Mách bạn nguyên nhân trẻ chậm nói và cách theo dõi
Con của bạn đang gặp vấn đề chậm nói và bạn lo lắng không biết nguyên nhân là gì. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ chậm nói.
Sự khác nhau giữa lời nói và ngôn ngữ
Trẻ bị chậm nói có thể được chia thành 2 nhóm chính:
- Bất thường lời nói: trẻ gặp khó khăn trong việc nói ra các từ. Khả năng hiểu ngôn ngữ không bị ảnh hưởng.
- Bất thường ngôn ngữ: trẻ gặp khó khăn trong việc tạo ra và hiểu thông tin; bao gồm lời nói, cử chỉ và chữ viết. Trong trường hợp này, trẻ có thể nói được một số từ nhưng không thể tạo thành câu, cũng không thể hiểu được người khác nói gì.
Các bất thường cấu trúc
Các bất thường cấu trúc ở khoang miệng sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát âm của trẻ. Những dị dạng thường gặp là hở hàm ếch và thắng lưỡi ngắn.
Rất may mắn, những bất thường này thường được phát hiện và can thiệp sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị bỏ sót và chỉ được phát hiện khi trẻ chậm nói hoặc có vấn đề về phát âm.
Bệnh cơ – thần kinh
Một số trẻ bị chậm nói do bất thường ở não bộ, ví dụ chứng khó nói thần kinh ở trẻ em (childhood apraxia of speech). Căn bệnh khiến trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát vận động của cơ, môi, má, hàm cần cho hoạt động nói. Do đó, trẻ không thể nói được điều mình nghĩ dù con có thể nghe hiểu ngôn ngữ.
Chậm phát triển tâm thần – vận động
Vấn đề chậm nói của trẻ có thể nằm trong sự chậm phát triển chung. Ví dụ, trẻ chậm nói kèm chậm tăng cân, chưa biết ngồi hoặc không biết đi. Do đó, bạn cần chú ý và theo dõi xem con có đang phát triển phù hợp với lứa tuổi không.
4 trụ cột trong sự phát triển của trẻ gồm vận động, nhận thức, ngôn ngữ và xã hội. Hãy dành sự quan tâm đồng đều cho cả 4 khía cạnh này nhé.
Đọc thêm: Phát triển bình thường ở trẻ 2 tuổi
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển tâm thần – vận động. Khi nhận thấy con không phát triển đúng theo lứa tuổi, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để đánh giá và can thiệp sớm.
Bất thường thính giác
Nghe được lời nói là điều kiện tiên quyết để phát triển ngôn ngữ. Khi thính lực giảm, con sẽ không thể nghe được người khác nói gì cũng như chính lời nói của mình.
Sự phát triển thính giác bình thường của trẻ em như sau:
- Từ 1 tháng tuổi, trẻ biết xoay đầu về phía có âm thanh của mẹ.
- Từ 2 tháng tuổi, thính giác của trẻ phát triển hơn, con nghe được nhiều âm thanh hơn và sẽ xoay đầu về phía có nguồn âm.
- Khi được 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu phản hồi lại khi bạn trò chuyện cùng con.
Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để đánh giá thính lực nếu con có các dấu hiệu sau:
- Không xoay đầu về phía có nguồn âm thanh.
- Không giật mình, đáp ứng lại khi có tiếng động lớn.
- Trẻ không hoặc chậm đáp ứng khi bạn gọi tên con.
Viêm tai giữa
Viêm tai giữa rất phổ biến ở trẻ nhỏ, không chỉ vậy bệnh còn thường tái phát. Nếu trẻ chỉ bị viêm giữa cấp và được điều trị phù hợp, thính lực sẽ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nếu viêm tai giữa tiến triển kéo dài mạn tính hoặc tái phát nhiều lần, khả năng nghe cũng như phát triển ngôn ngữ của con có thể bị ảnh hưởng.
Các nguyên nhân khác
- Môi trường xã hội nghèo nàn, thời gian trẻ nói chuyện với người khác quá ít.
- Rối loạn phổ tự kỷ (Đọc thêm: Trẻ chậm nói có phải là dấu hiệu của bệnh tự kỷ)
- Trẻ sống trong môi trường có nhiều ngôn ngữ khiến con lẫn lộn.
- Bệnh bại não.
- https://www.uptodate.com/contents/etiology-of-speech-and-language-disorders-in-children?search=speech%20delay&source=search_result&selectedTitle=3~102&usage_type=default&display_rank=3#H2
- https://www.verywellfamily.com/causes-of-toddler-speech-delays-289665
- https://kidshealth.org/en/parents/not-talk.html