Giấc ngủ của trẻ sơ sinh – Bạn có hiểu đúng

Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Để giúp con có giấc ngủ ngon, trước hết bạn cần hiểu rõ về các đặc điểm giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Hãy cùng tham khảo bài viết nhé!

Key takeaways

  • Đến ít nhất 6 tháng tuổi trẻ mới có thể ngủ ngon về ban đêm.
  • Nếu bạn muốn tập thói quen đi ngủ cho con, hãy đợi đến sau 3 tháng tuổi. Sau thời điểm này trẻ mới hình thành đồng hồ sinh học.
  • Trẻ thường thức giấc 5 – 7 lần vào ban đêm, nhưng phần lớn sẽ ngủ lại nếu chúng thấy xung quanh không có gì thay đổi.

Thời gian ngủ của trẻ

Thời gian ngủ sẽ thay đổi dần khi trẻ lớn lên.

Trẻ 1 tuần tuổi

Trong giai đoạn này trẻ ngủ rất nhiều và gần như chỉ thức dậy khi cần bú. Khoảng cách giữa các lần bú là mỗi 2 – 3 giờ. Chu kỳ thức ngủ của trẻ là chu kỳ cho bú mẹ.

Trẻ 1 – 2 tháng tuổi

Ở độ tuổi này, trẻ sẽ ngủ 16 – 18 tiếng một ngày và hầu hết trẻ vẫn chưa thể ngủ suốt đêm. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận thấy trẻ thức nhiều hơn vào ban ngày và giấc ngủ vào ban đêm ít bị gián đoạn hơn.

Trẻ 6 tháng tuổi

Khi được 6 tháng tuổi, trẻ có thể ngủ ngon suốt đêm và ngủ thêm 2 – 3 giấc vào ban ngày. Tuy nhiên, vẫn không có gì bất thường nếu giấc ngủ ban đêm bị gián đoạn.

Từ 6 tháng tuổi trở đi

Hầu hết trẻ sẽ ngủ ngon suốt đêm. Một số trẻ có thể trải qua giai đoạn thoái lui giấc ngủ nhẹ vào lúc 11 – 12 tháng, lúc này trẻ thường thức giấc về đêm nhiều hơn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự tăng trưởng vượt bậc của trẻ.

Như vậy, ít nhất phải 6 tháng tuổi trẻ mới có thể ngủ ngon vào ban đêm, vì sau thời điểm này trẻ mới hình thành đồng hồ sinh học.

Đọc thêm: Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh kéo dài bao lâu.

Phát triển đồng hồ sinh học ở trẻ sơ sinh

Đồng hồ sinh học là gì

Đồng hồ sinh học hay còn gọi là nhịp sinh học. Đây là yếu tố quyết định lúc nào bạn thức giấc hoặc cảm thấy buồn ngủ.

Bao giờ trẻ phát triển đồng hồ sinh học

Thông thường là vào 10 đến 12 tuần tuổi trẻ sẽ phát triển đồng hồ sinh học, điều này rất quan trọng để trẻ có thể thức – ngủ vào giờ cố định. Do đó, trước khoảng thời gian này:

  • Bạn không thể trông mong con ngủ đúng giờ như bạn muốn.
  • Các cố gắng để tập thói quen thức ngủ cho con thường thất bại.
  • Đặc biệt, trong giai đoạn hình thành đồng hồ sinh học bạn không nên để ánh sáng và tiếng ồn làm trẻ thức giấc.

Hỗ trợ hình thành đồng hồ sinh học

Đồng hồ sinh học được thiết lập dựa trên nhiều yếu tố:

  • Ánh sáng, bóng tối.
  • Sữa và thức ăn.
  • Nhiệt độ, tiếng ồn.

Vậy bạn có thể làm gì để hỗ trợ cho con? Thời gian ngủ được thiết lập dựa trên bóng tối, tĩnh lặng và cường độ hoạt động thấp. Do đó, hãy tránh ánh sáng nhân tạo, tivi, âm thanh lớn và chơi đùa trước khi cho con ngủ. Ngoài ra, bạn nên cho con ăn và ngủ đúng giờ vào ban ngày để góp phần điều chỉnh giấc ngủ vào ban đêm.

Tại sao trẻ thường thức giấc về đêm

Chu kỳ ngủ có lẽ là một khái niệm mới đối với bạn. Trong thực tế, một giấc ngủ dài của con người được chia thành các khoảng nhỏ. Mỗi khoảng như vậy được gọi là một chu kỳ ngủ (sleep cycles).

Trong 3 năm đầu đời, mỗi chu kỳ ngủ kéo dài 60 phút. Khi được 5 tuổi, thời gian của một chu kỳ ngủ là 90 phút. Có hai loại chu kỳ ngủ ở trẻ em: chu kỳ “hoạt động” và “yên lặng”. Hai loại chu kỳ này sẽ chuyển tiếp nhau luân phiên trong suốt thời gian ngủ.

Và chính tại đây những điểm chuyển tiếp này trẻ có thể thức giấc, thường là vào các thời điểm 11pm, 2am, 3am, 6am.

Trong chu kỳ ngủ “hoạt động”, trẻ có nhiều hành động như bú, cười, lăn, di chuyển tay chân. Ngược lại, trong chu kỳ “yên lặng” trẻ thường nằm yên và thở đều.

  1. Iglowstein, I., Jenni, O. G., Molinari, L., & Largo, R. H. (2003). Sleep duration from infancy to adolescence: Reference values and generational trends. Pediatrics, 111(2), 302.
  2. https://www.practicalresearchparenting.com/2014/03/29/baby-sleep-routine/
  3. https://www.nhs.uk/conditions/baby/caring-for-a-newborn/helping-your-baby-to-sleep/