- Ho là một phản xạ có lợi để tống xuất chất gây hại ra ngoài, giữ cho đường thở sạch sẽ và thông suốt.
- Phần lớn nguyên nhân gây ho ở trẻ em là các bệnh do nhiễm virus.
- Ho do nhiễm virus thường tự giới hạn mà không cần điều trị thêm.
- Thông thường trẻ sẽ hết ho trong vòng 1 tuần nhưng cũng có thể kéo dài đến 2 – 3 tuần.
- Kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị ho do virus.
Ho là gì
Ho là một phản xạ của đường dẫn khí, nhằm tống xuất các chất gây nguy hiểm ra ngoài. Những chất này có thể từ bên ngoài như khói bụi, dị vật; hoặc từ bên trong cơ thể như đàm nhớt.
Các chất này kích thích lên các thụ thể nằm trong đường dẫn khí, gửi xung thần kinh về não. Cuối cùng, não phát lệnh cho các cơ hô hấp co thắt làm gia tăng nhanh chóng áp lực trong lồng ngực. Áp lực được giải phóng đột ngột tạo thành dòng khí bật ra ngoài nhanh và mạnh. Dòng khí này tạo thành tiếng ho và cuốn theo các chất nguy hiểm ra khỏi đường dẫn khí.
Như vậy, ho là một phản xạ sinh lý có lợi của cơ thể để loại bỏ các chất gây hại và giữ cho đường dẫn khí được sạch sẽ, thông suốt.
Ho gây hại gì
Tuy nhiên, trong các bệnh như viêm phổi, hen, ho gà; các kích thích xuất hiện liên tục khiến trẻ ho nhiều không dứt. Lúc này, ho gây nên các tác hại như:
- Giảm nồng độ oxy trong máu của trẻ, đặc biệt như trong bệnh ho gà.
- Khiến trẻ kiệt sức, mất ngủ, mệt mỏi.
- Trẻ ho nhiều bị chóng mặt, đau đầu, nôn ói, đau ngực.
Những sự thật về ho ở trẻ em
Ho là triệu chứng rất thường gặp
Ho cực kỳ phổ biến ở trẻ em, đặc biệt ở lứa tuổi trước khi đi học. Thống kê cho biết ¾ trẻ từ 0 đến 4 tuổi ho ít nhất một lần mỗi năm. Như vậy, bạn là một trong số rất nhiều cha mẹ đang đau đầu và lo lắng vì con ho.
Ho ở trẻ em thường do nhiễm virus
Phần lớn trẻ ho do nhiễm virus. Những bệnh lý do virus mà bạn có thể đã nghe qua như cảm lạnh, viêm tiểu phế quản, viêm thanh khí phế quản là những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ ho.
Thật may mắn, những nguyên nhân nguy hiểm như viêm phổi, dị vật đường thở, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) thường hiếm gặp. Bên cạnh đó, ho do virus thường lành tính và tự thuyên giảm mà không cần thêm điều trị.
Chẩn đoán nguyên nhân ho thường không rõ ràng
Phần lớn nguyên nhân gây ho thường không thể xác định một cách chính xác. Điều này có nghĩa là bác sĩ sẽ ít khi chẩn đoán con bị ho do một nguyên nhân cụ thể như viêm thanh khí phế quản, ho gà hay viêm phổi.
Nguyên nhân gây ho ở trẻ em
Các nguyên nhân do nhiễm virus
Đây là nhóm nguyên nhân chiếm đa số và thường là lành tính.
- Cảm lạnh thông thường (nguyên nhân phổ biến nhất).
- Viêm phế quản, viêm tiểu phế quản.
- Viêm thanh khí phế quản.
Các nguyên nhân không do nhiễm virus
Những nguyên nhân này ít phổ biến nhưng cũng nguy hiểm hơn.
- Hen.
- Ho gà.
- Viêm phổi.
- Dị vật đường thở.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
Các dấu hiệu nguy hiểm
Việc nhận biết và xử trí các dấu hiệu nguy hiểm là chuyên môn của bác sĩ nhưng bạn cũng có thể làm được. Những kiến thức này sẽ giúp bạn nhận diện sớm nguy cơ và đưa con đến gặp bác sĩ kịp thời.
Khi trẻ ho, bạn hãy để ý các dấu hiệu báo động sau:
- Nhìn trẻ không tươi tỉnh. Những nguyên nhân do nhiễm virus thường KHÔNG khiến sắc diện của trẻ xấu đi. Ngược lại, nhiễm vi khuẩn có thể khiến trẻ trông mệt mỏi, kém tươi tỉnh một cách rõ ràng.
