Nấm miệng ở trẻ em – Mách bạn cách nhận biết và xử trí

Bạn đang cho con bú và nhận ra lưỡi của trẻ có những mảng trắng. Vậy chúng là gì, có phải con đang nhiễm trùng không và cần điều trị như thế nào? Tất cả sẽ được trả lời trong bài viết này, cùng tìm hiểu nhé!

Key takeaways

  • Candida albicans là tác nhân thường gặp nhất gây nấm miệng ở trẻ em.
  • Nấm miệng trong phần lớn trường hợp không gây hại đáng kể và dễ điều trị.
  • Điều trị cho cả mẹ và con nếu có dấu hiệu nhiễm nấm là cần thiết để ngừa nấm tái phát.

Nấm miệng ở trẻ có nguyên nhân do đâu

Nếu bạn thấy lưỡi của bé có mảng trắng, khả năng cao con đang bị nhiễm nấm miệng. Nguyên nhân phổ biến nhất gây nấm miệng ở trẻ em là Candida albicans. Bạn không cần quá lo lắng, candida là loại nấm cộng sinh thường gặp trên cơ thể con người và không gây hại.

Bạn có thể tự hỏi liệu trẻ có đang mắc bệnh gì không mà lại nhiễm nấm miệng, trong khi các bé lớn hơn và người lớn không thường gặp tình trạng này? Câu trả lời là:

  • Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu và các cơ chế tự làm sạch khoang miệng (như tiết nước bọt, chà sát lưỡi) chưa hoàn thiện khiến nấm dễ phát triển.
  • Kháng sinh điều trị nhiễm trùng cũng gây nấm miệng ở trẻ em. Thuốc vô tình tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, khi các lợi khuẩn chết, nấm không bị kiềm hãm và phát triển mạnh.
  • Trẻ sinh thường (không sinh mổ) có thể nhiễm nấm từ âm đạo người mẹ.
  • Và rất hiếm trường hợp, trẻ bị suy giảm miễn dịch khiến cơ thể không có khả năng chống lại nấm.

Tình trạng nhiễm nấm miệng sẽ giảm dần và chấm dứt sau vài tháng tuổi đầu tiên khi mà:

Đọc thêm: Lưỡi trẻ bị trắng – Giải thích nguyên nhân cực dễ hiểu.

nấm miệng ở trẻ em

Bạn có thể thấy mảng nấm có màu trắng xuất hiện ở lưỡi và phía sau khoang miệng

Nấm miệng ở trẻ em gây hại gì

Trong phần lớn trường hợp, nấm miệng chỉ gây một chút khó chịu cho bé (1):

  • Mảng nấm bám rất dai, khó làm sạch bằng rơ lưỡi, nếu cố bạn có thể làm lưỡi bé chảy máu.
  • Khiến con quấy khóc, khó chịu.
  • Không chịu ăn bú.
  • Hay ọc ói.

Nấm lan tràn xuống thực quản khiến bé nuốt đau. Nấm đi sâu vào hệ tiêu hoá và thải ra phân có thể gây hăm tã.

Ngoài ra, người mẹ cũng có thể nhiễm nấm ở bầu vú. Triệu chứng thường gặp là núm vú thẫm màu, nứt nẻ hoặc đau nhói. Nhiễm nấm ở bầu vú gây nấm miệng ở trẻ hoặc cũng có thể là ngược lại.

Chẩn đoán nấm miệng ở trẻ em

Nếu nghi ngờ trẻ nhiễm nấm miệng, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ. Nhiễm nấm có thể chẩn đoán dễ dàng bằng cách quan sát (2) (3):

  • Mảng bám màu trắng trên lưỡi hoặc các vị trí khác như má, lưỡi gà, vòm miệng, nướu.
  • Mảng bám dai, khó loại bỏ.
  • Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể lấy mẫu mảng bám để soi cấy.

Bệnh có nặng không

Nhiễm nấm miệng khá thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể điều trị được, cách điều trị đơn giản và có thể phòng tránh.

Bệnh sẽ nặng nếu trẻ bị suy giảm miễn dịch. Nếu trẻ đã lớn nhưng vẫn nhiễm nấm hoặc nấm miệng tái phát nhiều lần, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ nhé.

Điều trị nấm miệng như thế nào

Nấm miệng ở trẻ em thường tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị, nhưng nếu triệu chứng vẫn còn dai dẳng, bạn nên đưa trẻ đi khám bệnh. Bác sĩ sẽ kê cho con thuốc kháng nấm để rơ lưỡi.

Nếu người mẹ cũng có triệu chứng nhiễm nấm, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng nấm bôi da hoặc thuốc uống cho mẹ.

Trong phần lớn trường hợp, các triệu chứng nhiễm nấm sẽ giảm dần sau 2 tuần bắt đầu điều trị.

Phòng ngừa nhiễm nấm bằng cách nào

Nấm candida rất dễ lây lan. Nếu nhiễm nấm, hãy đảm bảo cả mẹ và con đều được điều trị, nếu không tình trạng sẽ tái diễn liên tục. Sau đây là một số cách đơn giản để bảo vệ cho con:

Đối với người mẹ:

  • Giữa gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ.
  • Giữ bầu vú luôn khô ráo sau mỗi lần bú.
  • Hạn chế đường trong chế độ ăn. Một nghiên cứu chỉ ra ăn nhiều đường khiến nấm candida dễ phát triển (4).

Bạn có biết

Sử dụng probiotic cũng giúp ngăn ngừa và điều trị nhiễm nấm. Probiotic là các lợi khuẩn giúp kiềm hãm sự phát triển của nấm. Bạn có thể mua thực phẩm chức năng bổ sung probiotic tại hiệu thuốc, nhưng nhớ chọn các sản phẩm uy tín và tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ nhé (5).

  1. Thrush and Other Candida Infections – https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/infections/Pages/Thrush-and-Other-Candida-Infections.aspx
  2. Candidainfections of the mouth, throat, and esophagus – https://www.cdc.gov/fungal/diseases/candidiasis/thrush/index.html
  3. Neonatal thrush of newborns: Oral candidiasis? – https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/cre2.213
  4. New perspectives on the nutritional factors influencing growth rate of Candida albicans in diabetics. An in vitro study – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5572443/
  5. Probiotics as Antifungals in Mucosal Candidiasis – https://academic.oup.com/cid/article/62/9/1143/1745140