Phòng ngừa béo phì ở trẻ em
Bệnh béo phì ở trẻ em đang gia tăng mạnh mẽ. Theo thống kê tại Hoa kỳ, 1/5 số trẻ mẫu giáo thừa cân. Tại Việt Nam, 41.1% học sinh bị thừa cân – béo phì.
Bài viết được lược dịch từ báo cáo “Vai trò của bác sĩ nhi khoa trong việc phòng chống béo phì ” của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP). Hy vọng sẽ mang đến cho bạn một số cách thiết thực để hạn chế béo phì không chỉ ở trẻ em mà cho cả gia đình.
Một số gợi ý
Chọn loại thức ăn
- Tăng khả năng tiếp cận với các thực phẩm lành mạnh. Bình đựng nước, trái cây, đồ ăn nhẹ từ rau củ và các thức ăn có hàm lượng calo thấp nên luôn có sẵn và đặt ở nơi dễ thấy. Ví dụ, trước tủ lạnh hoặc trong những chiếc bát lớn trên bàn ăn. Thay lọ đựng bánh kẹo bằng bát đựng trái cây.
- Giảm kích thước. Sử dụng muỗng, chén, đĩa nhỏ hơn để giúp trẻ chỉ ăn khẩu phần thích hợp.
- Ăn sáng. Bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, có liên quan đến bệnh béo phì. Vì buổi sáng có thể bị hạn chế về thời gian, bạn hãy tìm các món ăn sáng chuẩn bị nhanh và có thể mang đi.
- Nấu ăn với con. Trẻ sẽ tự hào là người giúp đỡ cho cha mẹ. Vì vậy, hãy để trẻ làm những gì có thể và nhiều khả năng trẻ sẽ ăn những gì chúng tự chuẩn bị.
- Đếm màu sắc. Càng nhiều màu sắc trong khẩu phần ăn của trẻ thì càng tốt cho sức khỏe. Hãy tạo một trò chơi và yêu cầu trẻ đếm xem có bao nhiêu màu trong thức ăn. (ví dụ: hai loại rau xanh, một cam, một vàng…)
- Cho trẻ cơ hội để đưa ra quyết định. Ví dụ “con có muốn ăn đậu xanh hay đậu Hà Lan vào bữa tối nay không?”.
- Hạn chế đồ ăn vặt.
- Hạn chế nước trái cây ở mức 120ml một ngày và tránh đồ uống có đường như soda và nước tăng lực. (Đọc thêm: nhu cầu nước ở trẻ em).
- Tránh dùng thức ăn như một phần thưởng hoặc hình phạt (hạn chế thức ăn vì hành vi xấu).
- Không ăn trực tiếp từ gói. Đồ ăn nhẹ có hàm lượng calo cao nên được đóng gói trong các túi hoặc hộp nhỏ hơn để hạn chế trẻ ăn trực tiếp một lượng lớn thức ăn nhẹ.
- Tắt TV khi ăn tối. Các nghiên cứu đã chỉ ra vừa ăn vừa xem ti vi khiến người ta tiêu thụ nhiều thức ăn hơn. Hãy dành thời gian đó để kết nối lại với gia đình vào bữa tối.
Ngủ
Trẻ không ngủ đủ giấc sẽ có nguy cơ béo phì cao hơn. Cha mẹ có thể giúp con hình thành thói quen ngủ đúng giờ. Loại bỏ TV khỏi phòng ngủ để khuyến khích vệ sinh giấc ngủ tốt.
Giảm tiếp xúc với màn hình điện tử
AAP khuyến nghị giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử ở mức 2 giờ hoặc ít hơn mỗi ngày. Điều này có thể là một thách thức đối với cha mẹ vì giới hạn giữa giải trí và giáo dục đang bị xóa nhòa, đặc biệt khi sử dụng máy tính.
Hoạt động thể chất
Cuộc sống bận rộn khiến việc tập thể dục trở nên khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động thể chất không nhất thiết là thể thao – các hoạt động gia đình và vui chơi tích cực (gia đình đi bộ, đi xe đạp, các trò chơi và hoạt động ngoài trời) đều được tính!
Nếu bạn không có một khoảng sân rộng, hãy tìm những công viên hoặc sân chơi gần nhà và lên kế hoạch đi chung với cả gia đình. Cho trẻ tham gia lập kế hoạch giúp chúng hào hứng tham gia hơn. Mục tiêu 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày.
Động viên trẻ
Trẻ em bắt chước các hành vi của cha mẹ, do đó để con ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, trước hết bạn cần có một chế độ sinh hoạt đúng đắn. Bạn nên hạn chế phán xét, la mắng khi con làm sai. Với mỗi hành vi đúng của con, dù rất nhỏ cũng cần nhận được sự khen ngợi từ cha mẹ.