Những điểm đặc biệt về làn da em bé

Da là hàng rào đầu tiên bảo vệ chúng ta khỏi các tác động từ môi trường. Bạn có biết rằng da em bé rất khác với người lớn, chúng chưa trưởng thành và cần một chế độ chăm sóc đặc biệt.

Key takeaways

  • Da em bé rất khác với người lớn, da liên tục trưởng thành và hoàn thiện trong một năm đầu đời.
  • Da trẻ khá mỏng và có tính thấm cao, dễ mất nhiệt và mất nước qua da.
  • Lớp thượng bì đóng vai trò quan trọng như hàng rào bảo vệ ngoài cùng của da.

Da có cấu trúc như thế nào

Da người có ba lớp: thượng bì, lớp bì và mô dưới da. Trong đó, lớp ngoài cùng của thượng bì là tầng sừng. Tầng này chứa nhiều tế bào sừng vững chắc, liên kết chặt chẽ với nhau để bảo vệ các thành phần da bên dưới.

da em bé

Cấu trúc da có 3 lớp, trong đó lớp thượng bì là hàng rào bảo vệ cơ thể chủ yếu

Da em bé khác da người lớn như thế nào

Cấu trúc da trẻ em rất khác với da người lớn:

  • Chúng mỏng hơn da người lớn rất nhiều. Các nghiên cứu cho biết lớp thượng bì da trẻ em mỏng hơn đến 30% so với người lớn.
  • Da chứa ít chất làm ẩm, ít lipid và sắc tố melanin. Điều này khiến trẻ dễ bị mất nước qua da và nhạy cảm với ánh sáng mặt trời (Đọc thêm: Chọn kem chống nắng cho bé sao cho an toàn).
  • Độ pH da trẻ sơ sinh khá cao. Độ pH cao khiến da khó loại trừ các vi sinh vật gây hại.

Những khác biệt về cấu trúc nêu trên khiến làn da của con có nhiều điểm đặc biệt như:

  • Trẻ dễ mất hơi ẩm và nhiệt độ qua da. Tốc độ mất nước qua da ở trẻ em cao gấp 1,4 lần so với người lớn.
  • Tuyến mồ hôi chưa phát triển nên trẻ không thể toát mồ hôi để điều hoà thân nhiệt.
  • Thân nhiệt của trẻ dễ dao động theo nhiệt độ môi trường.
  • Da mỏng dễ thấm với các chất hoá học và dễ bị tổn thương khi tiếp xúc các kích thích từ môi trường bên ngoài.
  • Hệ miễn dịch ở da còn non yếu nên rất dễ bị nhiễm khuẩn.
  • Đọc thêm: 8 loại bớt bẩm sinh phổ biến ở trẻ nhỏ.
  • Đọc thêm: Chọn sản phẩm an toàn cho làn da của con.

Bao giờ da em bé trưởng thành

Da của trẻ được gọi là trưởng thành khi chúng có thể hoạt động tương tự như người lớn, cụ thể là:

  • Giữ được hơi ẩm, giảm tốc độ mất nước qua da.
  • Không bị mất nhiệt, duy trì thân nhiệt ổn định bất kể nhiệt độ môi trường.
  • Không thấm với các chất độc hại.
  • Vững mạnh chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.

Các nhà khoa học thường dựa vào tốc độ mất nước qua da để xác định thời điểm trưởng thành ở da trẻ em.

Tốc độ mất nước qua da cao có nghĩa da còn non nớt, dễ bị nhiễm khuẩn và mắc các bệnh viêm da như chàm sữa (viêm da cơ địa). Ngược lại, tốc độ này càng thấp cho thấy da đã trưởng thành hơn.

Tốc độ mất nước qua da trẻ em ngang bằng với người lớn khi bé được một tuổi. Như vậy, từ lúc mới sinh cho đến một tuổi là giai đoạn da trưởng thành nên con cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt.

Đọc thêm: Trị hăm tã cho bé đúng cách và khoa học.

Đọc thêm: Bé bị khô da – Chăm sóc hiệu quả và an toàn.

da em bé

Lớp sừng (stratum corneum) nằm ngoài cùng của thượng bì. Ở trẻ em lớp sừng dễ bong tróc và gây viêm da

Tầng sừng rất quan trọng với da của trẻ

Tầng sừng có vai trò gì

Da có nhiều cách để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại:

  • Tầng sừng vững chắc ở ngoài cùng của da.
  • Mối liên kết bền chặt giữa các tế bào da.
  • Tuyến nhờn duy trì pH da thấp khiến vi khuẩn khó sinh sản.
  • Các tế bào bạch cầu ở da giúp tiêu diệt các tác nhân có hại.

Tuy nhiên, trong số các yếu tố kể trên, da của trẻ nhỏ chỉ có tầng sừng; các cơ chế còn lại vẫn chưa hoàn thiện. Tầng sừng bao gồm nhiều tế bào sừng xếp chồng lên nhau như bức tường gạch. Trong suốt quá trình lớn lên, đây sẽ là yếu tố chính bảo vệ cơ thể của bé.

Điều gì xảy nếu tầng sừng bị phá vỡ

Nhiều yếu tố từ môi trường bên ngoài như vi khuẩn, hoá chất, mạt nhà và bụi có thể khiến tầng sừng bị tổn thương. Điều này càng dễ xảy ra hơn do da của trẻ rất mỏng.

Các yếu tố gây hại xâm nhập vào da gây viêm và dị ứng, kết quả là tầng sừng bị phá vỡ. Tầng sừng bong tróc khiến lượng nước mất qua da nhiều hơn và da dễ bị nhiễm khuẩn.

Áp dụng thực tế như thế nào

Hiểu rõ những điểm đặc biệt về làn da của trẻ sẽ giúp bạn biết cách chăm sóc con tốt hơn:

  • Không quấn khăn cho trẻ quá chặt và cũng không để trẻ phong phanh. Luôn quan tâm đến nhiệt độ môi trường xung quanh con.
  • Không tự ý bôi thuốc lên da trẻ sơ sinh. Thuốc dễ dàng đi qua da vào máu và gây độc cho cơ thể.
  • Không nên ngâm trẻ trong nước quá lâu, làm vậy sẽ gây mất nhiệt qua da làm hạ thân nhiệt.
  • Hãy nhẹ nhàng khi tắm cho trẻ sơ sinh, không nên dùng miếng cọ da. Nếu bạn quá mạnh tay, tầng sừng sẽ bong tróc gây da mất nước và dễ nhiễm khuẩn.
  • Bạn nên chọn cho con loại sữa tắm có tính trung hoà hoặc acid nhẹ để giúp da giữ ẩm và tăng khả năng diệt khuẩn.
  • Đọc thêm: Hăm tã ở trẻ nhỏ – Tất cả những gì bạn cần biết.