Hướng dẫn đọc hiểu ý nghĩa màu phân của trẻ
Màu sắc phân có thể giúp bạn hiểu thêm về tình trạng sức khoẻ đường ruột của con. Nếu đã hoặc đang làm cha mẹ, bạn sẽ thấy màu phân của trẻ thay đổi rất nhiều. Vậy màu sắc nào là bình thường, màu nào là đáng lo và cần gặp bác sĩ. Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Đọc thêm: Phân của trẻ sơ sinh – Hướng dẫn đầy đủ cho cha mẹ.
Phân có màu đen
Loại phân đầu tiên mà trẻ sơ sinh đi tiêu được gọi là phân su. Phân rất nhầy dính, mùi hăng, có màu xanh đen hoặc đen. Phân su có nguồn gốc từ các tế bào da thai nhi, dịch nhầy và nước ối mà bé đã nuốt khi nằm trong bụng mẹ.
Phân có màu đen chỉ nên xuất hiện trong vòng vài ngày đầu tiên của cuộc đời, nếu kéo dài hơn thì đây là dấu hiệu bất thường.
Ở trẻ lớn, tiêu phân đen là dấu hiệu của chảy máu trong đường ruột. Đặc biệt nếu phân đen, dính, có mùi rất hôi kèm chóng mặt, da niêm xanh xao.
Thực phẩm có màu đen cũng có thể ảnh hưởng đến màu phân của trẻ, do đó hãy kiểm tra xem trẻ đã ăn gì trước khi nghĩ đến xuất huyết tiêu hoá nhé.
Phân có màu vàng
Sau khi tiêu phân su, màu phân của trẻ sẽ chuyển dần từ xanh đen sang vàng (sậm hoặc nhạt).
Nhưng không phải cứ là màu vàng là bình thường, phân màu vàng nhạt có thể là dấu hiệu của bệnh tắc mật ở trẻ nhỏ.
Phân có màu cam
Đây là màu thường gặp và là dấu hiệu bình thường. Phân màu cam có thể gặp ở trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức. Đôi khi sắc tố trong thức ăn cũng khiến màu phân của trẻ có màu này.
Phân có màu đỏ
Cũng tương tự như phân đen, màu đỏ có thể là dấu hiệu của xuất huyết tiêu hoá. Nguyên nhân gây chảy máu đường ruột thường gặp ở trẻ em là:
- Viêm ruột do vi khuẩn.
- Dị ứng đạm sữa bò.
- Nứt, tổn thương hậu môn.
- Lồng ruột.
Ngược lại, thức ăn cũng có thể ảnh hưởng đến màu phân của trẻ. Hãy xem lại con có ăn các thực phẩm màu đỏ như sốt cà chua, nước ngọt, thịt bò hay không. Một số kháng sinh cũng khiến phân có màu đỏ như amoxicillin hoặc cefdinir. Và cuối cùng, trẻ bú mẹ nhưng núm vú bị loét nứt, chảy máu cũng làm phân có màu đỏ.
Đọc thêm: Vắt sữa mẹ ra máu có đáng lo không.
Phân có màu xanh
Như đã đề cập ở trên, phân su ở trẻ sơ sinh có màu xanh, xanh đen hoặc đen. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác khiến phân có màu này.
- Trẻ dùng sữa công thức thường đi ị phân có xanh hoặc vàng xanh hơn trẻ bú mẹ. Bên cạnh đó, phân cũng thường cứng hơn.
- Trẻ ăn dặm các loại rau củ có màu xanh như rau cải, chân vịt, đậu xanh. Thực phẩm chức năng bổ sung sắt cũng có thể khiến phân chuyển màu xanh.
Phân có màu trắng hoặc xám
Đây là màu phân đáng lo nhất. Phân trắng, xám hoặc vàng nhạt là dấu hiệu của bệnh tắc mật.
Bệnh lý này khiến mật không đi vào lòng ruột để nhuộm vàng màu phân của trẻ như thông thường. Hãy đưa con đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bé có biểu hiện này nhé.
Đọc thêm: Trẻ đi phân vàng nhạt – Bình thường hay bất thường.
Chế độ ăn ảnh hưởng đến màu phân của trẻ như thế nào
Phân của trẻ bú mẹ thường lỏng và có vẻ lợn cợn, thậm chí con có thể đi tiêu nhiều lần trong ngày. Bạn không cần quá lo lắng vì điều này là hoàn toàn bình thường.
Ngược lại, trẻ dùng sữa công thức thường tiêu phân cứng hơn, số lần đi tiêu ít hơn và phân thường có màu xanh. Điều này không có nghĩa trẻ đang bị táo bón (Đọc thêm: Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ và dấu hiệu nguy hiểm).
Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, phân của trẻ ngày càng cứng chắc hơn và thành khuôn. Việc tập thói quen dùng toilet cũng giúp trẻ có số lần đi tiêu trong ngày ổn định hơn.
Những trường hợp khác
Phân nhầy mủ, có bọt
Phân nhầy mủ là bình thường ở trẻ sơ sinh tiêu phân su. Nhầy mủ cũng có thể gặp với trẻ nhỏ nhễu nhiều nước bọt và nuốt xuống bụng.
Ngược lại, phân nhầy mủ có thể là dấu hiệu viêm ruột do vi khuẩn. Do đó, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ nếu:
- Con đã lớn hơn vài ngày tuổi.
- Tiêu phân nhầy mủ kéo dài.
- Trẻ không nhễu nhiều nước bọt mà tiêu phân nhầy mủ.
Có mảnh thức ăn trong phân
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn có thể thấy phân có các mảnh thức ăn. Điều này là bình thường vì hệ tiêu hoá vẫn chưa đủ khả năng để xử lý hoàn toàn một loại thức ăn nào đó.
Lời kết
Như bạn có thể thấy, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách đi tiêu và màu phân của trẻ. Xác định tính chất phân bình thường hay bất thường luôn là thách thức với cha mẹ và bác sĩ.
Do đó, khi trẻ khoẻ mạnh, bạn hãy quan sát cách đi tiêu bình thường của con và chụp ảnh phân lưu lại để có cơ sở so sánh khi bất thường xảy ra.
Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu trẻ tiêu phân bất thường kèm các dấu hiệu sau nhé:
- Đi tiểu ít hơn 6 tã ướt trong một ngày (Đọc thêm: Nước tiểu trẻ sơ sinh – Tất cả những gì bạn cần biết).
- Trẻ trông rất đừ, không chơi, không linh hoạt như mọi khi.
- Trẻ quấy khóc rất nhiều, không thể dỗ yên.
- Khóc mà không có nước mắt.
- Da khô, nhăn nheo.
- Thóp và hố mắt trũng sâu hơn bình thường.
- Và tiêu phân có máu (bất kể tiêu chảy hay táo bón).
Nguồn tài liệu
- https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/stools-unusual-color/
- https://www.nichd.nih.gov/health/topics/infantcare/conditioninfo/basics
- https://www.healthychildren.org/English/health-issues/injuries-emergencies/Pages/dehydration.aspx
- https://www.healthline.com/health/parenting/baby-poop-color
- https://health.clevelandclinic.org/the-color-of-baby-poop-and-what-it-means-infographic/