Làm gì khi trẻ chậm nói – Phát hiện và can thiệp sớm

Trẻ có dấu hiệu chậm nói và bạn băn khoăn không biết nên xử trí ra sao, bao giờ cần đến gặp bác sĩ và hỗ trợ con như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi cần làm gì khi trẻ chậm nói.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ chậm nói

Đầu tiên, bạn cần hiểu rõ về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Những kiến thức này sẽ giúp bạn tránh lo lắng quá nhiều cũng như không bỏ sót các bất thường. Một cách đơn giản, phát triển ngôn ngữ bình thường ở trẻ em diễn ra như sau:

  • 3 – 6 tháng: bi bô, thỏ thẻ những tiếng sơ khởi.
  • 9 tháng: nói đơn âm
  • 12 tháng: nói được các cụm hai từ, nhắc lại được các âm do người lớn dạy.
  • 18 tháng: nói được câu ngắn.
  • 24 tháng: nói nhiều và bắt đầu học hát, kể chuyện.
  • Đọc thêm: Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ chậm nói.

Nếu trẻ không đạt được các cột mốc nêu trên hoặc có bất kỳ bất thường nào trong phát âm, hãy đưa con đến gặp bác sĩ.

Trẻ chậm nói có thể hoàn toàn là bình thường. Theo thống kê, có 10 – 20% trẻ 2 tuổi chậm nói hơn so với các bạn đồng trang lứa nhưng trẻ sẽ mau chóng bắt kịp vào năm 3 tuổi.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh nghiêm trọng. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, can thiệp sớm luôn là cách tốt nhất.

Đọc thêm: Trẻ chậm nói – Chỉ thoáng qua hay một bất thường thật sự.

Nguyên nhân nào khiến trẻ chậm nói

Những nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Mất thính lực.
  • Chậm phát triển thể chất.
  • Chậm phát triển trí tuệ.

Tình trạng chậm nói còn có thể do nhiều nguyên nhân khác:

  • Trẻ không có đủ thời gian để nói chuyện với người xung quanh.
  • Trẻ có anh em sinh đôi.
  • Bệnh tự kỷ.
  • Bại não (não tổn thương gây rối loạn vận động)
  • Câm chọn lọc.

Tìm hiểu kỹ hơn: Mách bạn nguyên nhân trẻ chậm nói và cách theo dõi.

Chẩn đoán trẻ chậm nói như thế nào

Nếu con bạn có dấu hiệu chậm nói, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán kỹ lưỡng hơn. Vậy các bác sĩ sẽ làm gì?

Đầu tiên, họ sẽ xác định xem liệu trẻ có thật sự chậm nói hay không (Đọc thêm: Bao giờ trẻ bắt đầu nói). Bác sĩ sẽ thực hiện một số bài kiểm tra để đánh giá trẻ như:

  • Khả năng hiểu ngôn ngữ của trẻ.
  • Con có thể nói được những gì.
  • Trẻ phát âm như thế nào, có trôi chảy không.
  • Kiểm tra thính giác.
  • Kiểm tra vận động của miệng, lưỡi, khẩu cái…cần thiết cho việc nói và nuốt thức ăn.

Sau khi khám và hỏi bệnh, bác sĩ sẽ có chẩn đoán ban đầu về nguyên nhân. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân là gì mà họ có thể sẽ giới thiệu con của bạn đến một chuyên gia khác để điều trị.

  • Mất thính lực – Bác sĩ tai mũi họng.
  • Chậm phát triển – Bác sĩ thần kinh.
  • Tự kỷ – Chuyên gia về bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Đọc thêm: Trẻ chậm nói bao giờ cần can thiệp.

Hỗ trợ cho con

Nếu trẻ chậm nói do giảm thính lực, sử dụng thiết bị trợ thính là giải pháp cho con. Một khi con đã nghe được âm thanh, bạn hãy tích cực trò chuyện và cho con cơ hội để giao tiếp. Trẻ sẽ mau chóng bắt kịp tốc độ phát triển ngôn ngữ như bạn bè.

Một số trẻ khác có thể nghe hiểu ngôn ngữ nhưng gặp khó khăn trong việc nói. Bạn hãy khuyến khích con nói nhiều hơn bằng cách tăng giao tiếp khi ở bên con. Tạo điều kiện để trẻ thể hiện suy nghĩ của mình bằng lời nói và luôn phản hồi lại trẻ.

Trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp sẽ cư xử một cách kỳ lạ, con có thể dễ nóng giận hoặc quậy phá để thu hút sự chú ý. Hãy luôn nhớ rằng trẻ đang cố gắng để giao tiếp với bạn và do đó đừng trách mắng con. Khi nhận thấy trẻ cố gắng để giao tiếp, bạn nên phản hồi lại và khen thưởng cho những nỗ lực này.