Lợi ích của probiotic với sức khoẻ của trẻ em

Bạn hẳn đã từng một lần nghe đến lợi khuẩn, những vi sinh vật có lợi cho cơ thể con người. Không chỉ vậy, lợi khuẩn (probiotic) còn là một sản phẩm thường dùng cho trẻ em. Vậy lợi ích của probiotic là gì và liệu chúng có thực sự hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Key takeaways

  • Probiotic tham gia vào quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng ở đường ruột và chống lại các tác nhân gây bệnh.
  • Nhiều nghiên cứu cho thấy probiotic có lợi trong điều trị trong một số bệnh lý.
  • Tuy nhiên, hiện chưa có khuyến cáo hoàn toàn ủng hộ hoặc bác bỏ việc sử dụng probiotic.

Lợi khuẩn là gì

Lợi khuẩn là những vi sinh vật sống cộng sinh và có lợi cho cơ thể con người.

Nếu bạn chủ động bổ sung lợi khuẩn, chúng được gọi là probiotic, theo định nghĩa của WHO:

“Probiotic là những vi sinh vật còn hoạt động. Khi được đưa vào cơ thể với một liều lượng thích hợp, chúng có thể mang đến một số lợi ích cho vật chủ”

Những probiotic thông dụng thường có nguồn gốc từ vi khuẩn hoặc nấm. Ví dụ như Lactobacillus, Bifidobacterium, Streptococcus và Saccharomyces.

Đọc thêm: Probiotic là gì và vai trò với sức khoẻ của trẻ nhỏ

Sự phát triển hệ khuẩn đường ruột ở trẻ em

Để thực sự hiểu về lợi ích của probiotic, hãy cùng tìm hiểu về quá trình phát triển hệ khuẩn đường ruột ở trẻ nhỏ:

  • Vi sinh vật bắt đầu xâm nhập và cư trú trong đường ruột của trẻ từ lúc sinh, khi con đi qua âm đạo nhiều vi khuẩn của mẹ.
  • Sữa mẹ là nguồn cung cấp lợi khuẩn chính trong những tháng đầu đời. Trong sữa mẹ có chứa nhiều bifidobacteria và galacto-oligosaccharide, hỗ trợ sự phát triển của hai nhóm vi khuẩn chính là lactobacilli và bifidobacteria.
  • Hệ khuẩn ngày càng đa dạng khi trẻ bắt đầu ăn dặm và có thói quen đưa đồ vật lên miệng. Theo thời gian, hệ khuẩn của trẻ sẽ có thành phần gần giống với người lớn.

Trong suốt quá trình phát triển, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thành phần hệ khuẩn đường ruột của trẻ:

  • Trẻ sinh thường hay sinh mổ.
  • Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hay sữa công thức.
  • Chế độ ăn dặm.
  • Sử dụng kháng sinh.
  • Môi trường sinh sống của trẻ.

Vai trò của hệ khuẩn đường ruột

Cộng đồng lợi khuẩn đường ruột mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể:

  • Cạnh tranh và chiến đấu chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường tiêu hoá.
  • Kích thích niêm mạc ruột bài tiết chất nhầy.
  • Điều hoà hoạt động hấp thu các chất dinh dưỡng ở niêm mạc ruột.
  • Tương tác và thúc đẩy sự phát triển của hệ miễn dịch tại đường ruột.

Lợi khuẩn đường ruột chuyển hoá carbohydrate thành các acid béo chuỗi ngắn (SCFA). SCFA là nguồn dinh dưỡng chính cho tế bào ruột, làm giảm pH môi trường và kích thích tái hấp thu nước.

Lợi ích của probiotic

Khi trẻ sử dụng probiotic cũng có nghĩa con đang nạp vào hệ tiêu hoá một lượng vi sinh vật nhất định. Vậy những sinh vật bé nhỏ này giúp ích được gì cho con?

  • Probiotic chuyển hoá đường thành SCFA, làm giảm pH môi trường khiến vi khuẩn gây hại không thể phát triển.
  • Cạnh tranh nguồn dinh dưỡng với các tác nhân gây bệnh.
  • Sản xuất các hoạt chất có tính diệt khuẩn.
  • Tương tác và điều hoà hoạt động của các tế bào miễn dịch tại đường ruột.

Mỗi chủng probiotic có tác động sinh học khác nhau và được dùng để điều trị các bệnh lý khác nhau

Probiotic có thực sự hiệu quả

Lợi ích của probiotic trong các bệnh thường gặp ở trẻ em đã được kiểm chứng qua nhiều nghiên cứu. Bài viết sẽ tóm tắt các phát hiện khoa học về probiotic một cách dễ hiểu nhất cho bạn:

  1. Nhìn chung, việc sử dụng probiotic cho trẻ em là an toàn.
  2. Probiotic có thể có lợi trong một số bệnh như:
    • Giảm nguy cơ bị tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh.
    • Giảm thời gian và độ nặng khi trẻ bị tiêu chảy.
    • Cải thiện triệu chứng bệnh ruột kích thích ở trẻ em.
    • Phòng ngừa viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non, nhẹ cân.
    • Giảm nguy cơ và độ năng của các bệnh do dị ứng và chàm da.
  1. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đủ bằng chứng khoa học để hoàn toàn ủng hộ hay bác bỏ việc sử dụng probiotic.
  2. Sử dụng probiotic cần đúng chủng loại và trường hợp bệnh cụ thể. Bạn chỉ nên cho con sử dụng probiotic với hướng dẫn của bác sĩ.

Đọc thêm: Probiotic cho trẻ – Dùng sao cho đúng cách