- Để nói trẻ bị táo bón thường cần đủ 3 yếu tố: Số lần đi tiêu ít, phân to cứng và đi tiêu khó khăn, phải rặn nhiều.
- Hãy chú ý đến các dấu hiệu nguy hiểm như táo bón kèm nôn ói, chướng bụng, tiêu ra máu, sụt cân. Nếu có những dấu hiệu này, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể.
- Táo bón chức năng là tình trạng trẻ không đi tiêu được và không có một nguyên nhân gây bệnh cụ thể.
Số lần đi tiêu bình thường
Ở trẻ em, số lần đi tiêu trong một ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Lứa tuổi. Trẻ sơ sinh thường đi tiêu nhiều lần, càng lớn lên số lần đi tiêu trong một ngày càng giảm.
- Chế độ dinh dưỡng. Trẻ ăn thiếu chất xơ khiến phân cứng, kém lưu thông trong ruột và làm giảm số lần đi tiêu.
- Sữa mẹ hay sữa công thức. Trẻ bú mẹ thường đi tiêu nhiều hơn so với dùng sữa công thức.
- Thói quen đi tiêu. Trẻ có thói quen đi tiêu lành mạnh sẽ ít có nguy cơ bị táo bón hơn.
Như vậy, không có một số lần đi tiêu bình thường nhất định cho mọi đứa trẻ. Bạn không nên chỉ dựa vào số lần đi tiêu ít để kết luận con bị táo bón.
Xác định trẻ bị táo bón
Áp dụng chung
Thông thường, cần đủ cả 3 dấu hiệu sau để nói trẻ bị táo bón:
- Số lần đi tiêu giảm hơn so với bình thường.
- Trẻ gắng sức, gồng người, nhăn nhó, đỏ mặt để rặn khi đi tiêu. Trẻ khóc do đau vào mỗi lần đi tiêu.
- Phân cứng, kích thước rất to hoặc nhỏ dẹt như phân dê.
Trẻ sơ sinh và nhỏ hơn 1 tuổi
Trong giai đoạn sơ sinh, số lần đi tiêu của trẻ rất thay đổi. Nhiều trẻ đi tiêu sau mỗi lần bú, một số khác phải sau nhiều ngày mới đi một lần. Cả hai trường hợp này đều bình thường. Do đó, dựa vào số lần đi tiêu là không đủ để nói trẻ bị táo bón. Những dấu hiệu khác gợi ý cho bạn là:
- Trẻ gồng người, gắng sức nhiều khi đi tiêu.
- Phân cứng, kích thước rất to hoặc nhỏ.
- Và quan trọng nhất, trẻ có chậm tiêu phân su từ sau khi sinh không.
Hầu hết trẻ bình thường sẽ tiêu phân su lần đầu tiên trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Trẻ đi phân su lần đầu trễ hơn 48 giờ là dấu hiệu cảnh báo đường ruột có bất thường. Hãy đưa con đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu chậm tiêu phân su.
Đọc thêm: Trẻ bị táo bón phải làm sao – Hiểu đúng về cách điều trị
Dấu hiệu nguy hiểm
Bây giờ bạn đã biết cách xác định trẻ có táo bón thật sự hay không. Việc tiếp theo là nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm:
- Trẻ nôn ói nhiều, bụng chướng to và không thể đi tiêu.
- Tiêu phân có lẫn máu đỏ.
- Sốt.
- Trẻ bị sụt cân hoặc chậm tăng cân.
- Trẻ đi tiêu phân su lần đầu trễ hơn 48 giờ sau sinh.
- Thói quen đi tiểu của trẻ thay đổi khác so với bình thường. (Đọc thêm: Nước tiểu trẻ sơ sinh – tất cả những gì bạn cần biết)
Những dấu hiệu trên gợi ý táo bón chỉ là triệu chứng của một bệnh tiềm ẩn bên dưới. Do đó, bạn cần nhận biết sớm và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân và can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ táo bón và những bệnh thường gặp là:
- Bệnh Hirschsprung: Trong bệnh này phân không thể đi qua ruột già. Dấu hiệu thường gặp là trẻ nôn ói nhiều, bụng chướng và chậm tiêu phân su. (Xem lại các dấu hiệu đáng lo ở trên).
- Dị ứng đạm sữa bò: Trẻ táo bón khi chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức. (Đọc thêm: Dị ứng đạm sữa bò – Dễ hiểu cho cha mẹ).
- Nhược giáp bẩm sinh: Trẻ bị thiếu hormone giáp khiến nhu động ruột giảm, phân chậm thoát ra ngoài gây táo bón.
Bạn có thể thấy táo bón không hề đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Càng đặc biệt hơn nếu trẻ kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm đã nêu ở trên.
Táo bón chức năng
Nếu con của bạn bị táo bón và không kèm theo các dấu hiệu đáng lo nêu trên, rất có thể trẻ bị táo bón chức năng.
Bạn có thể hiểu táo bón chức năng là hậu quả của các yếu tố như: nín giữ phân, nhịn đi tiêu, chế độ ăn thiếu chất xơ, thiếu vận động. Và hoàn toàn không có một bệnh thật sự gây táo bón.
Phần lớn các trường hợp táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng. Đây là tình trạng lành tính nhưng thường dai dẳng khó điều trị. Bạn không thể mong con sớm đi tiêu bình thường trở lại trong một hai ngày.
Để trẻ hết táo bón, cha mẹ cần phối hợp ba yếu tố sau:
- Dùng thuốc nhuận tràng để giúp trẻ dễ đi tiêu hơn.
- Thay đổi chế độ ăn, đảm bảo con ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước.
- Tập cho con thói quen đi vệ sinh đúng cách.
Lời kết
Bài viết không nhằm giúp bạn biết cách tự chẩn đoán nguyên nhân khiến trẻ táo bón. Việc này hết sức khó khăn ngay cả với các bác sĩ. Hi vọng bài viết đã giúp bạn chính xác như thế nào là táo bón và nhận biết sớm các dấu hiệu nguy hiểm. Đây là hai việc quan trọng và thiết thực mà cha mẹ có thể làm tại nhà.