Nghẹt thở – Xử trí như thế nào cho đúng
Nghẹt thở là gì
Nguyên nhân
Đây là tình trạng trẻ không thể thở được do có dị vật gây bít tắc đường thở. Nghẹt thở thường xảy ra ở trẻ em từ 1 đến 3 tuổi do:
- Các cơ chế để bảo vệ đường thở chưa hoàn thiện.
- Trẻ thích khám phá, thường cầm đồ vật cho vào miệng.
- Vừa ăn vừa chơi đùa.
- Chưa mọc răng và hoạt động cắn, nhai, nuốt không suôn sẻ.
Biến chứng
Nếu dị vật gây tắc ngay tại thanh quản, đường thở sẽ bị bít tắc hoàn toàn. Lúc này, trẻ không thể nói, khóc và thở. Nếu không thể loại bỏ dị vật trong 1 đến 2 phút, biến chứng nặng sẽ xảy ra:
- Ngưng thở: tắc nghẽn hoàn toàn gây hạ oxy máu đến một mức độ thì trẻ ngưng thở và tử vong.
- Ngất: hạ oxy máu khiến trẻ ngất.
- Viêm phổi do hít sặc: trẻ có thể hít dị vật, dịch tiết, dịch dạ dày vào sâu trong phổi gây viêm phổi hít, đây thường là bệnh cảnh nghiêm trọng.
Biểu hiện
Bạn cần sớm nhận biết trẻ bị tắc đường thở để sơ cứu nhanh chóng.
- Diễn ra hết sức đột ngột.
- Có yếu tố nguy cơ: ăn lúc chơi đùa, trẻ ăn thức ăn dễ gây mắc nghẹn như nho, kẹo, thạch.
- Trẻ đột ngột ho sặc sụa, nhanh chóng trở nên khó thở, tím tái, bứt rứt, vật vã.
- Nghe tiếng rít khi trẻ hít vào.
- Trẻ đột ngột vật vã, KHÔNG nói hay khóc được, lấy hai tay ôm cổ.
Sơ cứu nghẹt thở
Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện nào nêu trên, bạn nhanh chóng làm theo những bước sau:
- Gọi ngay cấp cứu, gọi người giúp đỡ.
- Xác định trẻ còn tự thở hay không.
- Khuyến khích trẻ ho.
- Nếu trẻ vẫn còn thở và tự ho được, bạn không nên làm gì thêm, CHỈ nên khuyến khích trẻ tiếp tục tự ho để tống dị vật ra ngoài.
- KHÔNG cho trẻ uống bất kỳ thứ gì, nước sẽ tiếp tục gây tắc những khoảng trống còn lại để dẫn khí.
- Nếu trẻ trên 1 tuổi ngừng thở, thực hiện ngay phương pháp Heimlich:
- Ôm trẻ bằng hai tay vòng từ phía sau.
- Một bàn tay tạo thành nắm đấm, đặt tay còn lại lên trên nắm đấm.
- Đặt nắm đấm ngay dưới xương ức (trên rốn).
- Giật mạnh hai tay và nắm đấm về phía sau và lên trên, một cách đột ngột và chắc chắn. Hành động này sẽ ép toàn bộ khí ra khỏi phổi để tống dị vật ra ngoài.
- Lặp lại 10 lần cho đến khi tống dị vật ra ngoài.
- Nếu trẻ dưới 1 tuổi ngừng thở, thực hiện ngay phương pháp vỗ lưng:
- Đặt trẻ trên tay hoặc đùi, một góc 60 độ với đầu chúc xuống dưới (trọng lực sẽ giúp lấy dị vật ra ngoài).
- Dùng bàn tay vỗ thật mạnh vào lưng, ở giữa hai xương bả vai. Lặp lại 5 lần. Vỗ mạnh, nhanh, dứt khoát.
- Nếu trẻ không tự thở lại, đặt trẻ nằm ngửa, dùng 2 ngón tay ấn vào phần dưới xương ức.
- Tiếp tục lặp lại 2 bước trên cho đến khi tống được dị vật ra ngoài.
