Hồi sức tim phổi cho trẻ sơ sinh
Hồi sức tim phổi (Cardiopulmonary resuscitation) hay còn gọi là CPR. Đây là kỹ thuật có thể cứu sống trẻ trong những thời điểm nguy hiểm nhất. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo cha mẹ nên tham gia các khoá học để biết cách thực hiện CPR. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu những điểm cơ bản về hồi sức tim phổi cho trẻ sơ sinh.
Sử dụng bài viết như thế nào
- Cha mẹ cần biết cách hồi sức tim phổi cho trẻ sơ sinh, tốt nhất bạn nên tham gia các khoá học CPR để biết cách làm đúng.
- Bạn có thể xem bảng tóm tắt, in ra và cất giữ ở nơi thuận tiện. Nếu cần, bạn lấy bảng tóm tắt ra đọc và làm theo.
- Bài viết có phần trình bày chi tiết về thực hiện CPR đúng cách, bạn có thể đọc, nghiền ngẫm và thực hành thử trên búp bê. Như vậy bạn đã có sự chuẩn bị cho mình khi trường hợp xấu xảy ra.
Bảng ngắn gọn
Bảng ngắn gọn sẽ hữu ích nếu bạn không nhớ hết tất cả các bước, bạn có thể in bảng này ra, cất trong xe ô tô, hộp sơ cứu hoặc dán trên tường phòng khi cần thiết. Nếu trường hợp xấu xảy ra, bạn chỉ cần mở bảng và làm theo hướng dẫn.
- Kiểm tra môi trường xung quanh có nguy hiểm không, đưa trẻ đến nơi an toàn.
- Kiểm tra xem trẻ còn tỉnh không. Lay người, gọi to tên trẻ.
- Gọi to nhờ giúp đỡ, nhờ người khác gọi cấp cứu. Nếu bạn chỉ có một mình, chăm sóc trẻ 2 phút rồi mới gọi cấp cứu sau.
- Đặt trẻ nằm ngửa, mở miệng, hơi ngửa đầu ra sau và nâng cằm lên.
- Kiểm tra dấu hiệu sống: cử động, ho, thở bình thường.
- Kề sát mặt bạn vào mặt trẻ. Nghe tiếng thở, nhìn lồng ngực nhấp nhô, cảm nhận hơi phả vào má. Kiểm tra nhịp thở của trẻ không quá 10 giây.
- Nếu trẻ không thở. Ngửa đầu trẻ ra sau và nâng cằm lên. Thổi hơi 2 nhịp thở. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thổi hơi vào cả mũi và miệng. Trẻ trên 1 tuổi bịt mũi và thổi hơi vào miệng.
- Nhìn xem lồng ngực trẻ có nâng lên khi thổi hơi vào hay không.
- TRẺ KHÔNG TỈNH, KHÔNG CỬ ĐỘNG, KHÔNG HO, KHÔNG THỞ BÌNH THƯỜNG. NHỒI TIM NGAY.
- Trẻ dưới 1 tuổi
-
- Đặt tay trên xương ức, ép bằng 2 ngón tay, ép xương ức xuống sâu 4cm.
- Ép nhanh, dứt khoát, tần số 100 lần/phút.
- Trẻ trên 1 tuổi
-
- Đặt tay trên xương ức, ép bằng 1 bàn tay, ép xương ức xuống sâu 5cm.
- Ép nhanh, dứt khoát, tần số 100 lần/phút.
- Nếu trẻ lớn, không đủ lực ép, ép bằng 2 bàn tay.
- Nhồi tim 30 lần, đếm to.
- Ngưng, thổi hơi 2 lần.
- Lặp lại chu kỳ 30 lần nhồi tim – 2 lần thổi hơi.
Hồi sức tim phổi là gì
Đây là một kỹ thuật sơ cứu được thực hiện khi tim ngừng đập. CPR ngay lập tức có thể tăng gấp đôi đến gấp ba cơ hội sống sót khi nạn nhân bị ngừng tim.
Thực hiện CPR giúp cung cấp oxy và giữ dòng máu tiếp tục được bơm trong hệ tuần hoàn, tăng cơ hội sống sót cho trẻ trong khi đợi đội cấp cứu đến.
Trường hợp nào cần hồi sức tim phổi
Có nhiều tai nạn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày có thể gây ngừng tim:
- Sốc phản vệ.
- Giật điện.
- Nghẹt thở không thể lấy được dị vật ra ngoài.
- Bỏng.
- Ngạt nước.
- Ngộ độc.
- Chấn thương nặng (té ngã, tai nạn giao thông).
- Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Hồi sức tim phổi cho trẻ
Đánh giá chung
- Đảm bảo an toàn
- Kiểm tra xung quanh có nguy hiểm không (ví dụ điện giật, giao thông, cháy).
- Đưa trẻ đến nơi an toàn. Điều này giúp đảm bảo tính mạng của người hỗ trợ và trẻ.
- Kiểm tra xem trẻ còn tỉnh không
- Lay người và gọi to tên trẻ để đánh giá xem trẻ còn tỉnh không.
- Nếu trẻ còn tỉnh, trả lời, cử động được
- Kiểm tra xem có tổn thương nào khác cần xử trí (chảy máu, bỏng, gãy xương).
- Đánh giá lại tình trạng của trẻ đều đặn để theo dõi.
- Nếu trẻ không đáp ứng với lay gọi
- Hô to gọi hỗ trợ từ những người xung quanh.
- Cẩn thận đặt trẻ nằm ở tư thế ngửa.
- Giữ đầu ở tư thế thẳng, không để đầu cong vẹo, nghiêng sang bên.
