Làm gì khi trẻ không chịu dùng bô sau khi đã tập được
Tình huống thực tế
Một người mẹ than phiền rằng con gái đã học được cách dùng bô để đi vệ sinh trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, sau khi đi nhà trẻ, bé gần như quên tất cả mọi thứ. Cụ thể, bé không nói với người lớn về chuyện mình muốn đi vệ sinh, thậm chí còn ị trong quần khi ở nhà trẻ. Khi được mẹ dạy lại cách dùng bô, trẻ tỏ ra không hiểu gì và chỉ muốn dùng tã.
Người mẹ rất thắc mắc tại sao con lại không chịu dùng bô dù trước đó đã sử dụng trong 2 tuần.
Hiện tượng thoái lui
Hiện tượng trên được gọi là thoái lui (regression) trong quá trình trẻ học một kỹ năng mới.
Người lớn chúng ta thường học các kỹ năng và sử dụng ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, quá trình học kỹ năng mới ở trẻ không diễn ra như vậy.
Có thể nói, quá trình học một kỹ năng ở trẻ bao gồm nhiều giai đoạn. Có lúc trẻ tiến bộ rất rõ ràng nhưng đôi khi bạn nhận thấy trẻ chẳng cải thiện gì. Thậm chí, vào một số thời điểm trẻ còn quên mất những gì mình đã học được. Đây được gọi là hiện tượng thoái lui và là điều hoàn toàn bình thường.
Trong tình huống trên, bé gái đã gặp một giai đoạn thoái lui trong quá trình học kỹ năng dùng bô (toilet) để đi vệ sinh.
Những trường hợp như vậy thường làm cha mẹ tức giận và thất vọng. Tuy nhiên, bạn cần hiểu cho trẻ, đây chỉ là một hiện tượng sinh lý phổ biến.
Đọc thêm: Tập cho trẻ dùng bô – lấy trẻ làm trung tâm
Nguyên nhân
Có hai nhóm nguyên nhân chính khiến trẻ thoái lui trong quá trình học một kỹ năng.
Bệnh lý
Bất kỳ một bệnh lý nào cũng có thể khiến trẻ quên mất những kỹ năng mình đã học. Do đó, nếu con của bạn gặp phải tình trạng này, hãy chú ý tìm kiếm các dấu hiệu bệnh lý và đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi cần thiết.
Biến cố
Những thay đổi lớn trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể gây nên hiện tượng trên:
- Bé được gửi trẻ hoặc có người chăm sóc mới.
- Gia đình mới có thêm em bé.
- Gia đình có người bị ốm hoặc tử vong.
- Cha mẹ cãi vã, ly hôn.
- Mới chuyển nhà.
Nhìn nhận đúng
Tất cả những nguyên nhân trên – dù tiêu cực hay tích cực – đều có thể khiến trẻ gặp thách thức trong việc tuân thủ một sinh hoạt sẵn có. Tương tự như việc bạn bỏ thói quen tập thể dục khi cuộc sống quá bận rộn. Hiểu được điều này sẽ giúp bạn dễ thông cảm cho trẻ hơn.
Dưới một góc nhìn khác, thoái lui cũng là một cách tốt để trẻ tự điều chỉnh cảm xúc – tâm lý của chính mình khi cuộc sống trở nên thách thức hơn.
Bạn nên làm gì
Xác định vấn đề
Trẻ không đủ khả năng ngôn ngữ để nói cho bạn biết trẻ đang gặp khó khăn gì. Do đó, hãy trò chuyện cùng con. Hỏi nhẹ nhàng nguyên nhân vì sao trẻ không chịu dùng bô. Có thể do trẻ sợ nhà vệ sinh ở trường mẫu giáo, hoặc trẻ không quen khi chuyển qua nhà mới.
Thấu hiểu – thông cảm với con
Lắng nghe những gì trẻ nói và cố gắng hiểu vấn đề của con. Hãy cho con biết có nhiều đứa trẻ khác cũng gặp phải chuyện này. Bạn giúp con hiểu rằng cảm thấy sợ hoặc bối rối là rất bình thường, và cảm giác này sẽ chóng qua.
Giải quyết vấn đề nếu có thể
Hãy làm tất cả những gì có thể để cải thiện vấn đề càng sớm càng tốt. Nếu trẻ cảm thấy ít được quan tâm do gia đình có em bé, bạn nên dành thời gian để ở một mình với con. Nếu trẻ sợ nhà vệ sinh ở nơi trông giữ, hãy cùng trẻ đến đó và phân tích để trẻ hiểu.
Hoặc tốt hơn nữa, bạn có thể tham khảo ý kiến của con. Hỏi xem trẻ nghĩ nên làm gì để giải quyết vấn đề. Quan tâm và tôn trọng ý kiến của trẻ sẽ giúp con tự tin hơn sau này.