Hiện tượng này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 2 đến 6 tháng tuổi và trong phần lớn trường hợp không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bé (1).
Trào ngược dạ dày thực quản có biểu hiện ra sao?
Dòng trào ngược có thể diễn ra âm thầm không thể nhận biết hoặc đi kèm một số triệu chứng. Biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ nhỏ là ọc sữa sau bú và ở trẻ lớn là đau rát thượng vị (2).
Bạn cần lưu ý dòng trào ngược vẫn có thể xảy ra dù trẻ không có biểu hiện gì.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản ở bài viết: Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em – bình thường hay bất thường.
Trào ngược có thể gây hại trẻ không?
Thông thường, dòng trào ngược không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ. Tuy nhiên, nếu trào ngược diễn ra quá thường xuyên có thể gây một số vấn đề như:
- Ọc ói nhiều, khó nuôi ăn gây chậm tăng cân.
- Bé quấy khóc khó chịu, ngủ không ngon giấc.
- Trào ngược có thể gây viêm phổi, khò khè tái phát nhiều lần.
- Một số trẻ cong người, nắm chặt tay khi dòng trào ngược xảy ra dễ bị lầm với trẻ co giật.
Dòng trào ngược ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bé được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Có cần điều trị trào ngược cho trẻ không?
Dòng trào ngược gây biểu hiện đơn thuần, không ảnh hưởng xấu đến trẻ thì không cần điều trị.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì cần điều trị bằng thay đổi cách chăm sóc trẻ hoặc dùng thuốc.
Như thế nào là trào ngược ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ?
Lấy ví dụ trường hợp trẻ nhỏ thường ọc sữa (nôn trớ) sau bú do trào ngược dạ dày thực quản, nếu trẻ:
- Vẫn trông vui vẻ.
- Không quấy khóc quá nhiều.
- Thức ngủ bình thường.
- Ăn bú tốt.
- Tăng cân đều đặn.
Thì trào ngược là lành tính, không gây hại cho trẻ. Ngược lại, nếu trào ngược khiến trẻ ăn bú kém, chậm tăng cân, quấy khóc nhiều, ngủ không ngon giấc thì được coi là ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con (3).
Khi nào thì trào ngược chấm dứt?
Sau 6 tháng tuổi, hiện tượng trào ngược sẽ giảm dần và chấm dứt lúc trẻ được 12 – 18 tháng tuổi (4).
Nếu sau 18 – 24 tháng tuổi mà trẻ vẫn ọc ói, trào ngược; bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được đánh giá chính xác.
Có những cách điều trị trào ngược cho trẻ nào?
Nhìn chung có hai cách chính (1).
Thay đổi cách chăm sóc trẻ
- Cho con ăn bú đúng cách.
- Áp dụng chế độ ăn đặc hơn.
- Thay đổi tư thế.
- Dùng sữa thuỷ phân giảm dị ứng.
- Tránh tiếp xúc với khó thuốc lá.
- Và một số thay đổi lối sống đối với trẻ lớn.
Dùng thuốc điều trị, chủ yếu là thuốc ức chế tiết axit dạ dày.
Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về cách cho bú, làm đặc thức ăn và dùng sữa thuỷ phân để giảm trào ngược ở các bài viết: Mách bạn cách giảm nôn trớ cho trẻ chuẩn khoa học.
Có nên cho trẻ nằm đầu cao để chống trào ngược không?
Bạn có thể được khuyên cho con nằm đầu cao để điều trị trào ngược cho trẻ, thậm chí trên thị trường có bán loại đệm chống trào ngược. Tuy nhiên, có một số điều bạn cần biết (1):
- Tư thế nằm nâng đầu cao 40 độ hoặc nghiêng trái có thể giúp giảm trào ngược ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các chứng cứ khoa học không hoàn toàn ủng hộ.
- Ngược lại, nằm đầu cao hoặc nghiêng bên có thể khiến trẻ thay đổi tư thế khi ngủ, làm bé không thở được và gia tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
- Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, tư thế ngủ an toàn nhất là nằm trên một mặt phẳng chắc chắn, bất kể trẻ có trào ngược nhiều hay không.
- Tư thế đầu cao hoặc nghiêng trái có thể áp dụng cho trẻ lớn hơn 1 tuổi để giảm trào ngược.
Cần lưu ý gì khi dùng thuốc cho con?
Không phải tất cả trường hợp trào điều trị trào ngược cho trẻ đều cần dùng thuốc. Bác sĩ sẽ là người đánh giá và tư vấn việc dùng thuốc cho trẻ, bạn không nên tự mua thuốc ức chế tiết axit dạ dày cho con uống.
Thay đổi lối sống như thế nào để giảm trào ngược?
Đối với bé dưới 1 tuổi, bạn có thể áp dụng một số thay đổi trong cách chăm sóc để điều trị trào ngược cho trẻ như:
- Cho con ăn bú đúng cách.
- Áp dụng chế độ ăn đặc hơn.
- Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng trong vòng 30 phút sau ăn bú.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Đối với trẻ lớn, bạn có thể hướng dẫn con thay đổi lối sống như:
- Giảm cân đối với trẻ thừa cân, béo phì.
- Nằm đầu cao hoặc nghiêng bên khi ngủ.
- Tránh các loại thức ăn gây triệu chứng trào ngược như chocolate, thức uống có chứa caffein, thức ăn có tính axit cao hoặc nhiều chất béo.
- Tránh nằm ngay sau ăn.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Trong phần lớn trường hợp, thay đổi lối sống và cách chăm sóc trẻ luôn là biện pháp được áp dụng đầu tiên, cho cả trào ngược đơn thuần và trào ngược gây bệnh.
Nếu trẻ vẫn không cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp trên đúng cách. Bác sĩ có thể xem xét cho bé dùng sữa thuỷ phân giảm dị ứng (với trẻ nhỏ) hoặc thuốc ức chế tiết axit dạ dày (với trẻ lớn) (1).
Lời kết
Trào ngược dạ dày thực quản thoạt nghe tưởng lạ nhưng lại khá gần gũi với cuộc sống hàng ngày của bé. Các vấn đề về ăn uống, ngủ nghỉ, tăng trưởng thể chất đều có thể liên quan đến trào ngược. Hy vọng sau bài viết bạn đã hiểu hơn về bản chất lành tính của trào ngược ở trẻ em để yên tâm hơn và biết chăm sóc con đúng cách.
- Pediatric Gastroesophageal Reflux Clinical Practice Guidelines: Joint Recommendations of the North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition (NASPGHAN) and the European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition (ESPGHAN) – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5958910/
- Gastroesophageal reflux in infants – https://www.uptodate.com/contents/gastroesophageal-reflux-in-infants?search=gerd&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1#H5
- Gastroesophageal reflux: management guidance for the pediatrician – https://publications.aap.org/pediatrics/article/131/5/e1684/31266/Gastroesophageal-Reflux-Management-Guidance-for
- Prevalence and natural history of gastroesophageal reflux: pediatric prospective survey – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19255002/