Ngộ độc ở trẻ em – Sơ cứu ban đầu và mẹo phòng tránh
Trẻ em rất thích khám phá thế giới xung quanh, do đó khó tránh khỏi việc trẻ nuốt nhầm chất độc. Nhiều đồ vật trong nhà có thể gây ngộ độc cho trẻ như thuốc, chất tẩy rửa, thuốc diệt chuột, xăng dầu. Bài viết giúp bạn biết cách xử trí ban đầu khi trẻ ngộ độc và những mẹo phòng tránh.
Phân loại ngộ độc ở trẻ em
Dựa vào thành phần có thể phân loại ngộ độc như sau:
Chất axit, kiềm, xăng dầu
- Nhóm axit kiềm: chất tẩy rửa bồn cầu, nước rửa chén, nước giặt, chất tẩy trắng.
- Nhóm xăng dầu: dầu hỏa, xăng, benzen, chất đánh bóng đồ nội thất.
Các loại thuốc: nhiều loại thuốc nguy hiểm nếu quá liều như thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA), thuốc ngủ (barbiturates), thuốc an thần, thuốc tim mạch. Thuốc không kê đơn (OTC) cực kỳ nguy hiểm là sắt và aspirin.
Chất không độc: nến, phấn, màu sáp, thức ăn chó mèo, xà phòng, dầu ăn, nước hoa.
Một chất có độc hay không còn tuỳ thuộc vào liều lượng. Chất không độc nhưng dùng với một lượng lớn vẫn có thể trở thành chất độc. Ngoài ra, một sản phẩm hiện nay bao gồm nhiều thành phần khác nhau nên khó nhận định có gây độc hay không.
Ngộ độc khác với nuốt nhầm dị vật (vật cứng, không độc, gây nghẹt thở). Tuy nhiên, một số dị vật có thể gây độc như pin. Các loại pin nếu mắc kẹt trong mũi, tai, họng, dạ dày có thể gây tổn thương mô mềm trong vòng 2 giờ.
Đọc thêm: Xử trí nghẹt thở ở trẻ em.
Sơ cứu ngộ độc ở trẻ em
Xác định chất độc
Trong nhiều trường hợp, rất khó xác định liệu trẻ đã nuốt chất độc vào miệng hay chưa. Nhiều trẻ nhỏ không hiểu về sự nguy hiểm hoặc sợ cha mẹ nên không dám nói. Khi nghi ngờ hoặc tận mắt chứng kiến trẻ nuốt chất độc, bạn cần:
Bình tĩnh không la mắng trẻ, hỏi nhẹ nhàng để trẻ nói mình có nuốt hay không, chất gì, bao nhiêu, từ lúc nào.
Các thông tin bạn cần nhớ để hỗ trợ cho bác sĩ điều trị:
- Xác định chắc chắn trẻ có nuốt hay không.
- Trẻ nuốt chất gì; bạn nhớ đem theo chất độc, bao bì, đơn thuốc để bác sĩ xác định loại chất độc và có điều trị phù hợp.
- Trẻ nuốt với lượng bao nhiêu.
- Trong thời gian bao lâu.
- Sau khi nuốt trẻ có biểu hiện gì bất thường không.
Xử trí chung
- Loại bỏ thuốc hoặc chất độc ra khỏi miệng trẻ.
- Nếu trẻ nuốt chất hoá học, cho trẻ uống 60 – 90ml nước để làm sạch thực quản. Không cần như vậy làm nếu trẻ uống nhầm thuốc.
- Nếu có biểu hiện nghiêm trọng (hôn mê, co giật, thở yếu) gọi cấp cứu ngay.
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngộ độc axit, kiềm, xăng dầu
- Loại bỏ chất độc ra khỏi miệng trẻ (nếu có).
- Cho trẻ uống 60 – 90 ml nước để làm sạch thực quản.
- KHÔNG khuyến khích hoặc làm trẻ nôn. Nguyên nhân: axit và kiềm đã nuốt sẽ tiếp tục gây tổn thương thực quản, xăng dầu có thể bị hít sặc vào phổi gây viêm phổi.
Ngộ độc thuốc
- Loại bỏ thuốc ra khỏi miệng trẻ (nếu có).
- KHÔNG cần cho uống nước.
- KHÔNG khuyến khích trẻ nôn, không dùng thuốc tẩy sổ.
Phòng tránh ngộ độc
- Giữ hoá chất và thuốc trong tủ kín, tránh xa tầm tay trẻ em.
- Không để trẻ có cơ hội tiếp xúc với đồ uống có cồn, chỉ cần 30ml đồ uống có nồng độ cồn cao có thể khiến một đứa trẻ 2 tuổi tử vong. Bạn cũng cần biết nước súc miệng có độ cồn từ 15 – 25%.
- Các thuốc trong gia đình cần để nơi an toàn, khi cho trẻ uống thuốc cần xác định đúng liều lượng.
- Không để thuốc trong túi xách, trẻ có thể lục tìm và nghĩ đó là kẹo.
- Không để hoá chất tẩy rửa trong bình nước uống thông thường (ví dụ, đựng nước rửa chén trong bình nước ngọt).
- Thuốc diệt chuột hết sức nguy hiểm, tốt nhất bạn không nên để nó trên sàn nhà vì trẻ có thể bốc ăn.
- Hãy đảm bảo trẻ không thể lấy pin ra khỏi các thiết bị và đồ chơi của trẻ.
- Chọn các loại cửa tủ có thể tự đóng lại nếu bạn quên đóng.
Các câu hỏi thường gặp
Làm thế nào tôi biết trẻ đã nuốt phải thứ gì đó có hại?
Bạn có thể chứng kiến tận mắt hoặc nghe trẻ kể về việc đó, ví dụ “con mới nhặt mấy viên kẹo dưới đất” nhưng thực ra là thuốc diệt chuột. Ngoài ra, bạn có thể thấy chất độc xung quanh miệng hoặc ngửi thấy mùi.
Trẻ nhỏ có những phản ứng khác nhau với các chất độc và đôi khi phải mất một thời gian để các triệu chứng xuất hiện. Nếu bạn nghi ngờ, hãy tìm kiếm chăm sóc y tế ngay.
Tôi có thể cho trẻ uống gì đó không?
Bạn có thể cho trẻ uống 60 – 90ml nước nếu trẻ ngộ độc các chất axit, kiềm, dầu để làm sạch thực quản. Ngoài ra, KHÔNG cho trẻ uống thêm bất kỳ thứ gì.
Tôi có nên dùng thuốc tẩy xổ không?
Thuốc tẩy xổ (ipeac) khiến trẻ nôn và đi tiêu nhiều hơn. Thuốc không tống được chất độc ra ngoài mà còn làm trẻ tổn thương thêm. Ví dụ, trẻ ngộ độc xăng dầu, khi nôn xăng có thể đi vào phổi gây viêm phổi. Đi tiêu nhiều cũng khiến trẻ mất nước. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã khuyến cáo không dùng thuốc tẩy xổ cho trẻ ngộ độc.
- Pediatric Telephone Advice – Poisoning – Barton D. Schmitt M.D.
- https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/all-around/Pages/Poison-Prevention.aspx
- https://www.redcross.org.uk/first-aid/learn-first-aid-for-babies-and-children/poisoning