Mách bạn cách giảm nôn trớ cho trẻ chuẩn khoa học

Con nôn trớ thường xuyên sau ăn bú là lo lắng của nhiều cha mẹ. Trong bài viết này, bạn sẽ tìm hiểu các cách giảm nôn trớ cho trẻ mà không cần dùng thuốc. Đây là những những phương pháp dễ áp dụng, khá an toàn và được các tổ chức dinh dưỡng trẻ em khuyến cáo.

Key takeaways

  • Đảm bảo cho con bú đúng cách, không bú quá nhiều trong một lần và vỗ lưng ợ hơi nên được áp dụng đầu tiên.
  • Làm đặc thức ăn hoặc dùng sữa công thức chống trào ngược khá an toàn cho trẻ nhỏ.
  • Trong phần lớn trường hợp, trẻ sẽ cải thiện nôn trớ với các cách không dùng thuốc.

Tại sao con nôn trớ

Trong những tháng tuổi đầu tiên, hệ tiêu hoá của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Cơ thắt ngăn cách giữa dạ dày và thực quản vẫn còn yếu nên thức ăn dễ trào ngược từ dạ dày lên thực quản và ọc ói ra ngoài, chúng ta thường gọi là nôn trớ.

Nôn trớ bắt đầu xuất hiện từ 2 tháng tuổi và giảm dần khi trẻ được 6 đến 12 tháng tuổi.

Như vậy, nôn trớ là một vấn đề tự nhiên và lành tính ở trẻ em. Ngoài ra, còn có 3 nguyên nhân khác khiến bé dễ ọc ói hơn (1) (2):

  • Ăn bú quá nhiều. Thể tích dạ dày của trẻ khá nhỏ, trẻ sẽ ọc ói nếu bạn cho con ăn quá nhiều hoặc quá nhanh.
  • Dị ứng thức ăn. Hệ tiêu hoá phản ứng quá mức với các chất lạ trong sữa mẹ hoặc sữa công thức cũng là nguyên nhân khiến trẻ nôn ói (Đọc thêm: Dị ứng đạm sữa bò – Dễ hiểu cho cha mẹ).
  • Nuốt không khí. Trẻ bú mẹ hoặc bú bình có thể nuốt không khí cùng với sữa, làm giảm sức chứa dạ dày.
  • Kích thích quá mức. Khóc, cười đùa, vận động mạnh sau ăn có thể khiến dạ dày kích thích, co bóp tống thức ăn ra ngoài.

Đọc thêm: Trẻ nôn trớ nhiều – 6 dấu hiệu cần gặp bác sĩ.
Đọc thêm: Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em – bình thường hay bất thường.

Bạn có biết

Trong hầu hết trường hợp, nôn trớ thường nhẹ và không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ. Tuy nhiên nếu diễn ra quá thường xuyên, nôn trớ có thể khiến trẻ khó nuôi, chậm tăng cân và gặp các vấn đề về hô hấp. Khi đó, cha mẹ cần hành động để giảm nôn trớ cho con.

Cho con bú đúng cách

Việc đầu tiên cần làm để giảm nôn trớ cho trẻ là xem lại cách cho con bú. Sau đây là một số gợi ý để bạn tự đánh giá nhé:

  • Cách chọn bình sữa, tốc độ dòng chảy của núm vú.
  • Pha sữa công thức đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Bảo quản sữa mẹ vắt và sữa công thức
  • Cách cho con bú bình.
  • Lượng sữa cho mỗi lần bú và số cữ bú trong một ngày.

Thông tin về những vấn đề trên đã được đề cập chi tiết ở các bài viết khác, mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Các sai lầm dễ mắc phải khi cho con bú:

  • Chọn núm vú có tốc độ dòng chảy quá nhanh khiến trẻ không nuốt kịp sữa.
  • Pha sữa công thức không đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, pha quá nhiều bột hoặc quá nhiều nước đều ảnh hưởng xấu đến trẻ.
  • Bảo quản sữa mẹ vắt không đúng cách làm giảm chất lượng sữa và điều này khiến trẻ dễ nôn ói.
  • Không quan tâm đến nhu cầu của con, cho con bú quá nhiều trong một lần để con không tiếp tục đòi bú.
  • Cho con bú bình trong tư thế nằm ngửa.

