Nước tiểu trẻ sơ sinh – Tất cả những gì bạn cần biết

Nhắc đến trẻ nhỏ là nói đến việc thay tã. Và hẳn bạn cũng có nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này. Ví dụ, trẻ cần dùng bao nhiêu tã mỗi ngày, nước tiểu của trẻ có đặc điểm ra sao và nên kiểm tra gì mỗi lần thay tã? Bài viết sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc phổ biến về vấn đề nước tiểu trẻ sơ sinh.

Key takeaways

  • Lượng nước tiểu của trẻ được ước tính bằng số tã ướt. Đây là cách để bạn biết con đã nhận đủ lượng sữa cần thiết hay chưa.
  • Bình thường, trẻ sơ sinh sẽ có 6 – 8 tã ướt sau 6 ngày tuổi.
  • Nếu trẻ chỉ có một lượng nhỏ nước tiểu màu vàng sẫm, cô đặc, có mùi hôi sau ngày thứ 4; hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
  • Nếu trẻ đau, quấy khóc khi đi tiểu; đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.

Số tã ướt trong tuần đầu tiên

Lượng nước tiểu của trẻ được ước tính bằng số tã ướt (nước tiểu). Trẻ có bao nhiêu tã ướt mỗi ngày là một vấn đề quan trọng khi bạn cho con bú. Đây là dấu hiệu cho biết con có nhận đủ lượng sữa cần thiết hay không.

Nếu cho con bú bình, bạn có thể dễ dàng biết được trẻ đã nhận được bao nhiêu sữa. Tuy nhiên, việc này sẽ khó khăn hơn khi bạn cho con bú mẹ trực tiếp.

Lượng sữa tiêu thụ của trẻ khác nhau tuỳ trường hợp:

  • Trẻ bú mẹ: phụ thuộc vào lượng sữa từ bầu vú của mẹ. Trong những ngày đầu, trẻ sơ sinh không nhận được nhiều sữa mẹ nên số tã ướt ít. Dần dần lượng sữa mẹ tăng, trẻ sẽ tè nhiều và có nhiều tã ướt hơn.
  • Trẻ bú bình: phụ thuộc vào lượng sữa mà trẻ bú được. Nếu trẻ bú nhiều sữa, lượng nước tiểu sẽ tăng và ngược lại

Đếm số tã ướt giúp bạn yên tâm rằng con đã nhận đủ lượng sữa cần thiết trong một ngày. Số lượng tã ướt (nước tiểu) của trẻ thay đổi rất nhiều trong tuần đầu tiên.

  • Ngày 1: Trẻ sẽ đi tiểu lần đầu tiên trong vòng 12 đến 24 giờ sau khi sinh. Lượng nước tiểu lúc này còn ít.
  • Ngày 2: Trẻ nên có ít nhất 2 chiếc tã ướt mỗi ngày
  • Ngày 3–5: Trẻ nên có ít nhất 3 đến 5 chiếc tã ướt.
  • Ngày thứ 6 trở đi: Trẻ phải có ít nhất 6 đến 8 chiếc tã ướt mỗi 24 giờ và có thể nhiều hơn.
Nước tiểu trẻ sơ sinh

Số tã ướt rất quan trọng để biết trẻ có bú đủ sữa hay không

Số tã ướt sau tuần đầu tiên

Trẻ sơ sinh sẽ ổn định thói quen bú và ăn uống tốt vào tuần thứ hai của cuộc đời. Thông thường sau tuần đầu tiên, trẻ sẽ có 6 đến 8 chiếc tã ướt mỗi ngày.

Bàng quang của trẻ sơ sinh chỉ chứa được khoảng 15 mL nước tiểu, vì vậy chúng sẽ đi tiểu rất thường xuyên. Một số trẻ tè đến 20 lần trong một ngày, điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu con đang ngủ, bạn không cần phải đánh thức trẻ để thay tã. Thay tã trước hoặc sau mỗi lần cho bú, khoảng hai đến ba giờ một lần là phù hợp.

