Hỏi đáp ngắn về điều trị chàm sữa ở trẻ em

Thông tin cần biết: Chàm sữa là từ thường dùng để chỉ bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em (atopic dermatitis).

Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về chàm sữa ở bài viết: Hỏi đáp ngắn về bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ.

Tôi có thể tự điều trị chàm sữa cho con tại nhà được không?

Hoàn toàn được, bạn có thể lên mạng tra cứu thông tin về cách điều trị. Tuy nhiên, đưa con đi khám bệnh vẫn có nhiều ưu điểm, đặc biệt nếu trẻ lần đầu bị chàm sữa. Các bác sĩ sẽ giúp bạn:

  • Xác định chắc chắn đây là chàm sữa, vì nhiều bệnh có biểu hiện tương tự nhưng không phải chàm sữa.
  • Tìm các yếu tố khiến bệnh trở nặng và gợi ý cách hạn chế.
  • Hướng dẫn cho bạn cách tắm và chăm sóc da cho con.
  • Kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc bôi da.
  • Xác định và điều trị nhiễm trùng da nếu có.

Đọc thêm: Những điểm đặc biệt về làn da em bé bạn cần biết.

Tôi cần biết gì về quá trình điều trị chàm sữa cho con?

Hiểu biết của cha mẹ là yếu tố quan trọng để điều trị chàm sữa thành công. Bạn cần biết:

  • Chàm sữa là bệnh viêm da kéo dài, có những đợt tái phát. Không có thuốc uống vào và khỏi bệnh hẳn.
  • Da của trẻ khác với da người lớn và cần chăm sóc đặc biệt.
  • Dùng thuốc bôi da đúng cách, hiểu về tác dụng phụ của thuốc.
  • Nhận biết và phòng tránh các yếu tố khiến bệnh trở nặng.

Bệnh chàm sữa khi nào hết?

Chàm sữa là bệnh viêm da cơ địa kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Trẻ sẽ trải qua các đợt thuyên giảm rồi tái phát bệnh.

Nếu viêm da nhẹ, đợt tái phát có thể tự thuyên giảm. Tuy nhiên, đợt tái phát nặng thường cần dùng thuốc mới hết triệu chứng.

Bệnh có thể diễn tiến kéo dài đến tận tuổi trưởng thành. Bệnh diễn tiến càng lâu, da càng biến đổi nhiều và khó phục hồi.

Theo một nghiên cứu, có ít hơn 5% bệnh nhân vẫn bị viêm da cơ địa sau 20 năm khởi bệnh (1).

Da của trẻ cần được chăm sóc như thế nào?

Da của trẻ rất mỏng, dễ tổn thương, mức độ mất nước qua da cao khiến da dễ bị khô và nhiễm trùng.

Do đó, khi chăm sóc da cho con bạn cần nhẹ tay, giữ cho da không bị khô, tắm đúng cách và chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp với trẻ.

Đọc thêm: Bé bị khô da – Chăm sóc sao cho hiệu quả và an toàn.

Tắm cho trẻ bị chàm da như thế nào?

  • Đọc thêm: Tắm cho bé – Tất cả những gì bạn cần biết.
  • Tắm cho trẻ bị chàm da không quá khác so với tắm cho trẻ bình thường. Bạn nên tắm cho con trong vòng 5 phút và sử dụng dầu tắm để tránh mất nước nước thượng bì.
  • Đặc biệt, dưỡng ẩm cần thoa ngay sau khi tắm, lúc da còn đang ẩm.

Chăm lo quần áo và môi trường xung quanh cần lưu ý gì?

  • Quần áo cần mềm mại, trơn láng, không có các loại sợi gây kích ứng.
  • Không mặc quần áo quá nhiều gây bí hơi. (Đọc thêm: Cách quấn khăn cho bé – Tất cả những gì bạn cần biết)
  • Hạn chế bôi dầu thơm và các loại kem không rõ tác dụng lên da của trẻ.
  • Phòng ốc nên thoáng khí, không quá nóng. Bạn có thể đảm bảo độ ẩm trong phòng bằng máy điều hoà hoặc quạt nước.

Tôi cần bảo vệ con khỏi những gì?

Bạn cần hạn chế tất cả những gì có thể khiến chàm sữa bùng phát hoặc diễn tiến nặng hơn như:

  • Các loại thức ăn khiến trẻ dị ứng.
  • Khói bụi giao thông, khói thuốc lá.
  • Bụi trong nhà.
  • Phấn hoa.
  • Lông chó mèo.
  • Dùng các sản phẩm dưỡng da của người lớn cho trẻ em.

Điều trị chàm sữa cần dùng thuốc gì?

Có hai loại thuốc thường dùng ở trẻ bị chàm sữa, đó là dưỡng ẩm và corticosteroid.