- Nếu không tống được dị vật ra ngoài, trẻ ngừng thở và hôn mê:
- Mở miệng trẻ và nhìn xem có dị vật lấy ra được bằng tay hay không (thường là không có).
- KHÔNG đút tay vào miệng để lấy dị vật “mù”. CHỈ làm vậy nếu bạn thấy rõ dị vật và chắc mình có thể lấy ra bằng tay.
- Nếu bạn biết cách thực hiện hồi sức tim phổi (CPR):
- Hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Cách này có thể đưa khí vào phổi tạm thời.
- Nếu hà thổi thổi ngạt KHÔNG làm nâng lồng ngực – lặp lại vỗ lưng và ấn ngực như trên.
Phòng tránh nghẹt thở
Bạn đã biết nghẹt thở là cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, do đó hãy tích cực phòng tránh.
- Nhận biết và hạn chế những loại thức ăn dễ gây nghẹt thở: các loại hạt (bất kể loại và hình thức chế biến), kẹo cứng, bỏng ngô, khoai tây chiên, kẹo cao su.
- Ngoài thức ăn, các đồ vật nhỏ cũng nguy hiểm như đồ chơi, pin hoặc các bộ phận nhỏ có thể tháo rời.
- KHÔNG đưa thức ăn dễ gây mắc nghẹn cho trẻ dưới 4 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ chưa có đủ răng để nhai thức ăn cứng và không biết cách để phun hạt ra ngoài như người lớn.
- Dạy trẻ nhai thật kỹ thức ăn trước khi nuốt.
- Không cho trẻ ngậm thức ăn đầy trong má như sóc chuột (trẻ thường thích chơi trò này).
- Hãy kiểm tra môi trường xung quanh một cách định kỳ để phát hiện và loại bỏ các đồ vật dễ gây mắc nghẹn (thường là đường kính nhỏ hơn 3cm).
- KHÔNG ăn khi đang chơi đùa, không cười đùa khi ăn.
Các câu hỏi thường gặp
Làm thế nào tôi biết được trẻ có bị nghẹt thở hay không?
Nếu một đứa trẻ bị nghẹt thở, chúng sẽ không thể nói, thở, khóc, ho hoặc tạo ra bất kỳ tiếng ồn nào. Trẻ thường lấy tay ôm chặt ngực hoặc cổ.
Tôi có nên cố gắng lấy dị vật ra bằng ngón tay không?
Bạn KHÔNG nên đưa ngón tay vào miệng để thử lấy dị vật ra. Bạn có nguy cơ đẩy dị vật xuống sâu hơn. Ngoài ra, bạn có thể làm tổn thương thêm mô mềm nhạy cảm ở phía sau cổ họng (có thể sưng lên và bít tắc nhiều hơn). Chỉ cố gắng lấy dị vật nếu bạn thấy rõ và chắc mình có thể lấy ra bằng ngón tay.
Làm thế nào tôi biết chắc chắn đường thở đã được thông thoáng?
Bạn sẽ thấy dị vật phun ra khỏi miệng và trẻ bắt đầu thở lại. Nếu trẻ đủ lớn, bạn hỏi xem chúng có cảm thấy tốt hơn không.
Điều gì xảy ra nếu dị vật đi sâu xuống phổi?
Điều quan trọng là đường thở đã thông thì trẻ mới thở lại được. Các bác sĩ sẽ nội soi để gắp dị vật ra ngoài.
Có nên cho trẻ uống nước không?
Không, nước sẽ gây bít tắc những khoảng trống còn lại.
Tôi nên làm gì nếu con tôi không phản ứng và ngừng thở?
Hà hơi thổi ngạt (nếu bạn biết cách) và lặp lại vỗ lưng, ấn ngực, Heimlich cho đến khi tống được dị vật ra ngoài (hoặc đội cấp cứu đến).
- https://www.nct.org.uk/baby-toddler/first-aid-and-safety/first-aid-what-do-if-your-child-starts-choking
- Pediatric Telephone Advice – Choking – Barton D. Schmitt M.D.