Kháng sinh là gì – Dễ hiểu cho cha mẹ
Bạn chắc hẳn đã từng thấy bác sĩ kê kháng sinh cho con mỗi khi trẻ ốm. Vậy kháng sinh là gì? Thuốc tác động như thế nào và tại sao bạn cần dùng thuốc đúng cách?
Kháng sinh là gì
Kháng sinh là loại thuốc tiêu diệt hoặc kiềm chế sự sinh sôi của vi khuẩn.
Khi cơ thể nhiễm trùng, hệ miễn dịch (cụ thể hơn là tế bào bạch cầu) sẽ chống lại vi khuẩn đầu tiên. Trong phần lớn trường hợp, các bạch cầu thành công tiêu diệt tác nhân gây hại, nhưng cũng có lúc chúng thất bại. Khi số lượng vi khuẩn gia tăng quá nhanh vượt qua khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch, kháng sinh sẽ cần dùng đến điều trị bệnh.
Đọc thêm: 10 câu hỏi thường gặp về sử dụng kháng sinh ở trẻ em
Kháng sinh hoạt động như thế nào
Cơ chế hoạt động
Có thể chia kháng sinh thành 2 nhóm chính dựa trên cơ chế hoạt động:
- Kháng sinh diệt khuẩn: nhóm kháng sinh này giết chết vi khuẩn bằng cách ức chế hình thành vách tế bào hoặc các bộ phận khác của vi khuẩn.
- Kháng sinh kiềm khuẩn: loại này khiến vi khuẩn ngừng phân chia, tạo điều kiện để các bạch cầu dễ dàng tiêu diệt.
Thế nào là kháng sinh mạnh
Chúng ta thường nói kháng sinh “mạnh” tức đang đề cập đến độ rộng của phổ kháng sinh.
Phổ kháng sinh chỉ khả năng kháng sinh tiêu diệt được bao nhiêu loại vi khuẩn khác nhau.
- Kháng sinh phổ rộng là loại có thể tiêu diệt được nhiều nhóm vi khuẩn, ví dụ như nhóm amoxicillin, ciprofloxacin.
- Kháng sinh phổ hẹp chỉ tiêu diệt được một nhóm vi khuẩn, ví dụ như penicillin có khả năng bao phủ hẹp nên ít được dùng đến.
Các hiểu lầm về phổ kháng sinh
- Một kháng sinh phổ rộng nhưng bị tất cả các nhóm vi khuẩn đề kháng thì không thể dùng được.
- Kháng sinh phổ rộng không phải là tốt nhất. Lạm dụng loại thuốc này dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Kết quả đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ không có kháng sinh để dùng.
- Kháng sinh phổ hẹp không nhất thiết là kém hiệu quả. Sử dụng kháng sinh phổ hẹp “nhắm trúng đích” vào tác nhân gây bệnh giúp đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn và giảm kháng thuốc.
Kháng sinh được dùng để làm gì
Các bác sĩ thường kê kháng sinh với hai mục đích.
Điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra. Ở trẻ em, các bệnh nhiễm trùng phổ biến cần dùng đến kháng sinh là viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, viêm xoang, viêm họng do streptococcus.
Phòng tránh nhiễm trùng xảy ra. Ví dụ các bác sĩ cho bệnh nhân uống kháng sinh dự phòng trước khi phẫu thuật để phòng ngừa nhiễm trùng vết mổ.
Các tác dụng phụ
Các tác dụng phụ phổ biến khi dùng kháng sinh là tiêu chảy, buồn nôn, nổi ban và đau bụng.
Tuy nhiên, kháng sinh cũng gây các biến chứng cực kỳ nguy hiểm như sốc phản vệ, hội chứng Stevens – Johnson, điếc tai hoặc tổn thương cơ xương khớp.
Đọc thêm: Tác dụng phụ của kháng sinh ở trẻ em
Mỗi nhóm kháng sinh cũng có tác dụng phụ riêng:
- Sulphonamides: gây sỏi thận.
- Cephalosporins: làm rối loạn đông máu.
- Aminoglycosides: gây điếc và suy thận.
- Tetracyclines: làm da cháy năng, vàng ố răng.
Tại sao cần dùng thuốc đúng cách
Sử dụng kháng sinh đúng cách
- Dùng kháng sinh khi thật sự cần thiết, để điều trị các bệnh do vi khuẩn.
- Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Đảm bảo uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và thời gian.
- Không tự ý mua và cho trẻ uống kháng sinh.
Sẽ ra sao nếu dùng thuốc sai cách
Đầu tiên là không đạt được hiệu quả điều trị, trẻ sẽ không thể khỏi bệnh được. Không chỉ vậy, kháng sinh có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm. Một nghiên cứu cho biết trong tổng số trẻ nhập viện do tác dụng phụ của thuốc, có 56% là do uống kháng sinh [1]. Cuối cùng là tình trạng kháng thuốc.
Vi khuẩn kháng thuốc khiến các bác sĩ không có kháng sinh để điều trị, buộc phải phối hợp nhiều loại thuốc, thời gian nằm viện kéo dài và đe doạ tính mạng của trẻ.
Do đó, bạn không nên ra hiệu thuốc tìm mua một loại kháng sinh “mạnh” để điều trị cảm lạnh cho con.
- Cảm lạnh (gồm chảy mũi, ho, sốt nhẹ) do virus gây ra, không thể điều trị bằng kháng sinh.
- Bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 10 ngày, chứ không phải do hiệu quả của kháng sinh. Đây là một hiểu lầm tai hại khiến một số bậc cha mẹ muốn con dùng kháng sinh khi cảm lạnh.
Bạn sẽ chọn điều gì? Đợi 10 ngày để bệnh tự khỏi hay uống kháng sinh (không giúp ích gì) và có thể khiến trẻ nhiễm loại vi khuẩn kháng thuốc.
- Centers for Disease Control and Prevention. Adverse drug events for specific medicines. Updated November 19, 2019.
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/10278
- https://www.childrens.com/health-wellness/antibiotics-and-kids
- https://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/666381
- https://www.nhs.uk/conditions/antibiotics/