Dưỡng ẩm tạo một lớp bảo vệ, giảm tốc độ mất nước qua da, nhờ đó duy trì độ ẩm da ở mức hợp lý. Da đủ độ ẩm sẽ phục hồi tốt, giảm bong tróc và ít bị nhiễm khuẩn.

Thuốc corticosteroid là chất ức chế miễn dịch. Một trong những yếu tố gây bệnh chàm sữa là sự hoạt động quá mức của hệ miễn dịch.

Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc dưỡng ẩm cho trẻ?

Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn cách sử dụng thuốc. Sau đây là một số lưu ý nhỏ dành cho bạn:

  • Bạn cần bôi dưỡng ẩm cho con ngay sau khi tắm, lúc da còn ẩm.
  • Bôi dưỡng ẩm ít nhất 2 lần/ngày.
  • Bạn không nên dùng dưỡng ẩm là dầu tinh chất (ví dụ như dầu dừa) vì nó làm tăng mất nước qua da.
  • Chất dưỡng ẩm có thành phần là glycerol ít gây kích ứng da hơn so với urea và propylene glycol.
  • Chỉ sử dụng dưỡng ẩm mà không kèm theo corticosteroid sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.

Đọc thêm: Chọn sản phẩm an toàn cho làn da của con.

Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc corticosteroid cho trẻ?

  • Có nhiều loại corticosteroid với độ mạnh khác nhau, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn nên dùng loại nào.
  • Thuốc được dùng 2 lần/ngày, trong 2 -4 tuần.
  • Tác dụng phụ thường gặp là: teo da, mỏng da, dãn mạch, rậm lông.
  • Dùng corticosteroid có hoạt tính mạnh có thể làm trẻ suy thượng thận.
  • Do nguy cơ tác dụng phụ, bạn không nên tự ý mua thuốc cho trẻ.
  • Bạn không nên ngừng thuốc đột ngột ngay khi trẻ hết triệu chứng, cần giảm liều thuốc dần dần để tránh bùng phát bệnh.

Trẻ có cần kiêng ăn gì không?

Nếu con bạn bị dị ứng thức ăn, hãy hạn chế tiếp xúc với loại thực phẩm gây dị ứng.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy chế độ ăn kiêng cử là có lợi. Thay vào đó, bạn hãy xây dựng cho con một chế độ ăn lành mạnh và đa dạng các loại thực phẩm nhé.

Đọc thêm: Dị ứng đạm sữa bò – Dễ hiểu cho cha mẹ.

Tôi có thể làm gì để phòng ngừa bệnh từ sớm cho con?

Việc đầu tiên là xác định xem con có thuộc nhóm nguy cơ cao hay không. Trẻ có nguy cơ cao bị chàm sữa nếu con hoặc người thân trong gia đình mắc các bệnh dị ứng như viêm da cơ địa, hen, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn.

Nếu trẻ không có các yếu tố nêu trên, bạn có thể chăm sóc con như bình thường.

Nếu trẻ có nguy cơ cao chàm sữa, bạn có thể áp dụng một số cách sau:

Trẻ bị chàm sữa có nên chủng ngừa không?

Hiện không có bằng chứng cho thấy chủng ngừa khiến trẻ dễ bị chàm sữa hoặc khiến chàm sữa nặng lên. Do đó, trẻ cần được chủng ngừa đúng theo kế hoạch.

Tuy nhiên, cần hoãn chủng ngừa nếu trẻ đang bùng phát chàm sữa. Bạn có thể đợi 2 tuần sau khi điều trị ổn rồi tiếp tục chủng ngừa.

Nếu con đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (corticosteroid, cyclosporine), hãy báo cho bác sĩ chủng ngừa để được tư vấn thêm.

Chống chỉ định duy nhất là vắc xin thuỷ đậu, tiêm vắc xin này cho trẻ có thể gây tình trạng chàm da đe doạ tính mạng.

  1. Persistence of atopic dermatitis (AD): A systematic review and meta-analysis – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27544489/
  2. Consensus-based European guidelines for treatment of atopic eczema (atopic dermatitis) in adults and children: part I – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29676534/
  3. Consensus-based European guidelines for treatment of atopic eczema (atopic dermatitis) in adults and children: part II – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29676534/
  4. ETFAD/EADV Eczema task force 2020 position paper on diagnosis and treatment of atopic dermatitis in adults and children – https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33205485/
  5. https://www.nhs.uk/conditions/atopic-eczema/#:~:text=Atopic%20eczema%20(atopic%20dermatitis)%20is,the%20first%20time%20in%20adults.
  6. https://kidshealth.org/en/parents/eczema-atopic-dermatitis.html