Nên chọn ăn dặm truyền thống hay ăn dặm BLW cho con

Hiện nay, có hai phương pháp ăn dặm chính được nhiều bậc cha mẹ biết đến là cách truyền thống và BLW (baby-led weaning, ăn dặm bé tự chỉ huy). Sau khi tìm hiểu chúng ta có thể thấy hai cách này hoàn toàn trái ngược nhau. Vậy cha mẹ nên chọn ăn dặm truyền thống hay ăn dặm BLW cho con?

Key takeaways

  • Ăn dặm truyền thống phù hợp với sự phát triển vận động nhai nuốt ở trẻ nhỏ, do đó giảm nguy cơ nghẹt thở do thức ăn.
  • Trẻ ăn dặm BLW có thể cắn miếng thức ăn quá to, chưa đủ khả năng nhai, vị trí lưỡi không an toàn nên gia tăng nguy cơ nghẹt thở.
  • Phương pháp truyền thống tạo cơ hội để bổ sung thêm thực phẩm giàu chất sắt vào chế độ ăn của trẻ. Trẻ ăn dặm BLW ít có nguy cơ béo phì hơn.
  • Bạn nên phối hợp cả 2 cách, giai đoạn đầu bằng phương pháp truyền thống, theo sau là BLW.

So sánh ăn hai phương pháp ăn dặm

ĂN DẶM TRUYỀN THỐNG
Về hình thức

  • Đã được các bậc cha mẹ dùng phổ biến lâu nay
  • Cha mẹ dùng thìa cho con ăn thức ăn đặc
  • Cha mẹ quyết định con ăn gì, lượng bao nhiêu, trong bao lâu
  • Độ đặc và cứng của thức ăn tăng dần theo thời gian, phù hợp với sự phát triển vận động nhai nuốt của trẻ
  • Trẻ không tham gia vào buổi ăn cùng gia đình

Về ưu điểm

  • Cha mẹ yên tâm hơn về lượng thức ăn trẻ tiêu thụ
  • Dùng thức ăn được nghiền nát, xay nhuyễn giúp việc cho ăn diễn ra dễ dàng và nhanh hơn
  • Thuận tiện trong bổ sung thực phẩm giàu chất sắt
  • Độ đặc phù hợp với phát triển vận động nhai nuốt của trẻ, tránh được nguy cơ mắc nghẹn
  • Ít bừa bộn hơn

ĂN DẶM BLW
Về hình thức

  • Được Gill Rapley vào năm 2008 và ngày càng được quan tâm
  • Cha mẹ chỉ hỗ trợ, trẻ là người trực tiếp cầm nắm và tiêu thụ thức ăn
  • Trẻ quyết định mình ăn gì, ăn bao nhiêu và nhanh hay chậm
  • Thức ăn thường được chế biến sao cho trẻ có thể tự cầm nắm và tự ăn
  • Trẻ trực tiếp tham gia vào buổi ăn cùng gia đình

Về ưu điểm

  • Cha mẹ bớt căng thẳng do trẻ không chịu ăn
  • Khuyến khích trẻ khám phá thức ăn
  • Tạo cơ hội để trẻ phát triển phối hợp vận động tay – mắt – miệng
  • Tập cho trẻ tự điều chỉnh hoạt động ăn uống dựa theo nhu cầu của mình
  • Trẻ không bị bắt ép, giúp trẻ có thái độ tích cực với việc ăn uống
Ăn dặm truyền thống hay ăn dặm BLW

Nguy cơ mắc nghẹn – nghẹt thở

Hoạt động nhai nuốt

Hoạt động nhai nuốt diễn ra như sau:

  • Cắn thức ăn thành kích cỡ thích hợp.
  • Nhai thức ăn, trộn với nước bọt để tạo thành viên thức ăn mềm.
  • Nâng lưỡi đưa thức ăn về phía cuối lưỡi. Tại đây khởi phát phản xạ nuốt.
  • Phản xạ nuốt giúp đẩy viên thức ăn xuống họng vào thực quản.

Như vậy, điểm mấu chốt là trẻ cần phải nâng được lưỡi để đưa viên thức ăn về cuối và kích thích phản xạ nuốt.

Khi bú mẹ, dòng sữa được “bơm” trực tiếp về phía cuối khoang miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho phản xạ nuốt. Trẻ dễ dàng đưa sữa xuống họng mà không cần nhai và tạo viên thức ăn.

Khi ăn đặc, nếu trẻ không đủ khả năng cắn, nhai, tạo viên thức ăn, nâng lưỡi để khởi phát phản xạ nuốt; trẻ sẽ có nguy cơ mắc nghẹn.

Nhai nuốt khi ăn dặm truyền thống

Trẻ được ăn bột mềm (hoặc cha mẹ nhai và mớm tạo sẵn viên thức ăn cho trẻ) nên hoạt động nuốt diễn ra thuận tiện hơn. Nguy cơ nghẹt thở là thấp hơn.

