- Bạn có thể phối hợp sữa mẹ và sữa công thức vì các lý do y khoa hoặc vì bạn muốn vậy.
- Phối hợp sữa công thức với liều lượng và tần suất bao nhiêu là hoàn toàn tuỳ thuộc vào bạn.
- Bạn nên tăng dần chậm rãi lượng sữa công thức để phù hợp với các thay đổi ở cơ thể mẹ và bé.
- Khi cho trẻ bú bình, hãy cố gắng khiến việc bú bình giống với bú mẹ nhiều nhất có thể.
Tại sao bạn cần kết hợp
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) đều khuyến cáo: Bạn nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Bú mẹ có thể kéo dài đến 1 năm tuổi, song song với việc cho ăn dặm.
Tuy nhiên, quyết định phối hợp sữa mẹ và sữa công thức hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Trong một số trường hợp đặc biệt sau, dùng cả hai loại sữa là lựa chọn hợp lý:
Trẻ mắc bệnh
Nếu trẻ sinh non hoặc mắc một số bệnh lý, bác sĩ sẽ khuyên bạn dùng phối hợp thêm sữa công thức. Loại sữa này cung cấp thêm chất dinh dưỡng và năng lượng, giúp trẻ tăng cân và bắt kịp tốc độ phát triển.
Bạn có ít sữa mẹ
Một số bệnh có thể làm giảm nguồn sữa. Nếu trẻ không nhận đủ lượng sữa mẹ cần thiết, bạn cần bổ sung thêm bằng sữa công thức.
Đọc thêm: Cách nhận biết trẻ bú đủ sữa mẹ.
Bạn cần đi làm trở lại
Khi cần phải làm việc trở lại, bạn sẽ không có thời gian cho con bú. Ngoài ra, áp lực công việc có thể khiến lượng sữa mẹ suy giảm. Lúc này bạn sẽ cần dùng đến sữa công thức.
Bạn sinh đôi, sinh ba
Đây thực sự là một thách thức, bạn cần duy trì lượng sữa mẹ đủ nhiều cho các con. Lúc này, phối hợp thêm sữa công thức sẽ hỗ trợ cho bạn.
Các trường hợp bác sĩ sẽ khuyên bạn cần phối hợp thêm sữa công thức:
- Trẻ sơ sinh giảm nhiều hơn 10% cân nặng so với lúc sinh trong những ngày đầu tiên của cuộc đời.
- Trẻ sụt cân hoặc tăng cân chậm.
- Trong một ngày, trẻ có ít hơn 6 tả ướt. (Đọc thêm: Nước tiểu trẻ sơ sinh)
- Trẻ quấy khóc, có vẻ không hài lòng sau khi ăn.
Bắt đầu cho con dùng sữa công thức
Thời điểm bắt đầu
Nếu bạn cho trẻ dùng thêm sữa công thức không phải vì nguyên nhân y khoa, các chuyên gia khuyên bạn nên cho trẻ bú mẹ ít nhất 1 tháng. Điều này giúp bạn tạo dựng nguồn sữa ổn định và tập cho trẻ bú mẹ.
Lưu ý khi trộn chung
Ngoài ra, bạn cần lưu ý không phải loại sữa công thức nào cũng có thể phối hợp vào chung một bình với sữa mẹ. Do đó, khi pha sữa bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đảm bảo sự giống nhau
Tốt nhất bạn nên khiến việc bú mẹ và bú bình giống nhau hết sức có thể. Điều này giúp trẻ chuyển tiếp dễ dàng giữa hai loại sữa.
Một số mẹo sau sẽ giúp ích cho bạn:
- Đổi bên. Khi bú mẹ, trẻ bú luân phiên hai bầu vú. Do đó, lúc cho bú bình bạn cũng nên thay đổi vị trí bình sữa về hai bên miệng của trẻ.
- Đảm bảo da chạm da. Bạn nên nhìn vào mắt và tiếp xúc âu yếm với trẻ.