Nước tiểu trẻ sơ sinh có màu gì

Thông thường, nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu vàng nhạt hoặc không màu. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm, thảo mộc và thuốc mà bạn sử dụng có thể làm thay đổi màu sắc của sữa mẹ và màu nước tiểu của con.

Nước tiểu cô đặc

Nước tiểu cô đặc có màu vàng sẫm và nặng mùi. Điều này có thể xảy ra trong những ngày đầu khi lượng sữa mẹ ít nên lượng nước tiểu của trẻ cũng ít và đặc hơn. Tuy nhiên, nếu nước tiểu của trẻ vẫn cô đặc sau ngày thứ 4, hãy gọi cho bác sĩ.

Nước tiểu bụi gạch

Nước tiểu rất đặc trong vài ngày đầu tiên có thể chứa tinh thể axit uric. Các tinh thể này gây ra vết bột màu hồng, đỏ hoặc cam trong tã của bé được gọi là bụi gạch. Dù trông đáng lo nhưng bụi gạch là bình thường đối với nhiều trẻ sơ sinh. Nước tiểu cô đặc và bụi gạch sẽ biến mất vào ngày thứ năm hoặc thứ sáu khi lượng sữa mẹ tăng lên.

Máu trong tã

Hai lý do lành tính khi có máu trong tã là:

  • Kinh nguyệt giả: Các bé gái có thể tiết dịch âm đạo nhuốm máu trong vài ngày đầu tiên của cuộc đời, nó được gọi là kinh nguyệt giả. Nguyên nhân do hoạt động của nội tiết tố và nó không có hại.
  • Cắt bao quy đầu: Bé trai có thể bị chảy một ít máu trong tã sau khi cắt bao quy đầu. Chảy máu thường kéo dài trong vài giờ đến một ngày.

Bao giờ cần đến gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cảnh báo

Khi bú đủ sữa, trẻ sẽ có ít nhất 6 đến 8 tã ướt mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu con không được cung cấp đủ chúng có thể bị mất nước. Mất nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất nguy hiểm.

Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu:

  • Con bạn bú không tốt.
  • Con chỉ tè một lượng nhỏ nước tiểu màu vàng sẫm, cô đặc, có mùi hôi sau ngày thứ 4.
  • Trẻ buồn ngủ bất thường và khó đánh thức.
  • Miệng và môi của trẻ bị khô.
  • Chỗ mềm trên đỉnh đầu (thóp) lõm xuống.
  • Bạn nhìn thấy vết bụi gạch trong tã của trẻ sơ sinh sau ngày thứ tư.
  • Trẻ sơ sinh hoàn toàn không đi tiểu

Khi con bạn được sáu ngày tuổi, trẻ nên có ít nhất 6 chiếc tã ướt mỗi ngày. Nếu trẻ không tạo đủ nước tiểu hoặc không có nước tiểu, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức.

Nước tiểu trẻ sơ sinh có máu

Hai nguyên nhân lành tính là kinh nguyệt giả và cắt bao quy đầu. Ngoài hai nguyên nhân này ra, nếu có máu trong nước tiểu hoặc trẻ khóc khi đi tiểu, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.

Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu

Nếu vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu của trẻ, nó có thể gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm thay đổi số lượng, màu sắc hoặc mùi nước tiểu của con.

Rất khó để phát hiện nhiễm trùng tiểu ở trẻ sơ sinh. Sau đây là một số triệu chứng gợi ý cho bạn:

  • Sốt.
  • Có máu trong nước tiểu.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Đau khi đi tiểu, trẻ quấy khóc mỗi lần đi tiểu.
  • Nước tiểu có mùi.

Nếu bạn thấy những dấu hiệu này của nhiễm trùng tiểu, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị. Sau đây là một số cách để ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu:

  • Thay tã cho trẻ thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi tiêu.
  • Lau sạch vùng quấn tã của bé từ trước ra sau. Lau theo chiều ngược lại làm dây bẩn vi khuẩn từ vùng hậu môn vào niệu đạo
  • Đảm bảo con bú đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • Rửa tay trước và sau khi thay đồ cho bé.