Probiotic là gì và vai trò với sức khoẻ của trẻ nhỏ
Chúng ta thường có ấn tượng xấu khi nhắc đến vi khuẩn, chúng là tác nhân gây nên nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, cũng có những chủng vi khuẩn thực sự có lợi. Trong bài viết này, bạn sẽ tìm hiểu lợi khuẩn (probiotic) là gì và vai trò của chúng đối với sức khoẻ của trẻ em.
Key takeaways
- Lợi khuẩn là những vi sinh vật sống cộng sinh và có lợi cho cơ thể con người.
- Chúng giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt và tăng cường miễn dịch.
- Khi chúng ta bổ sung lợi khuẩn một cách chủ động bằng thức ăn hoặc dùng thuốc, chúng được gọi là probiotic.
Lợi khuẩn là gì
Có rất nhiều vi sinh vật sống bên trong cơ thể chúng ta. Chúng có thể là vi khuẩn, virus, khí sinh trùng hoặc nấm. Và thật may mắn, hầu hết những vi sinh vật này là có lợi.
Những sự thật thú vị về lợi khuẩn.
- Lợi khuẩn bắt đầu xâm nhập vào cơ thể từ lúc sinh, khi thai nhi đi qua âm đạo của người mẹ.
- Theo thời gian, cơ thể liên tục tiếp nhận thêm các lợi khuẩn, chủ yếu thông qua con đường ăn uống.
- Các lợi khuẩn chung sống hoà bình với nhau và với cơ thể con người. Số lượng và chủng loại các lợi khuẩn luôn được duy trì ở một trạng thái cân bằng.
- Cộng đồng lợi khuẩn có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Chúng có thể được xem như một “hệ cơ quan” thứ 6 bên cạnh hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu và thần kinh.
Vai trò của lợi khuẩn
Lợi khuẩn có mặt ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể như miệng, đường ruột, âm đạo, đường tiểu, da và phổi.
Cộng đồng lợi khuẩn thực hiện nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể:
- Chiến đấu chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Khiến môi trường bên trong cơ thể khó sinh sống cho vi khuẩn gây hại. Ví dụ, những lợi khuẩn ở âm đạo tạo ra acid lactic làm giảm pH môi trường, khiến vi khuẩn và nấm gây bệnh khó sinh sôi phát triển.
- Tham gia chuyển hoá một số chất trong cơ thể. Ví dụ hệ khuẩn đường ruột tham gia chuyển hoá bilirubin.
- Duy trì sức khoẻ của hệ tiêu hoá, giảm nguy cơ tiêu chảy, táo bón.
- Đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động tốt.
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Chính vì những lợi ích nêu trên, các nhà khoa học đã tìm cách bào chế lợi khuẩn thành thuốc và thực phẩm chức năng. Nếu bạn chủ động bổ sung lợi khuẩn để cải thiện sức khoẻ, chúng được gọi là probiotic.
Probiotic là gì
Probiotic là những lợi khuẩn được chúng ta bổ sung một cách chủ động, vậy chúng có ở đâu?
Các thực phẩm lên men:
- Sữa chua.
- Kim chi.
- Thực phẩm lên men từ đậu nành.
- Bắp cải muối.
Một số thực phẩm không lên men:
- Ngũ cốc.
- Dưa chuột.
- Táo.
- Ngô.
- Ruột, thịt của một số động vật.
Và đặc biệt, một số chủng lợi khuẩn được bào chế thành thực phẩm chức năng để sử dụng trực tiếp.
Đọc thêm: Probiotic trong thực phẩm lên men
Probiotic có gì đặc biệt
Không phải mọi sản phẩm có chứa lợi khuẩn đều được coi là probiotic. Các tiêu chí cần có của một probiotic là:
- Lợi khuẩn phải còn sống trong thức ăn hoặc thực phẩm chức năng.
- Lợi khuẩn tồn tại bền vững dưới tác động của acid dạ dày và men tiêu hoá ở ruột.
- Có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Không gây hại khi đưa vào cơ thể.
Có những chủng probiotic nào
Hiện nay đã có nhiều loại vi sinh vật được bào chế thành probiotic uống, trong đó phổ biến nhất là vi khuẩn. Các chủng vi khuẩn thường gặp là:
- Lactobacillus.
- Bifidobacterium.
- Streptococcus.
- Enterococcus.
Ngoài ra, một số loại nấm cũng được chế biến thành probiotic như:
- Saccharomyces boulardii.
- Saccharomyces cerevisiae.
Probiotic và prebiotic khác nhau như thế nào
Probiotic là những vi sinh vật có lợi cho cơ thể. Chúng ta có thể bổ sung probiotic thông qua thức ăn hoặc dùng thuốc.
Ngược lại, prebiotic không phải là vi sinh vật. Chúng là các chất có trong thức ăn giúp thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn trong cơ thể. Bạn có thể hình dung prebiotic là thức ăn cho các probiotic.
Ví dụ, trong sữa mẹ có chứa một số loại oligosaccharid (prebiotic). Chất này là thức ăn thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn Bifidobacteria (probiotic) có trong hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu cho thấy chủng vi khuẩn này có vai trò quan trọng hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch của trẻ.
- The gut microbiome in health and in disease – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4290017/
- https://ods.od.nih.gov/factsheets/Probiotics-Consumer/
- https://my.clevelandclinic.org/health/articles/14598-probiotics
- Probiotics and immune health – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4006993/
- https://www.verywellfit.com/what-are-probiotics-5120055#citation-11