- Không để trẻ đói. Tốt nhất bạn không nên cho trẻ bú bình lúc trẻ đang đói. Trong những lần đầu, thời điểm lý tưởng nhất là 1 – 2 giờ sau khi bú mẹ.
- Chọn bình sữa phù hợp. Hãy chọn các loại núm vú có đáy rộng, mềm (để giống với bầu vú mẹ). Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý đến tốc độ dòng chảy của núm vú. Tốc độ chảy quá nhanh khiến trẻ khó nuốt sữa và điều hoà nhịp thở. Đọc thêm: Cách chọn bình sữa phù hợp cho con.
- Bạn có thể nhờ người khác cho trẻ bú bình, như vậy con sẽ không ngửi thấy mùi sữa mẹ từ bạn.
Cách kết hợp sữa mẹ và sữa công thức
Việc cho con bú sữa công thức với tần suất như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý vì phối hợp cả hai loại sữa có những ảnh hưởng nhất định lên cơ thể mẹ và bé.
Về phía người mẹ
Không nên cho con bú nhiều hơn 1 đến 2 bình sữa công thức một ngày
Lượng sữa mẹ được tạo ra dựa trên nền tảng cung cầu. Trẻ bú nhiều bao nhiêu, cơ thể mẹ sẽ sản xuất lượng sữa nhiều bấy nhiêu. Do đó, nếu bạn cho con dùng sữa công thức nhiều hơn 1 – 2 bình/ngày, lượng sữa mẹ sẽ suy giảm.
Bổ sung sữa công thức chậm, tăng dần
Nếu bạn tăng lượng sữa công thức nhanh chóng trong thời gian ngắn, sữa mẹ sẽ bị ứ đọng. Điều này khiến ống tuyến sữa bị tắc và gây sưng đau.
Dùng sữa mẹ vắt
Bạn có thể vắt sữa mẹ ra ngoài để bầu vú bớt căng. Ngoài ra, sữa mẹ vắt cất trữ trong tủ lạnh là nguồn dinh dưỡng tốt khi bạn không ở bên con.
Về phía trẻ
Không chịu bú bình
Giai đoạn đầu, trẻ có thể từ chối bình sữa do nhiều nguyên nhân. Trẻ muốn dùng sữa mẹ, không quen với núm vú giả hoặc không thích vị của sữa công thức. Do đó, hãy tăng dần số cữ sữa công thức để trẻ tập làm quen.
Tăng thời gian giữa các lần bú
Sữa công thức đặc và khó tiêu hoá hơn sữa mẹ, do đó trẻ sẽ cần nhiều thời gian hơn. Bạn sẽ nhận thấy trẻ ít đòi bú hơn và thời gian giữa các lần bú giãn ra.
Đọc thêm: Sữa công thức là gì – Tóm gọn những điều bạn cần biết
Thay đổi tính chất phân
Khi trẻ bú sữa công thức, phân trở nên cứng, đậm màu và nặng mùi hơn. Ngoài ra, trẻ có thể đi tiêu ít hơn so với trước.
Đọc thêm: Bé bú sữa công thức bị táo bón – Nguyên nhân và cách xử trí
Lời kết
Mong muốn cuối cùng của các bậc cha mẹ là trẻ được hạnh phúc, khoẻ mạnh và tăng trưởng tốt. Nuôi con bằng sữa mẹ không phải là lựa chon duy nhất và bạn luôn có thể phối hợp thêm sữa công thức. Việc cho con dùng sữa công thức với liều lượng và tần suất bao nhiêu là hoàn toàn tuỳ thuộc vào bạn. Tuy nhiên, hãy tăng dần chậm rãi để phù hợp với các thay đổi ở cơ thể mẹ và bé.
- https://www.nhs.uk/conditions/baby/breastfeeding-and-bottle-feeding/bottle-feeding/combine-breast-and-bottle/
- https://www.verywellfamily.com/combining-breastfeeding-and-formula-feeding-431930
- https://www.whattoexpect.com/first-year/feeding-baby/things-to-know-about-breastfeeding-and-formula-for-baby/