Hăm tã ở trẻ nhỏ – Tất cả những gì bạn cần biết

Hăm tã là từ thường dùng để chỉ tình trạng viêm da ở vùng mang tã. Tình trạng này rất thường gặp, chiếm từ 16 – 65% trẻ dưới 2 tuổi. Hiểu rõ về hăm tã ở trẻ nhỏ sẽ giúp bạn biết cách phòng tránh và chăm sóc cho con tốt hơn.

Key takeaways

  • Hăm tã ở trẻ nhỏ gây ra do vùng da mang tã không được khô ráo hoặc cọ sát quá nhiều.
  • Hăm tã có thể nhiễm khuẩn, gây nguy hiểm cho sức khoẻ của con.
  • Hãy đưa con đến gặp bác sĩ nếu con lần đầu hăm tã hoặc có dấu hiệu nhiễm khuẩn.

Nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ nhỏ

Có nhiều yếu tố góp phần gây nên tình trạng hăm tã ở trẻ nhỏ. Ví dụ như vùng da mang tã quá ẩm ướt, bị cọ sát nhiều hoặc tăng pH sẽ khiến da dễ bị bong tróc và tổn thương. Cụ thể hơn nhé:

  • Trẻ bị tiêu chảy, lượng phân tống xuất ra quá nhiều.
  • Con không được thay tã thường xuyên, không được làm vệ sinh sạch sẽ nên vùng mang tã không khô ráo.
  • Tã quá chật cọ sát làm tổn thương da.
  • Mẹ tắm cho con bằng sữa tắm có pH cao, điều này khiến da không thể ức chế vi khuẩn gây hại phát triển.
  • Trẻ dùng kháng sinh gây rối loạn hệ khuẩn đường ruột, tăng nguy cơ tiêu chảy và nhiễm nấm.
  • Trẻ dùng sữa mẹ ít bị hăm tã hơn dùng sữa công thức, có lẽ do bú sữa mẹ khiến phân có độ pH thấp hơn.
  • Đọc thêm: Những điểm đặc biệt về làn da em bé bạn cần biết.

Biểu hiện của hăm tã

Hăm tã thường xuất hiện ở những vùng da cong lên tiếp xúc trực tiếp với tã. Ví dụ như mông, bụng dưới, cơ quan sinh dục, phần đùi trên. Các vùng da gấp nếp thường không bị ảnh hưởng.

Hăm tã ở trẻ nhỏ có ba mức độ:

  • Viêm da nhẹ: bề mặt da có các mụn nước nhỏ rải rác trên nền hồng ban. Trẻ thường khoẻ mạnh và vui vẻ.
  • Viêm da trung bình: vùng hồng ban rộng hơn và liền lạc với nhau, bề mặt da có sự bong tróc nhẹ. Trẻ có thể khó chịu hoặc quấy khóc.
  • Viêm da nặng: vùng hồng ban rất rộng, bề mặt có vết loét, mụn nước hoặc bóng nước to. Trẻ rất đau và quấy khóc suốt ngày.

Thông thường, những vùng viêm da nhẹ – trung bình sẽ hết sau 2 – 3 ngày nếu được điều trị đúng cách. Nếu tình trạng viêm da kéo dài hơn 3 ngày dù đã được điều trị, con có thể bị nhiễm nấm Candida.

hăm tã ở trẻ nhỏ

Đặc điểm của hăm tã là vùng hồng ban với các mụn nước nhỏ

Hăm tã ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không

Bản thân tình trạng hăm tã không nguy hiểm ngoài việc nó khiến bé khó chịu. Tuy nhiên, nếu để lâu quá 3 ngày không điều trị, vùng viêm da có thể bị nhiễm khuẩn:

  • Nhiễm nấm Candida.
  • Nhiễm tụ cầu.
  • Nhiễm phế cầu.
  • Nhiễm virus như HSV.

Tất cả nhiễm khuẩn đều nguy hiểm với trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Viêm da khu trú có thể diễn tiến thành nhiễm trùng huyết đe doạ tính mạng của con.

Làm sao tôi biết vùng hăm tã bị nhiễm khuẩn

Ba đặc điểm chính của hăm tã thông thường là: có dạng hồng ban với mụn nước nhỏ rải rác, xuất hiện ở vùng da tiếp xúc trực tiếp với tã và không ảnh hưởng đến các nếp gấp da.

Ngược lại, vùng da bị nhiễm khuẩn sẽ có các đặc điểm sau:

  • Ban da có màu hồng sáng (dấu hiệu nhiễm phế cầu).
  • Ban da có màu ngả vàng, đóng mài hoặc có mụn mủ (dấu hiệu nhiễm tụ cầu)
  • Ban da không hết sau 3 ngày điều trị (dấu hiệu nhiễm nấm Candida).
hăm tã ở trẻ nhỏ

Vùng da hăm tã giới hạn rất rõ tương ứng với vị trí mang tã

Bác sĩ sẽ làm gì cho con

Bao giờ bạn cần đưa con đến gặp bác sĩ:

  • Nếu đây là lần đầu tiên con hăm tã, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách phòng tránh và điều trị.
  • Các ban đỏ xuất hiện ở bụng, lưng, tay hoặc mặt (hăm tã không xuất hiện ở những vị trí này).
  • Trẻ nhỏ hơn 6 tuần tuổi.
  • Trẻ sốt và có dấu hiệu nhiễm khuẩn vùng hăm tã.

Với chuyên môn của mình, các bác sĩ sẽ giúp bạn:

  • Xác định xem con đang bị hăm tã hay là một bệnh về da khác.
  • Giúp bạn đánh giá việc mang tã cho con. Ví dụ bạn đang dùng loại tã gì, kích cỡ có phù hợp không, bao lâu thay tã một lần, vệ sinh vùng mông sao cho đúng cách.
  • Xác định các yếu tố đi kèm khiến trẻ dễ bị hăm tã như: bệnh dị ứng, tiêu chảy kéo dài, sử dụng kháng sinh (cho cả mẹ và bé).
  • Tư vấn cách điều trị và dùng thuốc.
  • Đọc thêm: Tắm cho bé – Tất cả những gì bạn cần biết.

Việc chẩn đoán hăm tã thường không cần xét nghiệm mà chủ yếu dựa vào quan sát trực tiếp. Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm nếu nghĩ vùng hăm tã bị nhiễm vi khuẩn.

Như vậy bạn đã biết hăm tã là gì và có nguyên nhân do đâu, hãy tiếp tục tìm hiểu cách chăm sóc cho trẻ bị hăm tã tại bài viết sau nhé: Trị hăm tã cho bé đúng cách và khoa học.