- Ngửa đầu, nâng cằm
- Với trẻ dưới 1 tuổi: giữ đầu thẳng, dùng ngón tay nâng cằm trẻ để đầu ngửa ra sau, KHÔNG chẹn tay vào vùng dưới cằm và cổ do có thể gây tắc đường dẫn khí.
- Với trẻ trên 1 tuổi: dùng bàn tay đặt lên trán và ngửa đầu trẻ ra sau.
Kiểm tra xem trẻ còn thở không
Kề sát mặt bạn vào mặt trẻ để kiểm tra nhịp thở
- Nhìn lồng của trẻ xem có di chuyển không.
- Nghe tiếng thở của trẻ.
- Cảm nhận dòng khí phả vào má của bạn.
- Nhìn, nghe, cảm nhận hoạt động thở của trẻ không lâu hơn 10 giây. Không được lâu hơn 10 giây, bạn phải đánh giá về hoạt động thở của trẻ.
Nếu trẻ thở bình thường
- Tiếp tục kiểm tra nhịp thở.
- Đặt trẻ nằm nghiêng bên.
- Gọi hỗ trợ, không rời đi chỗ khác nếu không cần thiết.
Nếu trẻ không thở, thở chậm, thở không đều
Kiểm tra và loại bỏ bất kỳ dị vật nào trong miệng trẻ.
Trẻ dưới 1 tuổi:
- Giữ đầu thẳng, ngửa đầu nâng cằm.
- Che phủ cả mũi và miệng trẻ bằng miệng của bạn, đảm bảo kín. Nếu chỉ che phủ mũi hoặc miệng, bịt kín phần còn lại.
- Thổi hơi vào mũi và miệng trẻ một cách đều đặn.
- Bạn phải thấy lồng ngực trẻ nhô lên khi thổi hơi vào (như vậy mới hiệu quả)
Trẻ trên 1 tuổi:
- Giữ đầu thẳng, ngửa đầu nâng cằm.
- Đặt tay lên trán để ngửa đầu, bịt kín mũi bằng hai ngón tay còn lại.
- Mở miệng trẻ, che phủ miệng trẻ bằng miệng của bạn, đảm bảo kín.
- Thổi hơi vào miệng trẻ một cách đều đặn. Bạn phải thấy lồng ngực của trẻ nhô cao khi thổi hơi vào.
Kiểm tra dấu hiệu sống
Tìm dấu hiệu sống ở trẻ: cử động, ho, còn thở bình thường.
Nếu trẻ có các dấu hiệu sống: xử trí như mục “nếu trẻ thở bình thường”
Nếu trẻ không có dấu hiệu sống
- Nhồi tim ngay lập tức.
- Kết hợp nhồi tim và thổi hơi
- 30 nhịp nhồi tim, dừng lại để thổi hơi 2 nhịp, tiếp tục nhồi tim 30 lần và cứ tiếp tục chu kỳ 30:2 như vậy.
Kỹ thuật nhồi tim
- Đặt tay đúng
- Tìm điểm giao nhau giữa bờ dưới của 2 xương sườn (mũi xương ức).
- Đặt tay cách điểm này một khoảng cách bằng bề ngang một ngón tay.
- Đặt tay ngay trên xương ức.
- KHÔNG đặt tay trên bụng của trẻ.
- KHÔNG đặt tay lên vùng vú.
- Độ sâu lúc nhồi tim
- Ép lồng ngực sâu xuống 4cm ở trẻ sơ sinh và 5cm ở trẻ lớn (khoảng 1/3 bề dày lồng ngực).
- Với trẻ dưới 1 tuổi: dùng 2 ngón tay, không dùng cả bàn tay. Ép xương ức sâu xuống 4cm.
- Với trẻ trên 1 tuổi: dùng 1 bàn tay, giữ cánh tay thẳng – vuông góc với xương ức, ép xương ức xuống sâu 5cm.
- Với trẻ lớn: dùng 2 bàn tay, giữ cánh tay thẳng – vuông góc với xương ức, ép xương ức xuống sâu 5cm.
- Sau khi ép xuống, thả tay để lồng ngực trở lại vị trí bình thường (không nhấc bàn tay ra khỏi lồng ngực).
- Giữ cánh tay thẳng, ép nhanh, mạnh, dứt khoát, tần số 100 – 120 lần/phút.
- Ép ngực 30 lần, ngưng, giữ đầu thẳng, thổi hơi 2 lần.
- Tiếp tục lặp lại chu kỳ 30 lần ép – 2 lần thổi hơi cho đến khi đội cấp cứu đến.
- Tiếp tục nhồi tim cho đến khi
- Trẻ có dấu hiệu sống trở lại: cử động, ho, thở lại bình thường.
- Nếu bạn mệt, hãy thay người để đảm bảo đủ lực ép.
- Đội cấp cứu đến.
Sau khi trẻ tỉnh lại
Nếu trẻ có dấu hiệu sống trở lại, bạn đặt trẻ nằm nghiêng bên, tiếp tục theo dõi các dấu hiệu sống và nhịp thở. Sẵn sàng CPR trở lại nếu cần thiết.
- https://pediatrics.aappublications.org/content/141/6/e20180705
- https://www.sja.org.uk/get-advice/first-aid-advice/paediatric-first-aid/how-to-do-cpr-on-a-baby/
- https://www.nhs.uk/conditions/baby/first-aid-and-safety/first-aid/how-to-resuscitate-a-child/
- https://www.redcross.org/take-a-class/cpr/performing-cpr/child-baby-cpr