Không phải tất cả trẻ mất tập trung đều là ADHD
Mất tập trung là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ và nhiều cha mẹ lo lắng con mình đang bị tăng động giảm chú ý (ADHD). Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ mất tập trung đều là ADHD.
Thuật ngữ: Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder) – ADHD
Key takeaways
- Bác sĩ cần thăm khám kỹ lưỡng để xác định trẻ có bị ADHD hay không.
- Nhiều bệnh khác cũng làm trẻ giảm chú ý như lo âu, ám ảnh cưỡng chế, suy giảm thính lực hoặc rối loạn học tập.
- Con không nên bị chẩn đoán ADHD chỉ bằng nhận xét của người xung quanh hoặc với vài lần khám bệnh.
Xác định trẻ ADHD bằng cách nào
Để xác định trẻ mất tập trung có bị ADHD hay không, bạn cần đưa con đến gặp bác sĩ. Với chuyên môn của mình các bác sĩ sẽ:
- Hỏi bệnh và thăm khám để xác định vấn đề.
- Thu thập ý kiến của gia đình, giáo viên và những người xung quanh trẻ để có đánh giá chính xác về mức độ tập trung.
- Đề xuất các xét nghiệm và hình ảnh học để tìm nguyên nhân.
Các bác sĩ sẽ giúp bạn xác định xem trẻ có phát triển phù hợp theo lứa tuổi hay không. Quan trọng hơn hết, họ sẽ cho bạn biết con có đang thực sự mắc bệnh gây mất tập trung hay đây chỉ là một hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ.
Bệnh ADHD được xác định bằng cách áp dụng tiêu chí DSM – 5. Bạn có thể tham khảo dưới dây, tuy nhiên luôn cần đến bác sĩ để có đánh giá chính xác nhất.
Trẻ nhỏ hơn hoặc bằng 17 tuổi được chẩn đoán ADHD khi:
Có ít nhất 6 triệu chứng tăng động hoặc ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý (xem ở dưới).
Các triệu chứng phải:
- Xảy ra thường xuyên.
- Xuất hiện ở nhiều hoàn cảnh (tại nhà, lớp học, không gian công cộng).
- Kéo dài ít nhất 6 tháng.
- Xuất hiện trước 12 tuổi.
- Triệu chứng ảnh hưởng xấu đến học tập, công việc, xã hội.
- Các triệu chứng không do những bệnh khác gây ra.
Nhóm triệu chứng tăng động
- Thường xuyên có hành vi bứt rứt không yên (ví dụ: vỗ tay, nhịp chân, vặn xoắn thân mình).
- Không ngồi yên một chỗ khi được yêu cầu (ví dụ: lúc học, lúc làm việc).
- Cảm thấy bứt rứt (ở trẻ lớn) hoặc leo trèo, chạy nhảy vào lúc không thích hợp (ở trẻ nhỏ).
- Gặp khó khăn trong việc chơi một cách yên lặng.
- Thường trong tình trạng sắp làm một việc gì đó.
- Nói rất nhiều.
- Gặp khó khăn trong việc chờ đến lượt.
- Trả lời rất nhanh mà không suy nghĩ.
- Thường ngắt lời hoặc phá rối người khác.
Nhóm triệu chứng giảm chú ý
- Không thể chú tâm vào các chi tiết, thường hay mắc lỗi do bất cẩn.
- Gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung khi chơi, học tập và sinh hoạt ở nhà.
- Có vẻ không chú ý lắng nghe người khác.
- Không thể tuân theo các hướng dẫn.
- Gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Thường làm mất các đồ vật cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày (ví dụ: vở, bút, vớ,…).
- Dễ bị xao nhãng.
- Thường quên thực hiện các sinh hoạt hàng ngày (ví dụ: làm bài tập, đánh răng, vệ sinh các nhân).
Có rất nhiều yếu tố cần xem xét cẩn thận trước khi kết luận trẻ có bị ADHD hay không. Không thể chỉ vì trẻ mất tập trung hoặc không chịu nghe lời mà coi con bị tăng động giảm chú ý.
Những bệnh khác gây mất tập trung
Lo âu
Trẻ lo lắng quá nhiều có thể khiến não bộ tê liệt. Ví dụ, trẻ lo lắng khi phải xa cha mẹ hoặc sợ trả lời sai. Kết quả là con không thực hiện theo yêu cầu của người lớn và được coi là kém chú ý.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Đây là khi trẻ bị ám ảnh về việc cần phải làm một việc gì đó, nếu không con sẽ gặp kết quả xấu. Trong đầu trẻ luôn có một suy nghĩ ám ảnh khiến con không thể tập trung làm việc khác.
Ví dụ, trẻ bị ám ảnh về việc cần phải rửa tay và luôn nghĩ về nó trong tiết học. Khi được gọi lên bảng trẻ không biết câu trả lời và giáo viên cho rằng trẻ không tập trung.
Rối loạn học tập
Trẻ bị chứng khó đọc hoặc không hiểu cách làm toán thường tìm cách tránh né bằng cách suy nghĩ vẩn vơ về việc khác.
Giảm thính lực khiến trẻ khó theo dõi hướng dẫn của giáo viên. Biểu hiện nghễnh ngãng có thể bị coi là trẻ kém tập trung.
Đọc thêm: Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em.
Lời kết
Như bạn có thể thấy, để xác định trẻ bị ADHD cần sự quan tâm và phối hợp của bác sĩ, gia đình và xã hội. Việc trẻ bị chẩn đoán nhầm ADHD có thể gây hiệu ứng gắn nhãn hoặc điều trị sai cách. Vì vậy, trẻ không nên được chẩn đoán ADHD chỉ bằng nhận xét của giáo viên hoặc chỉ với một lần đến gặp bác sĩ.
- https://www.nhs.uk/conditions/attention-deficit-hyperactivity-disorder-adhd/diagnosis/
- https://childmind.org/article/not-all-attention-problems-are-adhd/
- https://www.uptodate.com/contents/attention-deficit-hyperactivity-disorder-in-children-and-adolescents-clinical-features-and-diagnosis?search=adhd&source=search_result&selectedTitle=2~150&usage_type=default&display_rank=2