Mẹo dạy trẻ dùng bô từ khi còn nhỏ

Dạy trẻ nhũ nhi dùng bô là cách tập cho trẻ dùng bô từ khi còn rất nhỏ, thường trong 4 tháng đầu đời. Đây là phương pháp phù hợp nếu bạn không muốn trẻ mang tã giấy. Vậy cách này có ưu – khuyết điểm gì và thực hành ra sao, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Giới thiệu phương pháp

Nhìn chung, có thể chia các phương pháp tập cho trẻ dùng bô thành hai nhóm chính.

Nhóm 1

Các phương pháp dạy cho một đứa trẻ đang mặc tã học cách dùng bô:

  • Hai ví dụ điển hình là phương pháp tập cho trẻ dùng bô trong 3 ngàytập dùng bô lấy trẻ làm trung tâm.
  • Các phương pháp này phổ biến ở những nước Âu – Mỹ vì điều kiện kinh tế cao, trẻ được mặc tã thường xuyên.
  • Thách thức chính là khuyến khích trẻ bỏ mặc tã và tập đi vệ sinh vào bô.
  • Thường bắt đầu tập cho trẻ khá trễ, từ 18 tháng đến 2 tuổi.

Nhóm 2

Phương pháp dạy cho một đứa trẻ không mặc tã học cách dùng bô. Đây chính là cách được đề cập đến trong bài viết.

  • Cách này phổ biến ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Tại đây, trẻ nhỏ ít được mặc tã giấy.
  • Trọng tâm của phương pháp là người mẹ học cách nhận biết các dấu hiệu cho thấy trẻ muốn đi vệ sinh. Khi có các dấu hiệu này, mẹ nhanh chóng đưa con đến bô (toilet). Theo thời gian, trẻ sẽ hiểu rằng chiếc bô là nơi để chúng đi tiêu – đi tiểu.
  • Thường bắt đầu từ khá sớm, trong 4 tháng đầu đời.

Như bạn có thể thấy, chiếc tã giấy đã tạo nên sự khác biệt. Tã giấy thấm hút tốt khiến trẻ thoải mái và không nhận ra mình bị ướt khi đi vệ sinh. Điều này khiến lứa tuổi tập đi bô trễ hơn.

Ngược lại, trẻ không mang tã giấy dễ nhận thấy mình bị ướt (bẩn) khi đi tiêu – đi tiểu. Kết quả là lứa tuổi học cách dùng bô đến sớm hơn.

Nước tiểu trẻ sơ sinh
Tã giấy giúp trẻ khô thoáng, do đó trẻ bắt đầu học cách dùng bô trễ hơn

Tôi nên bắt đầu như thế nào

Mục tiêu

Mục tiêu của phương pháp tập đi bô cho trẻ nhũ nhi là:

  • Dạy trẻ biết tự cảm nhận các tín hiệu muốn đi vệ sinh.
  • Trẻ hiểu rằng muốn đi tiêu – đi tiểu thì phải dùng bô (toilet).
  • Trẻ cảm thấy thoải mái, hứng thú khi sử dụng bô.

Cách thực hiện

  • Theo dõi và học cách nhận biết các dấu hiệu trẻ sắp đi vệ sinh. Trẻ thường đi ị vào lúc nào – ví dụ như ngay sau khi thức dậy? Trẻ có phát ra tiếng động, có tư thế hoặc biểu hiện đặc biệt nào để gợi ý không? Bạn không cần quá lo lắng. Nếu bạn dành thời gian bên con đủ nhiều, việc này cũng giống như nhận biết bao giờ con đói hoặc buồn ngủ.
  • Khi trẻ có các dấu hiệu gợi ý sắp đi vệ sinh, bạn mau chóng đưa trẻ đến chỗ chiếc bô (toilet).
  • Tạo một tín hiệu để liên kết với việc đi tiêu – đi tiểu. Ví dụ bạn “sssss” mỗi lần trẻ sắp đi tè.
  • Lặp lại tín hiệu này mỗi khi trẻ sắp đi vệ sinh. Theo thời gian, trẻ sẽ liên kết việc này với hoạt động đi toilet.
  • Hãy kiên nhẫn và thông cảm khi trẻ gặp sự cố như ị ra ngoài hoặc tè trong quần.
  • Kết quả cuối cùng là trẻ hiểu được cần đi tiêu – đi tiểu vào chiếc bô (toilet) từ khi còn nhỏ tuổi. Bạn cũng đúng khi nghĩ rằng phương pháp này giống như tập “phản xạ có điều kiện” cho trẻ.

