Hỏi đáp ngắn về bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ
Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua về bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ. Những vùng da viêm nhỏ bé này thường khiến trẻ khó chịu và tái phát nhiều lần. Vậy chàm sữa là gì, có nguyên nhân do đâu và biểu hiện như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời nhé.
Bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ là gì?
Chàm sữa là tên gọi chỉ tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ (atopic dermatitis). Bệnh này cũng có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn.
Viêm da cơ địa là tình trạng da bị viêm có nguyên nhân từ một cơ địa dễ dị ứng (atopy).
Thế nào là cơ địa dễ dị ứng?
Cơ địa dễ dị ứng có nghĩa là hệ miễn dịch của một người hoạt động quá mức khiến cơ thể dễ mắc các bệnh dị ứng như: viêm da cơ địa, hen, viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng thức ăn.
Chàm sữa trông như thế nào?
Chàm sữa điển hình ở trẻ em có các đặc điểm sau:
- Thường xuất hiện ở má, quanh miệng, cằm, da đầu, cổ, thân mình, khuỷu tay, đầu gối.
- Là các mảng hồng ban, trên bề mặt có các mụn nước nhỏ, rỉ dịch. Về lâu dài, da có thể đóng mài và bong tróc.
- Vùng da bị viêm rất ngứa khiến trẻ khó chịu.
- Chàm sữa thường không xuất hiện ở vùng da mang tã.
Bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ và trẻ lớn có giống nhau không?
Biểu hiện viêm da khác nhau theo tuổi và thời gian bị bệnh.
- Ở trẻ nhỏ, viêm da thường rỉ dịch; xuất hiện ở má, da đầu, khuỷu tay, đồi gối.
- Ở trẻ lớn, vùng da bị viêm thường khô và bong tróc. Vị trí thường gặp là quanh mắt, quanh miệng, nếp khuỷu, nếp kheo, bàn tay, bàn chân, mắt cá.
- Da mới viêm thường có màu hồng và rỉ dịch.
- Da đã viêm lâu hoặc tái phát nhiều lần thường khô, có màu trắng hoặc nâu đen.
Trẻ lớn hơn 1 tuổi thì có bị chàm sữa không?
Câu trả lời là có.
Như đã nói ở trên, chàm sữa chỉ là tên gọi khác của viêm da cơ địa. Bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh cho con chủ yếu bằng thăm khám. Trẻ mắc bệnh nếu có các đặc điểm:
- Tình trạng viêm da điển hình của viêm da cơ địa (đã đề cập ở trên).
- Rất ngứa.
- Bệnh thường tái phát và kéo dài.
- Trẻ hoặc người thân mắc các bệnh có liên quan đến dị ứng.
Bệnh chàm sữa có cần làm xét nghiệm để chẩn đoán không?
Thông thường, xét nghiệm không cần thiết để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp biểu hiện bệnh không rõ ràng, các bác sĩ có thể làm thêm xét nghiệm:
- Sinh thiết da.
- Đo nồng độ IgE trong máu.
- Tổng phân tích tế bào máu.
Bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Bệnh không đe doạ tính mạng trong thời gian ngắn, tuy nhiên, có thể gây một số hậu quả như:
- Làm trẻ ngứa, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
- Khiến da dễ nhiễm trùng (nhiễm trùng ở da có thể gây nhiễm trùng huyết đe doạ tính mạng).
- Da bị thay đổi cấu trúc, khó phục hồi nguyên trạng ban đầu.
- Bệnh thường tái phát kéo dài, tốn thời gian và tiền bạc để điều trị.
Chàm sữa có lây lan không?
Chàm sữa gây ra do hoạt động của miễn dịch bị rối loạn, không phải do nhiễm vi khuẩn. Do đó, bệnh này không lây.
Nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ nhỏ là gì?
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh là gì. Có nhiều yếu tố góp phần gây chàm sữa:
- Di truyền: gene tổng hợp protein ở bề mặt da bị đột biến khiến da dễ bị khô, bong tróc và nhiễm khuẩn.
- Môi trường: thời tiết khô lạnh, ít độ ẩm, tắm cho trẻ bằng nước nóng, dùng sữa tắm có độ pH cao…khiến da trẻ bị tổn thương.
- Miễn dịch: hệ miễn dịch mẫn cảm và phản ứng quá mức với các kích thích từ môi trường xung quanh.
Làm sao tôi biết trẻ có dễ bị chàm sữa hay không?
Rất dễ nhận ra, trẻ có nguy cơ bị chàm sữa nếu:
- Bản thân trẻ đang mắc một bệnh dị ứng như dị ứng thức ăn, hen, viêm mũi dị ứng.
- Hoặc, trẻ có người thân mắc các bệnh dị ứng nêu trên.
Yếu tố nào khiến bệnh bùng phát?
Có nhiều yếu tố từ môi trường bên ngoài khiến bệnh bùng phát:
- Hoá chất trong các sản phẩm chăm sóc da, giặt tẩy, chất liệu len từ quần áo.
- Khói bụi từ hoạt động giao thông.
- Khói thuốc lá.
- Mạt nhà.
- Thức ăn gây dị ứng.
Đọc thêm: Dị ứng đạm sữa bò – Dễ hiểu cho cha mẹ.
Một số yếu tố KHÔNG góp phần gây bệnh mà bạn cần biết
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố sau không góp phần gây bệnh (bạn sẽ bất ngờ đấy).
- Nhà đông con.
- Cho bé đi nhà trẻ sớm.
- Nhiễm giun.
- Gia đình có chăn nuôi gia súc.
- Nuôi chó trong nhà (không rõ với nuôi mèo).
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn bệnh chàm sữa. Mời bạn đọc tiếp bài: hỏi đáp ngắn về điều trị chàm sữa ở trẻ em để tìm hiểu cách chăm sóc trẻ bị chàm sữa nhé.
- https://www.nice.org.uk/guidance/cg57/documents/atopic-eczema-in-children-draft-for-consultation2
- https://www.racgp.org.au/afp/2016/may/atopic-dermatitis-in-children
- https://www.nhs.uk/conditions/atopic-eczema/#:~:text=Atopic%20eczema%20(atopic%20dermatitis)%20is,the%20first%20time%20in%20adults.
- https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=atopic-dermatitis-in-children-90-P01675
- https://www.uptodate.com/contents/atopic-dermatitis-eczema-pathogenesis-clinical-manifestations-and-diagnosis?search=atopic%20dermatitis&source=search_result&selectedTitle=2~150&usage_type=default&display_rank=2#H948904556