Hơn nữa, độ đặc của thức ăn tăng dần phù hợp với khả năng nhai nuốt của trẻ. Từ tháng thứ 8, răng bắt đầu mọc. Từ 12 tháng, trẻ phát triển cách nhai với hàm “xoay tròn” như người lớn.

Như vậy, ăn dặm truyền thống rất phù hợp với sự phát triển vận động nhai nuốt của trẻ nhỏ và giảm thiểu nguy cơ nghẹt thở.

Nhai nuốt khi ăn dặm BLW

Nhiều tác giả ủng hộ BLW cho rằng trẻ 6 tháng có đủ khả năng để cắn và nhai. Tuy nhiên, trên thực tế trẻ thường cắn một miếng quá to. Ngoài ra, trẻ cắn và nhai bằng nướu, điều cần đến lưỡi để cố định thức ăn giữa hai nướu. Lúc này lưỡi đưa ra trước và không còn bảo vệ đường thở, gây gia tăng nguy cơ mắc nghẹn.

Nguy cơ còn cao hơn nếu trẻ ăn thực ăn nhiều chất xơ (rau, củ) hoặc thịt thái sợi (vốn là những thức ăn thường dùng trong BLW để trẻ dễ cầm nắm).

Đảm bảo chất dinh dưỡng sắt

Sắt rất cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu, phát triển trí não và hệ miễn dịch. Từ tháng thứ 6, sữa mẹ không còn cung cấp đủ sắt và trẻ cần thêm sắt từ ăn dặm. Do đó, việc bổ sung thêm thực phẩm giàu sắt là rất quan trọng (sắt có nhiều trong thịt, gan hoặc bột ăn dặm được bổ sung thêm sắt). Chất sắt có ít trong rau và trái cây.

Ăn dặm truyền thống tạo nhiều cơ hội để bổ sung chất sắt. Cha mẹ có thể xay nhuyễn thịt cho trẻ ăn hoặc chọn mua các loại bột được bổ sung thêm sắt.

Trong khi đó, ăn dặm BLW khó thực hiện điều này hơn. Các thức ăn dễ cầm nắm như rau quả thường ít sắt. Còn các thực phẩm giàu sắt thì trẻ khó nhai nuốt được.

Đọc thêm: Bắt đầu ăn dặm nên ăn gì – Dễ hiểu cho người mới bắt đầu.

Nguy cơ thừa – thiếu cân nặng

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ áp dụng BLW ít bị béo phì khi lớn lên. Tuy nhiên, trẻ dùng BLW thường nhẹ cân hơn (nhưng vẫn trong giới hạn bình thường) so với trẻ ăn dặm truyền thống.

  • Đối với trẻ BLW: 86% cân nặng bình thường, 5% thiếu cân, 8% béo phì.
  • Đối với trẻ ăn dặm truyền thống: 78% cân nặng bình thường, 3% thiếu cân, 19% béo phì.

Áp dụng ở trẻ sinh non

BLW không phù hợp với trẻ sinh non và chậm phát triển. Trẻ sinh non có nhu cầu về chất sắt cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Ngoài ra, trẻ sinh non cũng gặp khó khăn khi ăn thức ăn đặc ngay cả khi đủ 12 tháng.

Trẻ chậm phát triển có thể không vận động tốt để ăn dặm BLW như giữ đầu và cổ ổn định, ngồi được trên ghế và với lấy thức ăn.

Lưu ý về bằng chứng khoa học

Hiện nay, không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định một cách chắc chắn về tính hiệu quả, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và cân nặng của hai phương pháp trên. Do đó, không có chuyện hoàn toàn đúng hay sai trong việc bạn chọn phương pháp nào.

Đọc thêm: Ăn dặm BLW – Các nhà khoa học nghĩ gì và giúp được gì

Ăn dặm truyền thống hay ăn dặm BLW

Nên phối hợp cả hai phương pháp

Khi ăn dặm lần đầu, bạn nên cho trẻ ăn theo kiểu truyền thống bằng thìa với thức ăn được xay nhuyễn. Tốt nhất bạn nên bổ sung thêm thực phẩm giàu chất sắt sớm ngay từ đầu (xay thịt hoặc dùng bột ăn dặm tăng cường sắt).

Khi trẻ đã quen hơn với việc nhai – trộn – nuốt viên thức ăn và bắt đầu mọc răng, bạn có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn theo BLW. Giai đoạn này thường bắt đầu vào khoảng 8 đến 12 tháng tuổi. Bên cạnh đó, các nghiên cứu chỉ ra không nên giới thiệu thức ăn rắn cho trẻ sau tháng thứ 10 vì gây tăng nguy cơ khó ăn.

  1. Introducing solid foods using baby-led weaning vs. spoon-feeding: A focus on oral development, nutrient intake and quality of research to bring balance to the debate – https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/nbu.12191
  2. How Feasible Is Baby-Led Weaning as an Approach to Infant Feeding? A Review of the Evidence – https://www.mdpi.com/2072-6643/4/11/1575
  3. Baby-led weaning: what a systematic review of the literature adds on – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5934812/