- Bạn cần hướng dẫn con cách xử trí khi có chó lạ tiếp cận trẻ như đứng yên, đuổi chó đi bằng giọng to, chắc chắn.
- Nếu chó tấn công, hãy nằm cuộn tròn, lấy tay che kín vùng mặt.
- Chó cắn gây ba nguy cơ chính: bệnh dại, uốn ván và nhiễm trùng vết thương.
Các nguy cơ
Trẻ có thể bị tấn công bởi thú cưng trong nhà hoặc khi chơi đùa bên ngoài. Khi bị chó cắn, trẻ sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm như tổn thương mô mềm, bệnh dại, uốn ván, nhiễm trùng, thậm chí có thể tử vong. Chó cắn là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng phần lớn trường hợp có thể phòng tránh được. Do đó, giáo dục cho trẻ cách phòng ngừa là một việc rất quan trọng.
Phòng tránh chó cắn
Điều dễ làm và quan trọng nhất là không để trẻ chơi đùa với chó một mình, đặc biệt nếu đó không phải là thú cưng trong nhà.
Sau đây là những lời khuyên từ CDC Hoa Kỳ:
- Không chơi các trò chơi quá sức mạnh bạo với chó như vật lộn hoặc đánh, đá vào thú cưng.
- Luôn cảnh giác và không đến gần những con chó lạ, nếu thấy chó chảy nước dãi nhiều hoặc có hành vi kỳ lạ, cần tránh xa và báo cho người lớn biết.
- Đứng yên một chỗ, không chạy, không kích động khi chó lạ tiến lại gần. Hãy nói “No”, “Đi về nhà”, “Tránh ra” với giọng to, chắc chắn.
- Nếu bị chó vật ngã và tấn công, nằm yên, co người thành quả bóng, dùng bàn tay bảo vệ vùng mặt.
- Nếu bị chó cắn, phải báo ngay cho người lớn biết.
Sẽ là nhầm lẫn to bự nếu cho rằng trẻ thường bị tấn công bởi những con chó lạ. Các thống kê đã chỉ ra phần lớn những trường hợp chó cắn xuất phát từ chó nuôi trong gia đình hoặc của hàng xóm.
Loại chó nào thường tấn công?
Mỗi loài chó hành vi và tập tính khác nhau. Một số loài có khuynh hướng dễ tấn công hoặc tấn công vào vùng đầu mặt cổ như Becgie (German Shepherd), Chow Chow, Pitbull, Cocker, Rottweiler. Cần lưu ý rằng, tất cả các loài chó đều có thể tấn công nếu bị kích động.
Sơ cứu ban đầu
Hầu hết các vết chó cắn không gây tử vong. Tuy nhiên, tất cả trường hợp đều cần phải được chăm sóc y tế, sau khi chăm sóc vết thương trẻ cần được.
- Dùng kháng sinh.
- Tiêm ngừa dại.
- Tiêm ngừa uốn ván.
- Cần đến ngay trung tâm y tế nếu trẻ có nhiều vết cắn, vết cắn gây tổn thương nặng mô mềm (đặc biệt là trẻ em), vết cắn ở vùng đầu mặt cổ.
- Đọc thêm: Xử trí vết thương vết ngoài da ở trẻ nhỏ đúng cách.
Tiêm phòng uốn ván
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa đã nêu trên, trẻ cần được tiêm ngừa vắc xin uốn ván và kháng huyết thanh uốn ván.
Nếu trẻ được tiêm 4 mũi vắc xin uốn ván trước 18 tháng tuổi và mũi nhắc lại vào năm 4 và 12 tuổi, phần lớn trường hợp sẽ không cần tiêm thêm khi bị chó cắn
Các trường hợp cần tiêm thêm vắc xin uốn ván:
- Nếu trẻ đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin uốn ván hoặc hơn, nhưng vết thương bẩn, nghiêm trọng; và mũi cuối cùng cách thời điểm hiện tại hơn 5 năm.
- Nếu trẻ đã tiêm đủ 3 mũi vaccin hoặc hơn, vết thương sạch, nhẹ; và mũi cuối cùng cách thời điểm hiện tại hơn 10 năm.
Vết thương do chó cắn là loại xuyên thủng và làm bẩn do nước bọt của con vật, vì vậy sẽ không được tính là vết thương nhẹ, sạch. Nếu trẻ không được tiêm vắc xin uốn ván hoặc tiêm ít hơn 3 mũi, trẻ cần phải tiêm ngừa uốn ván VÀ kháng huyết thanh.
Tiêm phòng bệnh dại
Hiện nay, tại Việt Nam công tác quản lý và tiêm phòng cho vật nuôi còn chưa hiệu quả, nguy cơ bệnh dại vẫn còn hiện diện. Nếu trẻ bị chó cắn, cần đưa trẻ đến phòng khám nhi khoa và cố gắng xác định con vật đã được tiêm phòng dại hay chưa.
Trẻ cần được tiêm phòng kháng huyết thanh và vắc xin dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị cắn (nếu chó có biểu hiện bệnh dại, chưa tiêm ngừa dại, không rõ tiêm ngừa hoặc không tìm thấy con vật).
Bệnh dại đặc biệt nguy hiểm, hiện chưa có phương pháp điều trị. Nếu biểu hiện triệu chứng hầu hết bệnh nhân sẽ tử vong, do đó tiêm phòng dại khi bị chó cắn là rất cần thiết.