Ưu điểm của phương pháp

Thắt chặt mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ nhỏ. Bạn sẽ cần theo dõi trẻ để nhận ra các dấu hiệu cho thấy trẻ muốn đi vệ sinh. Do đó, bạn sẽ hiểu con hơn, nói cách khác bạn có thể kết nối với con mà không cần lời.

Trẻ thoải mái hơn. Việc không mặc tã giúp trẻ tránh các khó chịu và tình trạng hăm tã.

Giảm lượng tã. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu gia đình bạn không đủ điều kiện kinh tế để mua tã cho con. Ngoài ra, giảm sử dụng tã giúp giảm rác thải ra môi trường.

Tạo điều kiện để trẻ tự lập. Không có tã đồng nghĩa với việc trẻ cần dùng bô từ sớm. Do đó, tạo điều kiện để trẻ có thể tự làm một số việc đơn giản. Ví dụ như báo hiệu cho cha mẹ khi muốn đi vệ sinh, tự cởi quần, tự lấy chiếc bô hoặc dọn dẹp “đống lộn xộn” do mình tạo ra cùng cha mẹ.

Khuyết điểm của phương pháp

Mất nhiều thời gian và công sức. Bạn cần quan sát và học cách nhận biết các dấu hiệu của con. Do đó, nếu bạn là một người bận rộn hoặc cả vợ và chồng đều làm việc toàn thời gian, phương pháp này rất khó thực hiện.

Trẻ chưa sẵn sàng. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ nhỏ có thể cảm nhận cảm giác muốn đi tiêu – đi tiểu sớm nhất vào 12 tháng tuổi. Và sớm nhất 18 tháng tuổi trẻ mới có thể kiểm soát được hoạt động bàng quang và nhịn đi vệ sinh. Do đó, tập cho trẻ học cách dùng bô khi mới 4 tháng tuổi thật sự rất khó khăn.

Đọc thêm: Chọn thời điểm để tập cho trẻ đi bô

Khá bừa bộn. Trẻ sẽ ị hoặc tè ra ngoài khi không mặc tã giấy. Bạn sẽ mất công dọn đống bừa bộn và giặc quần áo cho con.

Tính hiệu quả

Điều này còn tuỳ thuộc vào định nghĩa “hiệu quả” của bạn. Câu trả lời sẽ là có nếu bạn kỳ vọng con dùng ít tã hơn và sớm học được kỹ năng dùng bô.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn con sẽ không bao giờ dùng đến tã hoặc không tè trong quần, câu trả lời có lẽ là không.

Trường hợp áp dụng thành công phương pháp này diễn ra như sau. Trẻ được cha mẹ dạy cho nhận thức “muốn đi vệ sinh thì phải dùng bô” từ rất sớm. Tiếp đến, trẻ học cách tự cảm nhận được các tín hiệu từ cơ thể. Cuối cùng, trẻ sẽ dùng bô để đi vệ sinh khi khả năng vận động (đi, chạy, ngồi, cởi quần) phát triển hoàn thiện.

Nhưng cũng có những trẻ không đi theo con đường này. Một số trẻ từ chối dùng bô dù đã được cha mẹ chỉ dạy từ rất sớm. Đây là một việc bình thường, bạn có lẽ nên đợi đến khi trẻ có đủ các dấu hiệu cho thấy con đã sẵn sàng tập dùng bô.