Các cách giảm nôn trớ cho trẻ

Vỗ lưng ợ hơi cho con

Vỗ lưng nhẹ cho con sau mỗi lần bú giúp không khí trong dạ dày thoát ra ngoài. Trẻ bú mẹ ít cần vỗ lưng hơn trẻ bú bình do bé nuốt ít không khí hơn. Nếu con thường ọc ói, bạn hãy thử cho con nghỉ giữa các cữ bú, vỗ lưng, đánh giá nhu cầu của con rồi hãy tiếp tục cho bú.

Đọc thêm: Vỗ lưng ợ hơi cho trẻ – Chi tiết từng bước cho mẹ.

Tránh kích thích trẻ

Hãy cố gắng giảm các kích thích dễ làm trẻ phân tâm như âm thanh, ánh sáng và vận động mạnh. Không bồng bế trẻ quá mạnh ngay sau khi bú. Giờ bú càng yên tĩnh càng giảm nguy cơ trẻ ọc ói.

Không nên cho con bú quá thường xuyên

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo khoảng cách giữa các lần bú nên là 2 giờ đối với trẻ bú mẹ và 2 giờ 30 phút đối với trẻ dùng sữa công thức. Khoảng thời gian này giúp dạ dày tiêu hoá sữa trước khi nạp thêm (1).

Chia nhỏ số lần ăn bú

Bạn có thể thử giảm lượng sữa hoặc bột trong một lần và tăng số lần cho trẻ ăn để giảm ọc ói.

Thử các tư thế khác nhau

Hãy thử các tư thế cho con bú khác nhau cho đến khi tìm được một cách phù hợp cho cả con và bạn. Bạn cũng nên giữ trẻ ở tư thế đầu cao trong khoảng 30 phút sau ăn bú.

Đọc thêm: 4 tư thế cho con bú đúng cách dễ thực hiện.

Làm đặc thức ăn

Nếu đã áp dụng hết các cách giảm nôn trớ cho trẻ ở trên mà bé vẫn không cải thiện, bạn có thể thử làm đặc thức ăn, ví dụ:

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các phương pháp trên cho thấy một số tín hiệu khả quan (3):

  • Nuôi trẻ bằng thức ăn chế được biến đặc hơn giúp giảm số lần nôn trớ trong một ngày, tăng số ngày trẻ không ọc ói và giảm triệu chứng quấy khóc kích thích.
  • Dùng sữa công thức chống trào ngược cũng đạt hiệu quả tương tự như làm đặc thức ăn.
  • Các nghiên cứu chưa ghi nhận những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến sức khoẻ của trẻ, dó đó làm đặc thức ăn và sữa là một phương pháp khá an toàn.

Loại bỏ protein từ bò

Dị ứng đạm sữa bò cũng là một trong số các nguyên nhân khiến trẻ nôn trớ. Theo khuyến cáo từ NASPGHAN* và ESPGHAN**, trẻ nôn trớ quá nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, không cải thiện với các cách giảm nôn trớ đã nêu ở trên có thể áp dụng chế độ ăn loại bỏ protein từ bò (3).

Chế độ ăn loại bỏ protein từ bò có nghĩa là:

Bác sĩ sẽ giúp bạn đánh giá xem trẻ có thật sự cần áp dụng chế độ dinh dưỡng này không, bằng cách nào và trong thời gian bao lâu.

Đọc thêm: Điều trị trào ngược cho trẻ – Hỏi đáp ngắn.

* NASPGHAN – North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition (Hiệp hội Tiêu hoá, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Bắc Mỹ).

** ESPGHAN – European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition (Hiệp hội Tiêu hoá, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Châu Âu).

  1. American Academy of Pediatrics – Gastroesophageal Reflux: Management Guidance for the Pediatrician – https://publications.aap.org/pediatrics/article/131/5/e1684/31266/Gastroesophageal-Reflux-Management-Guidance-for
  2. Gastroesophageal reflux in children: an updated review – https://www.drugsincontext.com/gastroesophageal-reflux-in-children:-an-updated-review/
  3. Pediatric Gastroesophageal Reflux Clinical Practice Guidelines: Joint Recommendations of the North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition (NASPGHAN) and the European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition (ESPGHAN) – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5958910/
  4. Diagnosis and Treatment of Gastroesophageal Reflux in Infants and Children – https://www.aafp.org/afp/2015/1015/p705.html