Phát triển kỹ năng xã hội và thích nghi ở trẻ nhỏ

Khía cạnh cuối cùng trong 5 lĩnh vực phát triển ở trẻ em là xã hội và thích nghi. Hãy cùng tìm hiểu xem hai khía cạnh này được hình thành và phát triển như thế nào nhé.

Key takeaways

  • Kỹ năng xã hội là khả năng con tạo được mối quan hệ với mọi người xung quanh.
  • Kỹ năng thích nghi là khả năng con biết tự chăm sóc bản thân và duy trì cơ thể khoẻ mạnh.
  • Đây là hai kỹ năng cao nhất, đòi hỏi trẻ phát triển bình thường về vận động thô, vận động tinh và ngôn ngữ.

Kỹ năng xã hội và thích nghi là gì

Con người là loài động vật sống theo cộng đồng, do đó, bất kỳ cá nhân nào cũng phải học cách làm việc chung với mọi người xung quanh. Khả năng trẻ tạo được mối quan hệ và đối xử phù hợp với người khác được gọi là kỹ năng xã hội (social skill).

Bên cạnh đó, kỹ năng thích nghi (adaptive skill) cũng rất quan trọng. Đây là khả năng trẻ tự thực hiện được các sinh hoạt hàng ngày để duy trì cơ thể khoẻ mạnh. Ví dụ như tự ăn, biết mặt quần áo, sử dụng toilet để đi vệ sinh hoặc nhận biết và tránh xa nguy hiểm.

Kỹ năng xã hội của trẻ phát triển như thế nào

Ngay từ lúc nhỏ, trẻ đã biết cách tạo mối quan hệ với cha mẹ; càng lớn lên, kỹ năng này càng phát triển.

  • 2 tháng tuổi: biết mỉm cười xã giao với cha mẹ.
  • 4 tháng: trẻ cười thành tiếng nếu cảm thấy thích thú.
  • 6 tháng: biết phân biệt người lạ và quen. Trẻ cảm thấy rất buồn nếu phải xa cha mẹ.
  • 9 tháng: biết bắt chước hành vi của người khác.
  • 12 tháng: trẻ biết phân biệt khen cấm. Thể hiện sự vui thích khi chơi với mọi người.
  • 15 tháng: biết ghen tỵ.
  • 18 tháng: quen dần với các quy định xã hội như sáng phải thức dậy và làm vệ sinh.
  • 2 tuổi: trẻ có tính độc lập cao, thích tự mình làm việc. Con cũng bắt đầu biết thể hiện các cảm xúc cá nhân như vui buồn, mệt mỏi, hưng phấn.
  • 3 tuổi: biết quan tâm đến mọi người xung quanh, đi thăm hàng xóm láng giềng. Con bắt đầu kể về bạn bè, biết hợp tác hoặc chờ đến lượt.

Kỹ năng thích nghi phát triển như thế nào

Bạn có thể tưởng tượng kỹ năng thích nghi là kết quả từ:

  • Sự phát triển đầy đủ của các lĩnh vực cơ bản: vận động thô, vận động tinh, ngôn ngữ và xã hội.
  • Cộng với sự hướng dẫn và động viên từ cha mẹ.

Do đó, câu hỏi thiết thực nên đặt ra là:

  • Trẻ có phát triển bình thường ở các lĩnh vực khác không?
  • Và chọn thời điểm nào để hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng thiết yếu?

Sau đây là một số mốc thời gian bạn có thể tham khảo để dạy trẻ biết cách tự chăm sóc bản thân:

  • Giấc ngủ. Nếu bạn muốn tập cho con một thói quen thức ngủ đúng giờ, vậy thì hãy bắt đầu từ tháng thứ 6. Các nghiên cứu chỉ ra từ tháng thứ 6, trẻ mới hình thành đồng hồ sinh học và bắt đầu ngủ ngon giấc về đêm.
  • Tự ăn. Từ tháng thứ 6 bạn có thể cho con ăn dặm bằng cách tự cầm nắm thức ăn (như phương pháp BLW). Khi được 18 tháng, vận động tinh phát triển và trẻ bắt đầu tập dùng muỗng. Cũng trong khoảng thời gian này, bạn có thể hướng dẫn cho con tự mặc quần áo.
  • Dùng toilet. Bạn có thể tập cho trẻ dùng bô từ năm 2 tuổi. Lúc này trẻ đã sẵn sàng về mặt vận động và hiểu được hướng dẫn của cha mẹ.
  1. Developmental Evaluation – Developmental and Behavioral Pediatrics – American Academy of Pediatrics.
  2. Sự phát triển tâm thần – vận động ở trẻ em – Giáo trình nhi khoa – Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  3. https://www.verywellfamily.com/seven-social-skills-for-kids-4589865
  4. https://parentingscience.com/social-skills-activities/
  5. https://blogs.ubc.ca/earlychildhoodintervention1/category/1-3-adaptive-development-in-early-elementary/