- Trẻ thở nhanh, mệt. Bạn có thể đếm nhịp thở của trẻ trong vòng 1 phút (với điều kiện bé không quấy khóc). Trẻ được coi là thở nhanh khi:
- 0 đến 2 tháng tuổi: thở nhanh hơn 60 lần/phút.
- 2 đến 12 tháng tuổi: thở nhanh hơn 50 lần/phút.
- 1 đến 5 tuổi: thở nhanh hơn 40 lần/phút.
Nếu trẻ thở nhanh hoặc chỉ đơn giản là bạn thấy trẻ thở mệt hơn bình thường, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
- Trẻ sốt cao. Sốt cao có thể là dấu hiệu của nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Nếu kẹp nhiệt độ cho thấy trẻ sốt trên 39 độ C, bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Bao giờ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ
Nếu trẻ chỉ ho mà không kèm thêm các bất thường khác, bạn sẽ không cần đưa trẻ đến bệnh viện.
Đọc thêm: Tiếng ho của trẻ có ý nghĩa gì.
Tuy nhiên, trong những trường hợp sau bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ
- Ho kéo dài hơn 2 tuần mà không đi kèm triệu chứng cảm lạnh.
- Cơn ho ảnh hưởng đến sinh hoạt ban ngày và giấc ngủ của trẻ.
- Ho kèm theo tiếng thở rít khi trẻ hoạt động mạnh.
- Trẻ ho kèm khò khè, đặc biệt là khò khè tái diễn nhiều lần.
Bạn nên đưa con đi cấp cứu ngay nếu
- Trẻ nghẹt thở, ho sặc sụa, đột ngột tím tái do dị vật làm tắc nghẽn đường thở.
- Trẻ ho kèm khó thở, thở nhanh, tím tái.
- Trông trẻ lơ mơ, ngủ gà, khó đánh thức.
Ho sẽ kéo dài bao lâu
Đây là một trong những câu hỏi mà các bậc cha mẹ quan tâm nhất. Tuỳ từng nguyên nhân mà thời gian ho kéo dài khác nhau. Các nghiên cứu đã chỉ ra cả bác sĩ và cha mẹ đều dự kiến thời gian ho ngắn hơn so với thực tế.
Các bác sĩ cho biết 50% trẻ sẽ hết ho sau 10 ngày. Tuy nhiên, vẫn có 10% trẻ ho kéo dài đến 25 ngày.
Như vậy, thông thường ho sẽ hết sau 10 ngày. Nhưng cũng không có gì đáng lo nếu ho kéo dài 2 – 3 tuần.
Sự thật về điều trị ho ở trẻ em
Đọc thêm: Thuốc ho ở trẻ em – Nên hay không nên.
Các cách điều trị theo kinh nghiệm thường không hiệu quả
Bạn sẽ thất vọng khi biết theo các nghiên cứu khoa học, không có một cách điều trị nào có thể giảm ho hiệu quả. Do đó, không có gì ngạc nhiên nếu bạn nghe ai đó khuyên nước cam ấm sẽ giúp trẻ giảm ho nhưng khi áp dụng thì chẳng hiệu quả gì.
Việc của bác sĩ là loại trừ những nguyên nhân nguy hiểm
Khi đưa trẻ đến gặp bác sĩ, họ sẽ khám và hỏi bệnh để loại trừ những nguyên nhân nguy hiểm (đã đề cập ở trên). Sự thật là phần lớn trẻ ho do nhiễm virus và thường tự thuyên giảm. Do đó, đợi chờ và theo dõi cũng là một phần của quá trình điều trị.
Trong phần lớn trường hợp kháng sinh sẽ không có tác dụng
Kháng sinh không giúp điều trị nhiễm virus. Kháng sinh chỉ hiệu quả trong các bệnh do vi khuẩn. Và sự thật virus là nguyên nhân gây ho phổ biến nhất nên hầu hết trường hợp trẻ ho sẽ không cần dùng kháng sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế kháng sinh thường được dùng rất nhiều khi trẻ ho. Một phần nguyên nhân là do các bậc cha mẹ thường hiểu lầm và mốn con uống kháng sinh để giảm ho.
- Worrall, Graham. “Acute cough in children.” Canadian Family Physician vol. 57,3 (2011): 315–318.
- https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/cough
- https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Cough/
- https://www.aaaai.org/tools-for-the-public/conditions-library/allergies/cough-in-children