Phát triển bình thường ở trẻ 2 tuổi
Con của bạn đã chạm đến cột mốc 2 tuổi và bạn băn khoăn không biết cần theo dõi sự phát triển của con như thế nào. Hãy tham khảo qua bài viết để tìm hiểu về sự phát triển ở trẻ từ 2 đến 3 tuổi nhé.
4 phương diện phát triển
Mọi đứa trẻ đều cần phát triển hoàn thiện trên 4 phương diện:
- Vận động. Bao gồm vận động thô (ngồi, đi, chạy, leo cầu thang) và vận động tinh (cầm nắm các vật trong tay).
- Giao tiếp. Trẻ nghe, hiểu và nói được ngôn ngữ. (Đọc thêm: Bao giờ trẻ bắt đầu nói)
- Nhận thức. Khả năng trẻ học được các kỹ năng mới và hiểu các khái niệm trừu tượng.
- Xã hội. Cách trẻ hoà nhập với cộng đồng.
Cách nhìn này sẽ giúp bạn theo dõi con toàn diện hơn, thay vì chỉ chăm chú vào một kỹ năng nào đó, ví dụ con có nói được không, con đi được chưa. Theo dõi toàn diện giúp bạn sớm phát hiện các bất thường ở trẻ và có can thiệp kịp thời.
Phát triển ở trẻ 12 tháng tuổi
Vận động
Từ dễ đến khó, ở lứa tuổi này trẻ có thể:
- Tự ngồi được.
- Đứng mà không cần hỗ trợ.
- Tự kéo mình đứng lên từ tư thế ngồi.
- Đi với sự hỗ trợ của cha mẹ.
- Một số trẻ bắt đầu tự đi được.
- Về vận động tinh, bé có thể nhặt các vật nhỏ bằng ngón tay.
Giao tiếp
Từ 12 tháng, trẻ có thể nói từ có 2 âm tiết như baba, mama. Trẻ cũng bắt đầu hiểu được những hướng dẫn đơn giản từ cha mẹ.
Nhận thức
Trẻ thường cầm đồ chơi đập vào nhau hoặc ném đi, đây là cách con khám phá thế giới xung quanh. Trí nhớ của trẻ cũng tốt hơn, bạn dấu một món đồ đi không có nghĩa là con sẽ quên hẳn nó.
Xã hội
Trẻ bám lấy cha mẹ và cảnh giác với những người lạ. Trẻ thể hiện sự vui thích khi được chơi đùa với mọi người.
Phát triển ở trẻ 18 tháng tuổi
Vận động
Trẻ có thể đi và chạy vững mà không bị vấp ngã hoặc đi lên cầu thang nếu được người lớn hỗ trợ. Tại thời điểm này, trẻ có thể tự dùng muỗng và ly, đây là cơ hội để bạn tập cho trẻ ăn dặm và sử dụng cốc nước của riêng mình.
Giao tiếp
Trẻ vẫn nói các cụm 2 từ, nhưng vốn từ vựng ngày càng mở rộng chứ không chỉ là baba, mama. Quan trọng hơn hết, trẻ cần biết chỉ tay và yêu cầu điều mà con muốn.
Đọc thêm: Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói
Nhận thức
Trẻ hiểu được các yêu cầu đơn giản như “lấy chiếc bút” “cầm chiếc thìa”. Ngoài ra, trẻ cũng có thể tự chỉ tay vào các cơ quan của mình.
Xã hội
Trẻ bắt đầu quen với các sinh hoạt hàng ngày như buổi sáng sẽ được cha mẹ gọi dậy, đến giờ thì cần đi ngủ. Đây là thời điểm thích hợp để bạn bắt đầu dạy con cách dùng bô và ngủ đúng giờ. Trẻ cũng biết ganh tỵ và thích chơi với bạn bè.
Phát triển ở trẻ 2 tuổi
Vận động
Trẻ thực hiện được các động tác khó hơn như đứng trên một chân, tự đi lên cầu thang hoặc đá bóng. Về vận động tinh, trẻ có thể cầm bút vẽ các đường cong, đường thẳng.
Giao tiếp
Trẻ nói được một câu dài hơn và liên tục học thêm từ mới mỗi ngày. Chính thời điểm này bạn cần chú ý lời nói của mình, trẻ thật sự chú ý và có thể học theo bạn nhanh chóng.
Đọc thêm: Làm thế nào để khuyến khích phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ
Nhận thức
Trẻ ngày càng độc lập hơn và hiểu được các yêu cầu phức tạp của cha mẹ, ví dụ như “lấy đồ chơi và cho vào giỏ”. Con ngày càng sáng tạo khi kể chuyện, vẽ hoặc tự tạo trò chơi cho mình. Ngoài ra, trẻ còn biết cách phân loại đồ vật dựa vào màu sắc hoặc nhận biết tên loài vật qua tranh ảnh.
Xã hội
Trẻ bắt đầu học cách thể hiện những cảm xúc phức tạp như mệt, đói, buồn bã. Một điểm đặc biệt nữa là trẻ bắt đầu biết chống đối không nghe lời cha mẹ.
Phát triển ở trẻ 3 tuổi
Vận động
Các kỹ năng vận động thô gần như hoàn thiện, trẻ chạy vững, thích leo trèo và có thể tập đi xe đạp. Tay chân của trẻ đã bớt vụng về hơn, con có thể cầm bút vẽ một bức tranh và kể về nó.
Giao tiếp
Bây giờ trẻ đã có thể nói được một chuỗi câu, vốn từ vựng của trẻ cũng mở rộng. Khi được hỏi, trẻ có thể cho bạn biết con tên gì, mấy tuổi và giới tính gì. Bạn sẽ nhận thấy con nói ngày càng nhiều và luôn đặt câu hỏi cho cha mẹ.
Đọc thêm: Trẻ chậm nói có phải là dấu hiệu của tự kỷ không.
Nhận thức
Con có thể hiểu được những yêu cầu phức tạp gồm nhiều bước từ cha mẹ. Trẻ cũng hiểu được các khái niệm trừu tượng như ngày mai, bên trong, ở trên, phía dưới. Các trò chơi của trẻ cũng ngày càng sáng tạo hơn, con thích khám phá xem cách đồ chơi hoạt động, chơi trò đóng vai hoặc xây nhà bằng khối gạch.
Xã hội
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy trẻ con ở độ tuổi này thường thích chơi một mình hơn. Tuy nhiên, ý thức xã hội của trẻ bắt đầu gia tăng. Con chú ý hơn đến bạn bè xung quanh, ví dụ như kể về bạn cùng lớp hoặc lo lắng khi thấy một đứa trẻ khác khóc. Trẻ cũng học được các kỹ năng xã hội như đợi đến lượt, chia sẻ và hợp tác với mọi người.
Lời kết
Dù trông nhỏ bé nhưng mỗi kỹ năng trẻ học được đều rất đáng quý. Hãy thử nghĩ đến các bé chậm phát triển tâm thần – vận động, con đường sắp đến sẽ rất khó khăn. Hiểu được điều này sẽ giúp bạn trân trọng hơn những gì gia đình mình đang có.